10/09/2022 15:34 GMT+7

Chiếc đèn ông sao đầy ắp yêu thương của cậu

ĐẶNG TUYẾT
ĐẶNG TUYẾT

TTO - Trời chập choạng tối, cái lồng đèn 'ra lò', gói trọn sự yêu thương của cậu Út, đốt cây nến vào giữa, chiếc đèn ông sao trên màn hình ti vi mà tụi nhỏ hay xem thoắt hiện ra dưới những đôi mắt trẻ thơ sáng rực. Đêm Trung thu vui nhất đời.

Chiếc đèn ông sao đầy ắp yêu thương của cậu - Ảnh 1.

Những thanh tre được chuốt tỉ mỉ và tốn thời gian - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Cứ mỗi độ Tết Trung thu về, các cô cậu 15 - 16 tuổi trong xóm tôi lại hí hửng xách dao đi chặt tre về vót nan làm lồng đèn cho lũ cháu chít 5-10 tuổi cầm dạo chơi trong đêm Trung thu.

Những mùa trăng giản dị nơi đồng nội cứ thế qua đi, tạm gác lại một phần ánh sáng chói chang của đèn điện. Lũ trẻ tranh nhau xách những cái lồng đèn mới toanh được làm thủ công bằng cả tình thương của cha, chú, cô cậu dì….

Chiều ngày 14 tháng 8 âm lịch, cậu Út trong nhà bắt đầu lên ý tưởng và nhờ sự trợ giúp của ba để nhanh chóng có được đoạn tre dài gần 1m được chẻ nhỏ thành từng nan mỏng. Những công đoạn sau đó do cậu tự làm.

Đầu tiên cậu chặt những nan tre với độ dài bằng nhau khoảng 55cm, ước tính làm hai cái lồng đèn cần 20 thanh nan. Để có được sản phẩm đẹp, công đoạn chuốt nan tre phải kỹ lưỡng sao cho nhẵn bóng.

Mỗi cái lồng đèn hình ngôi sao cần 10 thanh nan tre, lấy 5 chiếc nan xếp và cột dây thun cố định thành hình ngôi sao. Tiếp đến ráp hai hình ngôi sao lại với nhau cho đồng nhất, cột dây cố định ở 5 đỉnh chóp. Cuối cùng lấy 5 đoạn tre dài khoảng 7cm đỡ theo các cạnh của hình ngũ giác ở giữa là hoàn thành khung của chiếc lồng đèn.

Chiếc đèn ông sao đầy ắp yêu thương của cậu - Ảnh 2.

Công đoạn dán giấy kiếng cần thêm chút "hoa tay" - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Công đoạn dán giấy kiếng vào lồng đèn mới thật sự cần sự tỉ mỉ hơn cả. Cậu Út dán keo hai mặt dọc theo những nan tre, sau đó áp miếng giấy kiếng lên cho vừa vặn, lấy dao rọc giấy cắt bỏ phần dư. 

Tiếp đó, cậu cắt từng hình chữ nhật dán phần trong của cánh ngôi sao cho kín gió. Đặc biệt tại cánh ngôi sao đối diện với thanh ngang đặt đèn cầy phải để trống, cho hơi nóng thoát ra ngoài.

Cậu Út hì hục vừa chuốt tre vừa dán giấy, lại phải canh làm sao để cột hình ngôi sao cân đối cho đẹp, còn đám nhóc suốt từ chiều cứ chạy ra chạy vô thăm chừng. Tụi nó cứ thúc giục, lâu lâu lại hỏi xong chưa cậu ơi, chiều rồi.

Khi nắng chiều tắt, trời chập choạng tối, chiếc lồng đèn hình ngôi sao cũng "ra lò". Nó được làm bằng tất cả sự khéo tay và tình yêu thương của cậu Út trong nhà. Đốt cây nến vào giữa, lồng đèn ông sao trên màn hình ti vi mà tụi nhỏ hay xem thoắt hiện ra dưới những mắt sáng rực đầy háo hức của trẻ thơ.

Hai đứa cháu rạo rực cầm cái lồng đèn mong ước, hòa vào đêm hội dưới trăng cùng đám nhóc trong xóm. Còn cậu Út cũng vui lây một niềm vui nho nhỏ. Gió ngoài đồng thổi hiu hiu, tụi nhóc hào hứng hát vang trên đoạn đường quê: "Tết Trung thu em đốt đèn đi chơi".

Chiếc đèn ông sao đầy ắp yêu thương của cậu - Ảnh 3.

Trời vừa tối thì đèn ngôi sao cũng vừa hoàn thành - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT


Chiếc đèn ông sao đầy ắp yêu thương của cậu - Ảnh 4.

Chiếc đèn ông sao đưa niềm vui rộn vang xóm làng - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT


Chiếc đèn ông sao xấu xí của ba Chiếc đèn ông sao xấu xí của ba

TTO - Ở quê, đám trẻ con bao giờ cũng háo hức đợi chờ tết Trung thu. Háo hức giây phút trông vầng trăng nhô lên đầu ngọn tre, háo hức đợi khoảnh khắc phá cỗ. Nhưng với hai anh em tôi, háo hức hơn cả là mơ ước có chiếc đèn ông sao ngũ sắc để rước trong đêm Trung thu.

ĐẶNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên