12/09/2019 18:40 GMT+7

'Chiếc xe kem của ba, xe ôm của ông ám ảnh em...'

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Tin con ông bán cà rem đậu thủ khoa ngành văn học Trường ĐH Cần Thơ lan truyền đầu trên xóm dưới. 'Chiếc xe kem của ba cứ ám ảnh mãi trong em. Nắng còn đỡ, mưa xuống coi như công toi, đứt vốn. Giờ ba phải chạy xe kem lên tận Mộc Hóa...".

Chiếc xe kem của ba, xe ôm của ông ám ảnh em... - Ảnh 1.

Chí Hiếu và bà ngoại - Ảnh: THÙY TRANG

Cho đến ngày hạnh phúc vỡ òa khi các em cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học. Các em đã không phụ sự kỳ vọng của ông bà, cha mẹ và hơn hết, sự bền chí, nỗ lực không ngừng đã đơm hoa, kết quả.

"Học để trả hiếu cho ông bà"

Cái tên Nguyễn Thị Chí Hiếu là niềm tin, sự hi vọng mà ông bà ngoại đặt cho đứa cháu chưa dứt sữa mẹ nhưng phải rời xa vòng tay mẹ.

Bà Nguyễn Thị Đầm, bà ngoại Hiếu, nghẹn ngào kể mẹ Hiếu đột ngột qua đời khi Hiếu tròn một tuổi, ba Hiếu cũng bặt vô âm tín từ đó. Nỗi khổ mất đứa con gái duy nhất, đứa cháu thì khóc ngằn ngặt khát sữa, hai ông bà tưởng chừng không vượt qua nỗi đau quá lớn này. "Con nhỏ khóc bao nhiêu tui khóc bấy nhiêu, sức khỏe tui cũng yếu dần nhưng tui sực tỉnh lỡ như tui mà chết thì ai lo cho nó", bà  nói.

" Nhà nghèo dữ lắm, tui cho con nhỏ uống nước cơm thay sữa, hàng xóm thương tình cho thêm quần áo mặc. Ổng nói với tui dù gì cũng ráng lo cho nó thành tài", bà Đầm nghẹn giọng.

Tuổi 18, gương mặt Hiếu cứng cỏi hơn các bạn cùng lứa, Hiếu chậm rãi nói càng lớn Hiếu hiểu nỗi mất mát, khó khăn mà mình và ông bà đang gánh chịu. Nhưng bù đắp lại, Hiếu có ông, có bà thương mình hết mực.

"Em chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để đền đáp ơn ông bà. Đến giờ gần 70 tuổi mà ông ngoại còn chạy xe ôm, bà ngoại thì bệnh tim. Hình ảnh đó cứ thôi thúc em phải học và học", Hiếu giãi bày.

Căn nhà nhỏ xíu, trống hoác, trời mưa là ông bà và cháu lại túm tụm lại một chỗ vì mái tôn đã thủng nhiều chỗ. Nắng xiên, mưa dột nhưng có một chỗ duy nhất được ông bà nâng niu gìn giữ suốt 12 năm qua là những tấm giấy khen mà Hiếu đạt được. Bà cẩn thận bao từng bịch nilông, mỗi bịch là mỗi năm, bà treo dọc vách nhà. Hiếu đậu đại học, bà ngoại Hiếu khóc suốt, bà nói khóc vì hạnh phúc.

Hiếu đậu ngành công nghệ chế biến thủy sản Trường đại học Cần Thơ. Trường cách nhà 18 cây số, không nỡ xa ông bà, cũng không muốn chất thêm nỗi lo cho ông bà, Hiếu nói sẽ đạp xe đi và về trong ngày. Giờ Hiếu kiếm thêm tiền bằng cách sửa quần áo. 

"Hồi xưa, bà ngoại bắt em học may, em không thích lắm nhưng cố gắng làm bà vui, giờ thì dùng được rồi", Hiếu nói.

Bà ngoại Hiếu giãi bày: "Tui với ông ngoại nó già rồi, tui bắt nó học lỡ tui với ổng có mệnh hệ nào thì nó cũng có cái nghề nuôi thân. Ai ngờ trời thương, tui sống tới giờ thấy nó đỗ đạt, tui mãn nguyện dữ lắm".

Ngày Hiếu đậu đại học, ông bà ngoại làm mâm cơm canh chua cá lóc đưa lên bàn thờ cho con gái. Món ăn mà ngày xưa mẹ Hiếu thích nhất, cũng là món sang nhất mà gần hai mươi năm qua ông bà và Hiếu mới ăn được.

Chưa ai nghe học ở trung tâm giáo dục thường xuyên lại đậu thủ khoa

Tin con ông bán cà rem ở phường Thới An, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) đậu thủ khoa ngành văn học Trường ĐH Cần Thơ lan truyền đầu trên xóm dưới. Người ta ngạc nhiên vì thấy quanh năm, hầu như tháng nào Nguyễn Thị Mỹ Ly cũng phải đi bệnh viện. Hơn hết là chưa ai nghe học ở trung tâm giáo dục thường xuyên lại đậu thủ khoa.

Chiếc xe kem của ba, xe ôm của ông ám ảnh em... - Ảnh 2.

Mỗi tháng Ly phải đến bệnh viện khám lấy thuốc, bệnh của Ly không được dừng thuốc dù chỉ một ngày - Ảnh: THÙY TRANG

Khuôn mặt Mỹ Ly rất đẹp, trắng trẻo nhưng hơi gầy gò, xanh xao. Ly nói sống được tới ngày nay là cả hành trình gian nan của cả nhà, tiền bạc của cải không còn vì phải chăm lo cho Ly. Năm lớp 8, tự dưng bị đau đầu dữ dội, Ly chỉ uống thuốc giảm đau cầm chừng, đến khi bệnh quá nặng, bệnh viện ở Cần Thơ lắc đầu, ba mẹ Ly không cam lòng quyết tâm đưa đi Sài Gòn chữa trị.

Do phát hiện quá trễ, bệnh Lupus ban đỏ gần như biến chứng, mặc dù cứu sống nhưng sức khỏe Ly sa sút. "Mẹ khóc hết nước mắt vì Ly cứ nằng nặc đòi đi học, ba Ly thì nói con ham thì cho nó tới trường, ngồi chơi thôi cũng được", Ly kể.

Ly nói lúc đó chỉ cảm thấy ham đến trường, ham nghe thầy cô giảng bài chứ chưa nhận thứ hết phải học để thành đạt.

Bệnh tật vẫn không buông tha. Đến năm lớp 9, Ly lại bị lao màng não, vi trùng lao đã ăn sâu vào não. Cha mẹ, thầy cô tưởng chừng đã mất Ly rồi.

 "Sau lần chết đi sống lại đó, mẹ quyết  không cho em học vì sợ sức khoẻ không chịu nổi. Nghỉ ở nhà hơn một năm, sức khỏe không có, thấy bạn bè đi học thì lại chồn chân. Em nghĩ không lẽ ở nhà để ba đi bán cà rem nuôi mình suốt đời", Ly tâm sự.

Ly nói rõ suy nghĩ của mình, giờ nếu không học thì Ly không làm bất cứ việc gì được. Làm việc tay chân thì không được, nếu không có bằng cấp thì chỉ vô dụng.

Một lần nữa, vì thương con, ba đưa Ly đến trung tâm giáo dục thường xuyên với hi vọng cho con đến trường có thầy, có bạn sẽ bớt buồn.

"Mỗi năm, tui gặp thầy cô của con, ai cũng khen nó học giỏi, tui chỉ nghĩ thầy cô khen động viên vậy thôi. Ai ngờ nó thi đậu cao như vậy, tui mừng hết sức, kể ra không uổng công chút nào", ông Nguyễn Hoàng Ngôi, ba Ly, hớn hở khoe.

Gặp Ly ở ĐH Cần Thơ, thở hồng hộc, gương mặt em đỏ bừng do bệnh lupus ban đỏ, căn bệnh kiêng kỵ nhất là ánh nắng và làm quá sức. Mân mê tay áo, Ly nói: " Tiền học phí ba phải chạy vạy khắp nơi mới đóng đủ, em ở nhờ phòng trọ của người cô, đi bộ tầm 5, 7 cây số là đến trường rồi. Em sẽ đi dạy thêm hoặc tìm việc phù hợp với sức khỏe để bớt gánh nặng cho ba".

Sở dĩ Ly không ở ký túc xá vì ở đó cũng cần phải đóng tiền, cần tiền ăn, mà giờ thì chưa kham nổi thêm chi phí như vậy. Ly tính toán ở nhờ nhà trọ, cô có gì thì Ly ăn cùng, khi nào có việc làm thêm thì tính tiếp.

Trầm ngâm hồi lâu, Ly nói thêm: "Hình ảnh chiếc xe kem của ba cứ ám ảnh mãi trong em. Bữa nào trời nắng còn đỡ, mưa xuống coi như công toi, lỗ vốn. Giờ ba phải xách xe kem lên tận Mộc Hóa (Long An) chỉ mong bán được nhiều kem, có tiền cho mấy con ăn học. Em không nỡ phụ lòng ba".

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên