Chiến sự Nga - Ukraine hậu sáp nhập

TƯỜNG ANH 08/10/2022 19:45 GMT+7

TTCT - Việc Nga sáp nhập Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (DNR và LNR), cùng hai vùng Kherson và Zaporozhye từ 30-9 đang đặt ra những vấn đề nào cho Nga cũng như cục diện chiến sự Ukraine?

Chiến sự Nga - Ukraine hậu sáp nhập - Ảnh 1.

4 vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga vừa tuyên bố sáp nhập. Ảnh: BBC

Sau khi kết nạp các thực thể mới, diện tích của Nga sẽ tăng 0,6%, thêm 108.840km2 - tương đương nước Bulgaria hoặc Estonia và Latvia cộng lại. Ngược lại, Ukraine mất 15% lãnh thổ, kéo theo là tiềm lực kinh tế và con người đáng kể. 

Cho đến năm 2014, Kiev chủ yếu dựa vào tài nguyên và nguồn lực của Donbass, gồm các nhà máy, tổ hợp công nghiệp Metinvest, Azovstal, Donbasenergo, Zaporizhstal, Nhà máy quặng sắt Zaporozhye, Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye... 

Theo tờ Kommersant, vào năm 2021, sản lượng than và sản phẩm luyện kim ở DNR lên tới 190 tỉ rúp (3,27 tỉ USD). Tương tự là kinh tế của LNR: 73% hàng xuất khẩu của vùng này là các sản phẩm luyện kim.

Ngổn ngang những vấn đề mới

Các vùng Kherson và Zaporozhye thì giàu tài nguyên nông nghiệp. Kherson là nhà cung cấp ngũ cốc chính không chỉ cho Ukraine, mà cho cả châu Âu. Theo Informer, khu vực này hằng năm có sản lượng lương thực ít nhất 2 triệu tấn. 

Khu liên hợp nông - công nghiệp Kherson bao gồm hơn 200 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau: đóng tàu, cơ khí, chế biến thực phẩm, hóa chất và bột giấy, công nghiệp nhẹ, công nghiệp điện... Hai hành lang vận tải quốc tế đi qua lãnh thổ khu vực. 

Việc sáp nhập Kherson sẽ cho phép Nga tiếp cận lưu vực biển Đen Azov và tuyến đường thủy Dnepr, mở ra cơ hội phát triển giao thông đường biển và đường sông.

Tại vùng Zaporozhye, đến nay 2/3 lãnh thổ đã thuộc quyền kiểm soát của Nga. (Thủ phủ vùng cùng tên hiện vẫn do Ukraine kiểm soát). Khu vực này cũng có lối ra biển Azov, với thành phố cảng Berdyansk. Một lượng đáng kể ngũ cốc, hướng dương, rau và dưa được trồng ở Zaporozhye. 

Vùng còn có các ngành công nghiệp cơ khí, hóa chất và hóa dầu, thực phẩm và công nghiệp nhẹ, luyện kim màu, năng lượng và sản xuất dược phẩm. Hơn 160 doanh nghiệp công nghiệp lớn hoạt động trong khu vực.

Trong 8 năm chiến tranh, tiềm năng công, nông nghiệp của cả bốn vùng này đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Duma Nga dự tính nếu mức độ kinh tế thời bình được khôi phục, tiềm năng của Donbass và các vùng cận biển Azov sẽ lên tới hơn 130 tỉ USD PPP (tổng sản phẩm quốc nội tính theo sức mua tương đương), tức khoảng 2,9% nền kinh tế Nga (và 22% nền kinh tế Ukraine).

Nhưng đây là viễn cảnh lâu dài. Theo ước tính của những người đứng đầu DNR và LNR, việc khôi phục mỗi vùng này thôi sẽ cần 1,5 - 2 nghìn tỉ rúp (25,8 - 34,4 tỉ USD).

"Khi mọi quy tắc đang bị phá vỡ"

Hai ngày sau khi Nga tuyên bố sáp nhập các lãnh thổ mới, quân đội Ukraine đã giành lại thêm một địa điểm chiến lược quan trọng là Krasnyi Lyman thuộc DNR. Không ít nhà bình luận đặt câu hỏi: Nga sẽ làm gì khi Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố sau sáp nhập, tấn công các lãnh thổ này sẽ là tấn công Liên bang Nga, và Nga sẽ bảo vệ bằng mọi phương tiện có thể?

Trả lời tờ AiF, nhà khoa học chính trị Bogdan Bezpalko, thành viên Hội đồng Quan hệ các dân tộc dưới quyền Tổng thống Nga, không phủ nhận khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) bởi hiệu quả của chúng. 

Ông so sánh, nếu muốn làm nổ một đoàn tàu bằng thuốc nổ TNT, sẽ cần tới 2,5 kiloton, nhưng với TNW, chỉ cần 0,3 kiloton. TNW được thiết kế để sử dụng trong điều kiện tiền tuyến, chống lại các đội hình chiến đấu trực tiếp, chẳng hạn như một tiểu đoàn xe tăng hoặc súng trường cơ giới tập trung ở một số khu vực. 

"Đường kính sát thương sau một cuộc tấn công của TNW không quá lớn - từ 1,5-5km. Đây không phải là một loại thảm họa hạt nhân toàn cầu, như chúng ta vẫn quen hiểu", ông Bezpalko nhấn mạnh.

Thậm chí, theo chuyên gia này, "vũ khí thông thường đôi khi có thể gây sát thương lớn hơn TNW. Các tổ hợp Smerch hoặc Himars thậm chí có thể gây nhiều thiệt hại hơn là một vụ tấn công hạt nhân chiến thuật, đặc biệt nếu chúng rơi vào một số nhà máy có sản xuất hóa chất". 

Theo nhà khoa học chính trị này, một khi "tất cả các quy tắc đang bị phá vỡ, mọi thứ đang sụp đổ, ai có kiếm trong tay sẽ sống sót".

Ngược lại, Gevorg Mirzayan - thuộc khoa khoa học chính trị, Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Nga - phủ nhận khả năng Matxcơva sử dụng TNW: Nga không muốn gây ô nhiễm hạt nhân với các vùng lãnh thổ mới sáp nhập, dù ông cũng thừa nhận "không ai loại trừ khả năng sử dụng [TNW]". 

Ông Mirzayan nhắc lại: sau khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nói Washington sẽ không ngăn cản Kiev sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga, Matxcơva đã lưu ý "phía Mỹ ngày càng tiến gần hơn đến việc trở thành một bên trong cuộc xung đột này, điều này là cực kỳ nguy hiểm". 

Không phải ngẫu nhiên mà đại sứ quán Mỹ khuyên công dân rời Nga "ngay lập tức" vào tuần trước. Theo Mirzayan, ván bài tùy thuộc vào việc Mỹ tin Matxcơva nghiêm túc đến mức độ nào.

Truyền thông phương Tây đã chuẩn bị dư luận cho một cuộc tấn công hạt nhân. Chẳng hạn, ấn bản Express (Anh) công bố bản đồ nước Anh với "các mục tiêu tiềm năng cho một cuộc tấn công hạt nhân của Nga". 

"Là quốc gia châu Âu cung cấp viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine, và là [cường quốc quân sự] lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ, Anh là một trong những kẻ thù lớn nhất của Nga", tờ này viết.

Gần như ngay sau lễ ký kết thỏa thuận gia nhập Nga của bốn vùng lãnh thổ mới vào chiều 30-9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã khẩn cấp đệ đơn xin gia nhập NATO theo thủ tục rút gọn. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thông báo một cuộc họp khẩn của liên minh ngay trong ngày. Tuy nhiên, ngay sau đó ông Zelensky nhận được câu trả lời "giờ không phải lúc" từ cả Nhà Trắng lẫn NATO, kèm lời hứa NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine "trong một thời gian dài". 

Ngày 2-10, Bloomberg đưa tin Nhà Trắng sẵn sàng hỗ trợ Ukraine mỗi tháng 1,5 tỉ USD trong suốt cuộc xung đột Ukraine. Đồng thời, Washington cũng sẽ thương lượng với EU tại cuộc làm việc của khối sắp tới tại CH Czech, để EU cũng phải hỗ trợ Ukraine số tiền tương đương.

Các kịch bản thực tế

Theo dự báo của ông Mirzayan trên tờ Vzglyad, Ukraine sẽ tiếp tục nỗ lực bao vây và chiếm lại các lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga, "nhưng chỉ cho đến khi Nga tích lũy đủ lực lượng cho các hoạt động tấn công quy mô lớn. 

Vào tháng 11, hàng trăm nghìn quân dự bị được huy động của Nga sẽ xuất hiện tại mặt trận - chưa tính đến hàng trăm nghìn tình nguyện viên và binh sĩ hợp đồng được cử tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt, và tình hình sẽ có những chuyển biến nghiêm trọng".

Tờ National Interest đăng bài của phó giám đốc các chiến dịch quốc gia của Lực lượng đặc nhiệm EMP về an ninh quốc gia và nội địa Mỹ David Pyne, cho rằng bất chấp cuộc phản công thành công của Ukraine ở Kharkiv, dẫn đến tái chiếm gần 6% lãnh thổ do Nga chiếm đóng, giới lãnh đạo phương Tây đang "đánh giá quá cao cơ hội chiến thắng của Ukraine". 

Theo đó, "việc động viên một phần của Putin sẽ không giới hạn ở 300.000 quân... mà 1,2 triệu quân dự bị sẽ tràn qua Ukraine trong một cuộc tấn công mùa đông đã được lên kế hoạch có thể chấm dứt nền độc lập của Ukraine".

Theo Pyne, "ngay cả sau khi Putin leo thang chiến tranh, Chính phủ Nga vẫn tuyên bố tiếp tục mở cửa cho các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine, nhưng Ukraine từ chối... chắc chắn là do sự hỗ trợ quân sự liên tục của phương Tây". 

Tuy nhiên với ưu thế quân sự sắp tới của Nga, "chỉ có một cách phương Tây tránh được viễn cảnh Ukraine bị đánh bại trên chiến trường trong vài tháng tới và tránh xung đột hạt nhân với Nga: quay trở lại ngoại giao để ít ra, Ukraine còn có thể kiểm soát được 81% lãnh thổ của mình".

Tuy nhiên, viện trưởng Viện Russtrat Yelena Pavina đã phản bác khả năng phương Tây sẽ kêu gọi Kiev chịu nhượng bộ bởi thực tế "toàn bộ cuộc chiến hiện được Washington bắt đầu và leo thang không phải để Kiev chấp nhận đầu hàng". 

Và kể cả Ukraine có chịu nhượng bộ lãnh thổ của họ, thì điều này cũng không thực sự kết thúc cuộc chiến. "Cùng lắm, người Nga sẽ có được thời gian nghỉ ngơi trong năm trước một cuộc chiến mới, quy mô lớn hơn. Tệ hơn nữa, Ukraine sẽ phá hoại và pháo kích liên tục vào lãnh thổ Nga, cũng như Nga sẽ tiếp tục chịu đủ kiểu áp lực từ phương Tây", bà Pavina nhận định. ■

Ngày 2-10, Tòa án Hiến pháp Nga đã quyết định công nhận các hiệp ước về tiếp nhận các chủ thể mới vào Nga, được ký kết giữa lãnh đạo các chủ thể mới với Tổng thống Nga ngày 30-9 là hợp hiến.

Thời gian chuyển tiếp để hội nhập các khu vực mới vào hệ thống kinh tế, tài chính, tín dụng và luật pháp Nga dự kiến sẽ diễn ra đến 1-1-2026. Lãnh đạo DPR và LPR sẽ được gọi là người đứng đầu các nước cộng hòa, còn ở Kherson và Zaporozhye sẽ là thống đốc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận