09/09/2021 08:39 GMT+7

Chính quyền Taliban: Bình mới, rượu cũ

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Ba tuần sau khi chiếm thủ đô Kabul, lực lượng Taliban tuyên bố khôi phục Tiểu vương quốc Hồi giáo và một chính quyền mới gồm 14 gương mặt cũ của chính quyền Afghanistan giai đoạn 1996 - 2001, hoàn toàn vắng bóng phụ nữ.

Chính quyền Taliban: Bình mới, rượu cũ - Ảnh 1.

Chính phủ mới nằm dưới quyền Lãnh đạo tối cao Haibatullah Akhundzada - Đồ họa: TUẤN ANH

Chính quyền lâm thời được công bố hôm 7-9, trong bối cảnh Taliban không chỉ đối mặt với lực lượng kháng chiến từ thung lũng Panjshir mà còn các cuộc biểu tình ở nhiều thành phố.

Họ đang thể hiện cho thế giới thấy họ sẽ làm theo cách của mình.

Ông Asfandyar Mir (chuyên gia về các phong trào Hồi giáo thuộc Đại học Stanford) cho rằng việc bổ nhiệm ông Haqqani thể hiện việc Taliban chẳng mấy bận tâm tới lo ngại của thế giới.

"Taliban vẫn là Taliban"

Tuy nhiên, những gương mặt trong chính quyền Taliban đã đi ngược lại những cam kết trước đó của lực lượng này về một chính phủ đa dạng khi hoàn toàn vắng bóng phụ nữ và đại diện các thành phần thiểu số. Đặc biệt, trong chính quyền mới có một nhân vật bị Mỹ xếp vào danh sách khủng bố.

"Tôi đảm bảo với mọi người dân rằng các quan chức này sẽ làm việc cật lực để giữ gìn luật Sharia và các quy định Hồi giáo. Tiểu vương quốc Hồi giáo cần sự ủng hộ của người dân để cùng nhau tái thiết đất nước đã bị tàn phá này" - nhà lãnh đạo tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, nói thông qua bài phát biểu được đọc tại Kabul vào khuya 7-9 (giờ địa phương).

Chính quyền mới bao gồm nhiều nhân vật từng tham gia chính quyền dưới sự cai trị của Taliban trong giai đoạn 1996 - 2001 và do Thủ tướng Mullah Hassan Akhund đứng đầu. Ông Akhund, từng giữ vai trò ngoại trưởng và phó thủ tướng trước năm 2001, được đánh giá là một nhân vật bảo thủ, từng quyết định cấm phụ nữ đi học, thực thi phân biệt giới tính và nghiêm ngặt về trang phục tôn giáo.

Nhân vật số hai là Phó thủ tướng Mullah Abdul Ghani Baradar, một nhà đồng sáng lập của Taliban và đại diện lực lượng này tham gia các cuộc đàm phán quan trọng ở Qatar thời gian qua. Cả hai nhân vật đứng đầu đều nằm trong danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc.

Một nhân vật cũng đáng chú ý không kém là Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani, con trai nhà sáng lập mạng lưới Haqqani - một nhánh đắc lực của Taliban, bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) truy nã liên quan các vụ tấn công liều chết và mối quan hệ với nhóm Al Qaeda. FBI đã treo thưởng 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ ông Haqqani.

Trong mắt giới quan sát, chính quyền mới cho thấy Taliban không có nhiều thay đổi sau hai thập niên. "Nó không mang tính toàn diện chút nào và điều đó không có gì ngạc nhiên. Lực lượng Taliban vẫn là Taliban như trước đây thôi" - biên tập viên Bill Roggio của tờ Long War Journal tại Mỹ bình luận.

Những dấu hiệu thể hiện rõ điều này chính là việc tái lập Bộ Thúc đẩy đức hạnh, ngăn trụy lạc - một cơ quan chịu trách nhiệm trừng phạt những ai vi phạm luật Sharia, hay việc Taliban mới đây cũng thẳng tay đáp trả cuộc biểu tình đòi quyền lợi của hàng trăm phụ nữ ở Kabul.

Tương lai bất định

Các hoạt động kinh tế của Afghanistan đình trệ, sau khi Taliban lên nắm quyền kiểm soát khiến nước này bị cô lập khỏi hệ thống tài chính quốc tế và nguồn viện trợ bị ngắt. Tại Kabul, hàng người dài xếp hàng trước các ngân hàng với hy vọng rút được đủ tiền sống qua ngày. Tuy nhiên, người dân Afghanistan cũng không rõ tương lai nào sẽ tốt hơn cho họ.

"Ngân hàng không còn tiền, doanh nghiệp lao đao, mọi người đang nói về liên minh chống lại Taliban" - Wall Street Journal dẫn lời một chủ cửa hàng ở Kabul nói. Tuy nhiên, ngay sát bên, một chủ cửa hàng khác thì ủng hộ sự thay đổi chính phủ: "Chính phủ cũ là chính phủ tham nhũng. Mọi người đi biểu tình vì họ không thể cướp được gì nữa. Tiểu vương quốc Hồi giáo đem lại an ninh và hệ thống Hồi giáo đích thực".

Để điều hành Afghanistan, Taliban sẽ cần đảm bảo các nguồn viện trợ. Trong khi đó, Mỹ và các nước đang nhìn vào động thái của Taliban, số phận của phe đối lập và quyền lợi của phụ nữ, các nhóm thiểu số để quyết định các động thái tiếp theo đối với Afghanistan. Các nước phương Tây cho biết họ sẵn sàng gửi hỗ trợ nhân đạo, nhưng các biện pháp kinh tế khác sẽ còn phụ thuộc vào "thiện chí" của Taliban.

Ngày 7-9, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không vội vàng công nhận chính quyền mới ở Afghanistan. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến công du Qatar và châu Âu nhằm tập hợp liên minh gây sức ép cả về mặt trận kinh tế lẫn ngoại giao, buộc Taliban thực hiện các cam kết cho phép người dân Afghanistan và công dân nước ngoài được rời khỏi nước này. Theo AFP, Mỹ cũng sẽ trao đổi với các liên minh cách đối phó với chính quyền mới ở Kabul.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 8-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục trao đổi với các lãnh đạo Taliban trong chính quyền mới. 

"Chúng tôi hy vọng chính quyền mới của Afghanistan sẽ lắng nghe người dân thuộc mọi chủng tộc và phe phái để đáp ứng được nguyện vọng của người dân và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế" - ông Vương nói. Trung Quốc, Nga, Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan là những nước vẫn duy trì đại sứ quán tại Kabul sau khi Taliban chiếm chính quyền.

Một nửa chính quyền cũ của Taliban trở lại nội các mới

Trong 33 thành viên của chính quyền lâm thời tại Kabul có đến 14 người từng tham gia chính quyền đầu tiên của Taliban (1996 - 2001). Trong số 33 người này có 4 nhân vật là cựu tù binh của Mỹ, gồm giám đốc tình báo Abdul Haq Wasiq, Bộ trưởng Biên giới và vấn đề dân tộc Noorullah Noori, Bộ trưởng Văn hóa thông tin Khairullah Khairkhwa và Thứ trưởng Quốc phòng Mohammed Fazl. Phó thủ tướng Mullah Abdul Ghani Baradar từng ngồi tù ở Pakistan.

Thủ tướng Mullah Hassan Akhund nằm trong danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc từ năm 2001. Bộ trưởng Nội vụ Sirajuddin Haqqani nằm trong danh sách khủng bố của Mỹ.

Chính phủ lâm thời của Taliban toàn đàn ông Chính phủ lâm thời của Taliban toàn đàn ông

TTO - Dù cam kết một chính phủ đa dạng nhưng Taliban lại công bố một chính phủ lâm thời toàn nam giới và không có đại diện các nhóm thiểu số, chưa kể nhiều người còn nằm trong danh sách khủng bố của Mỹ và Liên Hiệp Quốc.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên