23/09/2020 09:40 GMT+7

Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: Chuyện đau đầu ở nhiều nước

D.KIM THOA tổng hợp
D.KIM THOA tổng hợp

TTO - Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang tranh luận gay gắt việc có nên cho học sinh mang điện thoại tới trường bởi sự phân vân giữa lợi ích rất lớn và tác hại đi kèm không nhỏ của các thiết bị thông minh.

Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: Chuyện đau đầu ở nhiều nước - Ảnh 1.

Thầy Ken Halla có nhiều sáng kiến trong việc đưa công nghệ vào phục vụ giảng dạy - Ảnh: FAIRFAX COUNTY TIMES

Nếu vào khoảng hai thập kỷ trước, điện thoại di động là chuyện chưa từng được nhắc tới ở trường học thì nay, thật khó để tìm ra một đứa trẻ trong độ tuổi đi học không có ít nhất một chiếc điện thoại, và phần lớn là điện thoại thông minh (smartphone).

Tìm cách sống chung thay vì cấm

Một số phụ huynh tin rằng con họ cần có điện thoại ở trường để họ có thể liên lạc với con khi cần. Đó là lý do vì sao nhiều nơi, nhất là ở Mỹ, cho phép trẻ mang điện thoại tới trường nhưng không cho dùng trong lớp học. 

Một số người cũng tin rằng tốt hơn là thay vì cấm thì nên dạy trẻ cách sử dụng công nghệ có trách nhiệm. Những người này cũng tin rằng smartphone còn có thể là một công cụ giáo dục thuận tiện cung cấp các nguồn tài nguyên học tập phong phú, hữu ích cho học sinh.

Tại Mỹ, ở các bang khác nhau lại có những chính sách khác nhau về vấn đề này. Chẳng hạn, theo báo USA Today, bà Liz Kline, phó chủ tịch phụ trách giáo dục tại tổ chức Common Sense Education ở vùng vịnh San Francisco - một tổ chức chủ trương thực hiện sứ mệnh giúp trẻ em được phát triển tốt trong thế giới của truyền thông và công nghệ, cho rằng "nên có một kế hoạch thay vì một lệnh cấm".

"Có những bối cảnh học tập chính đáng để sử dụng các thiết bị này trong lớp học" - bà Kline nói, dẫn ra các ví dụ như học sinh có thể làm phim hay học về nhiếp ảnh. Dĩ nhiên bà cũng thừa nhận chuyện các thiết bị số gây phân tán là "hoàn toàn thực tế" và việc thiết lập các nguyên tắc trong lớp học lúc nào phù hợp cho việc dùng điện thoại là điều không hề đơn giản.

Nhiều nơi cấm

Từ năm 2020, bang Tây Úc (Úc) chính thức áp dụng chính sách cấm dùng điện thoại di động trong trường học vì lo ngại thiết bị này gây phân tán với học sinh và là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bắt nạt học đường. Trước bang Tây Úc, Pháp và Trung Quốc cũng đã có những luật tương tự từ năm 2018.

Lệnh cấm điện thoại của bang Tây Úc được áp dụng với mọi trường học trên toàn bang. Theo đó, điện thoại di động bị cấm từ lúc học sinh đến trường cho tới khi tan học, cấm triệt để cả trong khoảng thời gian trước lúc vào học cho tới những khoảng giải lao giữa giờ.

Trang The Conversation (Úc) cho biết theo luật này, "học sinh phải tắt điện thoại và bỏ vào tủ đựng đồ ngay khi tới trường cho tới lúc chuông báo ra về. Trong trường hợp khẩn cấp, phụ huynh và bảo vệ có thể liên lạc qua trường để gặp học sinh".

Giải pháp sáng tạo đưa công nghệ vào lớp học

Trong 5 năm qua, thầy Ken Halla, một giáo viên có 22 năm kinh nghiệm giảng dạy, đã có những sáng kiến đáng chú ý trong việc biến các giờ học lịch sử thế giới lớp 9 và môn bộ máy nhà nước và chính trị Mỹ thành các buổi học thân thiện với công nghệ, nơi học sinh có thể tích hợp công nghệ mới nhất vào quá trình học tập của các em. Bài viết của thầy đăng trên trang web của Hiệp hội Giáo dục quốc gia (NEA), Mỹ.

"Không phải lớp học nào cũng có sẵn một chiếc laptop mỗi ngày, vậy nên các thiết bị như smartphone trở thành thứ rất đắc dụng cho các giáo viên" - thầy Halla nói.

Để việc sử dụng các thiết bị di động hiệu quả trong lớp, thầy Halla có những bí quyết riêng. Chẳng hạn, thầy biến lớp học thành một không gian linh hoạt, không phải chỉ có một hướng duy nhất là trông lên bảng như trong các lớp học truyền thống. Nhờ đó, thầy có thể đi vòng quanh lớp để tiếp cận mọi học sinh trong giờ học, đồng thời đảm bảo không em nào "thoát" khỏi tầm quan sát của thầy để lén nhắn tin hay cập nhật "status" trên mạng xã hội.

Thầy Halla cũng giới thiệu cho học sinh một ứng dụng tuyệt vời là Remind101, để giúp các em nhận được tin nhắn thông báo khi có bài tập được giao. Phụ huynh cũng có thể đăng ký vào ứng dụng để theo dõi tiến độ hoàn thành bài tập về nhà của con. Điều này giúp học sinh học tập có tổ chức và tránh bị xao lãng.

Ngoài các ứng dụng thân thiện với hoạt động giáo dục, thầy Halla còn tìm thấy những tài nguyên trên mạng giúp tăng hiệu suất học tập của học sinh hơn và dễ dàng tiếp cận những tài nguyên đó qua smartphone. Trong số ấy, thầy đề xuất trang Polleverywhere.com làm công cụ để kiểm tra kiến thức học sinh về môn học trước kỳ kiểm tra sắp tới. Giáo viên có thể xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm kiến thức tại đây rồi giao cho học sinh làm và khi học sinh hoàn tất, trang web sẽ xuất ra luôn bảng đồ họa cho thấy kết quả tổng quát của học sinh.

Thầy Halla cũng đề xuất một số ứng dụng tuyệt vời khác dành cho các môn học về khoa học xã hội như World Wiki - ứng dụng cung cấp thông tin nhân khẩu học của gần 250 quốc gia trên thế giới, iAmerica - ứng dụng cung cấp thông tin về từng tổng thống Mỹ và lịch sử của Nhà Trắng và U.S. Constitution - ứng dụng cho phép học sinh tiếp cận tới một trong những tài liệu quan trọng nhất của nước Mỹ là hiến pháp.

Bí kíp của thầy Halla là tới giờ giảng thầy yêu cầu học sinh phải bỏ tai nghe, buông điện thoại và tập trung vào bài giảng. Không phải mọi nội dung học đều có thể số hóa, nhưng thầy Halla cho rằng các giáo viên cần phải thích ứng với sự thay đổi của thời đại và tìm ra giải pháp để có thể tích hợp thành công những thiết bị công nghệ vào giờ học của mình.

Theo kết quả khảo sát của ĐH Monash (Úc), phần lớn người dân ủng hộ quyết định cấm dùng điện thoại di động trong trường học. Ngay cả các học sinh cũng ủng hộ lệnh cấm này. Mặc dù ban đầu cũng có nhiều em phản đối nhưng sau một thời gian, các em nhận ra đó thực sự là điều tốt với chúng.

Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: Cần hướng dẫn kỹ năng dùng điện thoại Cho học sinh dùng điện thoại trong lớp: Cần hướng dẫn kỹ năng dùng điện thoại

TTO - Tôi ủng hộ quyết định của Bộ GD-ĐT khi cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Vì Bộ GD-ĐT cho học sinh dùng điện thoại để phục vụ học tập chứ không phải để làm việc riêng.

D.KIM THOA tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên