20/03/2019 10:00 GMT+7

Chờ đợi… cựu thủ tướng Abhisit

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Chỉ còn 4 ngày nữa là đến tổng tuyển cử, Đảng Dân chủ do cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva lãnh đạo - đảng chính trị lâu đời nhất của Thái Lan - có thể quyết định thủ tướng tương lai của xứ chùa vàng.

Chờ đợi… cựu thủ tướng Abhisit - Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva trong hoạt động tranh cử tại Bangkok mới đây - Ảnh: REUTERS

Người dân nhận thức nhiều hơn về cuộc bầu cử qua tin tức và họ càng quyết tâm hơn. Hơn nữa, họ đã không được đi bỏ phiếu trong nhiều năm

Nhà khoa học chính trị Attasit Pankaew của Đại học Thammasat nhận định trên tờ The Nation

Liệu họ sẽ bắt tay với các đảng thân quân đội để củng cố quyền kiểm soát của quân đội hoặc hợp sức với mặt trận khác để loại bỏ chính quyền quân sự? 

Hoặc lựa chọn thứ ba như lãnh đạo đảng, ông Abhisit, đã úp mở rằng "chúng tôi sẽ là con đường đưa Thái Lan khỏi một thập kỷ bất ổn vừa qua", gợi lên khả năng ông Abhisit sẽ quay lại làm thủ tướng.

Pheu Thai dẫn đầu ủng hộ

Trong cuộc bầu cử sắp tới, cử tri Thái sẽ đi bầu 500 thành viên hạ viện, trong đó dự kiến 350 ghế được bầu theo khu vực bầu cử và 150 ghế theo danh sách các đảng chính trị. Sau khi có kết quả bầu hạ viện, quốc hội gồm cả thượng viện và hạ viện (750 ghế) sẽ tham gia bầu thủ tướng và chọn nội các mới.

Bangkok Post ngày 19-3 đưa tin Đảng Pheu Thai, Dân chủ và Future Forward nhất trí rằng việc các nghị sĩ hạ viện, những người được dân bầu trực tiếp, lựa chọn thủ tướng sau cuộc bầu cử ngày 24-3 sẽ thể hiện đúng mong muốn của người dân hơn nếu không có sự tham gia của 250 thượng nghị sĩ vốn được chính quyền quân đội chỉ định toàn bộ.

Chamnan Chanrueng, chuyên gia pháp lý của Đảng Future Forward, nhấn mạnh các hạ nghị sĩ cần đồng lòng trong việc loại bỏ đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha để ngăn thượng viện có cơ hội lựa chọn một ứng viên không được ủng hộ. Tuy nhiên, chưa rõ các đảng này sẽ hành động ra sao.

Thông thường, ghế thủ tướng sẽ rơi vào tay ứng viên của đảng nào giành nhiều ghế nhất trong hạ viện. Tuy nhiên, trong đợt bầu cử này, thượng viện cũng sẽ tham gia bầu thủ tướng mới, đồng nghĩa rằng ứng viên thủ tướng phải giành hơn 376 phiếu trong lưỡng viện quốc hội.

Nhưng với việc chính quyền quân sự kiểm soát toàn bộ 250 ghế ở thượng viện, khó có đảng phái phản đối chính quyền quân sự nào có thể đạt được con số trên. 

Theo các thăm dò mới nhất, Pheu Thai vẫn là đảng có sự ủng hộ lớn nhất, chiếm ưu thế tại khu vực đông bắc Thái Lan và dự kiến giành 104 trên 126 ghế tại khu vực này. Nhưng Pheu Thai sẽ mất kha khá phiếu bầu vào tay các đảng mới khiến đảng này khó có thể giành chiến thắng vang dội như hồi năm 2011.

Trong khi đó, Đảng Palang Pracharat thân quân đội mới được thành lập cũng được dự đoán không giành đủ số phiếu trong cuộc bầu cử này. Do đó, việc tìm kiếm liên minh là điều vô cùng quan trọng.

Đảng Dân chủ, vốn được tầng lớp trung lưu tại Bangkok và miền nam Thái Lan ủng hộ, đến nay vẫn chưa đưa ra sự lựa chọn rõ ràng. Lãnh đạo đảng - cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva - mới đây tuyên bố không ủng hộ ông Prayuth Chan-o-cha tiếp tục làm thủ tướng nhưng cũng không ưa Đảng Pheu Thai thân cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra - một đối thủ cũ.

"Bầu cử đâu chỉ có trắng và đen, đất nước còn nhiều lựa chọn khác" - ông Abhisit nói. Tuy nhiên, các đảng khác không nghĩ như vậy. "Chỉ có hai phe, ông ấy buộc phải chọn thôi" - ứng viên Sudarat Keyuraphan của Đảng Pheu Thai nhấn mạnh.

Tỉ lệ đi bầu cao kỷ lục

Hơn 2,2 triệu cử tri Thái đã đi bỏ phiếu sớm, trong khi tỉ lệ cử tri đi bầu ngày 24-3 cũng dự kiến cao kỷ lục, khoảng 80%, cho thấy sự kỳ vọng của người dân vào cuộc bầu cử đầu tiên từ năm 2014 tại nước này.

Dù vậy, lượng cử tri đi bầu cao cũng sẽ gây khó khăn cho các đảng nhỏ, buộc các đảng này phải giành nhiều phiếu hơn để có được ghế trong quốc hội từ danh sách chỉ định.

Ủy ban bầu cử (EC) ngày 18-3 khẳng định bầu cử sớm diễn ra suôn sẻ dù xác nhận một số lỗi, sai phạm như gian lận, phiếu bầu in nhầm. Ittiporn Boonpracong, chủ tịch EC, khẳng định sẽ xem xét và có biện pháp để đảm bảo cuộc bầu cử chính thức ngày 24-3 diễn ra suôn sẻ.

Cũng có lo ngại đặt ra về các sai sót như thiếu tên cử tri, nhầm tên, phiếu bầu chuyển tới nhầm điểm bỏ phiếu... "Các sai sót trong đợt bỏ phiếu sớm nên là bài học kinh nghiệm. Chủ nhật tới sẽ là cuộc bỏ phiếu thật sự và không nên có sai sót nào. 

Tôi nghĩ người dân có sự nghi ngờ và EC nên chứng minh sự minh bạch, nếu không sẽ ảnh hưởng đến niềm tin sau bầu cử" - ứng viên thủ tướng của Đảng Pheu Thai Chadchart Sittipunt nhấn mạnh.

"Phòng chiến tranh" theo dõi mạng xã hội

Trong "phòng chiến tranh" mới được thành lập phục vụ cho đợt bầu cử lần này, chính quyền sẽ giám sát hàng ngàn bài đăng trên các mạng xã hội, phát hiện vi phạm của các đảng đối với luật cấm tranh cử trên mạng xã hội, theo Reuters. Một khi phát hiện, họ sẽ yêu cầu các mạng xã hội như Facebook xóa bỏ.

Luật yêu cầu các ứng viên và đảng phải báo cáo với EC các bài đăng trên mạng xã hội và chỉ được thảo luận về các chính sách. Bất cứ lời chiêu dụ phiếu bầu hoặc công kích đối thủ có thể khiến đảng đó mất tư cách tranh cử và ứng viên bị phạt đến 10 năm tù.

Sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn Thái trước bầu cử Sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn Thái trước bầu cử

TTO - Cuộc tổng tuyển cử Thái Lan 2019 sẽ diễn ra vào ngày 24-3 tới. Gần 13 năm kể từ cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người dân Thái vẫn có sự khác biệt về quan điểm nên ủng hộ ai. Phóng sự của báo SCMP cho thấy điều đó.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên