22/10/2021 17:43 GMT+7

Chi phí điều trị COVID-19: Để ngân sách chi hay Bảo hiểm xã hội trả?

TIẾN LONG
TIẾN LONG

TTO - Đại biểu cho rằng quy định bóc tách chi phí điều trị bệnh nhân COVID-19 thành hai phần do ngân sách nhà nước và Quỹ bảo hiểm y tế chi trả như hiện nay rất khó thực hiện và đề xuất quy về một mối thanh toán.

Chi phí điều trị COVID-19: Để ngân sách chi hay Bảo hiểm xã hội trả? - Ảnh 1.

Các y, bác sĩ Trung tâm hồi sức tích cực Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM điều trị bệnh nhân F0 nặng - Ảnh: TỰ TRUNG

Chiều 22-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về việc thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện nghị quyết số 68 năm 2013 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019-2020.

Các đại biểu tại tổ TP.HCM rất quan tâm đến tháo gỡ vướng mắc trong việc thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân COVID-19. 

Theo quy định hiện nay, chi phí điều trị bệnh nền, bệnh phát sinh sẽ được BHYT chi trả. Riêng chi phí điều trị bệnh COVID-19 do ngân sách thanh toán. Quy định này đang bị vướng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết báo cáo Chính phủ nêu vướng mắc khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với bệnh nhân COVID-19 (F0) do không thể bóc tách chi phí điều trị do ngân sách nhà nước và quỹ BHYT chi trả theo quy định.

Chính phủ kiến nghị cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho F0, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh nền.

Bà Lan bày tỏ đồng tình với kiến nghị của Chính phủ về việc đưa ra một mối thanh toán cho F0, không phân biệt chi phí điều trị bệnh COVID và bệnh nền. Tuy nhiên, theo bà Lan, thay vì kiến nghị ngân sách nhà nước thanh toán thì nên để bảo hiểm xã hội thanh toán 100% chi phí điều trị cho F0.

"Bệnh COVID-19 cũng là một loại bệnh sẽ có trần, mức thanh toán rõ ràng. Và có lẽ nếu có bảo hiểm xã hội ra tay, mấy vụ lạm giá xét nghiệm không có. Nếu ngân sách nhà nước chi 100% thì cơ chế sẽ khó", bà Lan nói.

Đồng tình ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) cho rằng dịch bệnh COVID-19 vừa qua diễn biến căng thẳng, xảy ra rất nhanh, một thời gian ngắn các bệnh viện phải tiếp nhận rất nhiều F0. Các y, bác sĩ không đủ thời gian để phân tách F0 nào có bệnh nền, F0 nào không. 

Do vậy, bà Lệ ủng hộ phương án quy việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với F0 về một mối để tránh gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đại biểu tỉnh Thái Bình) cho rằng chắc chắn một số hồ sơ thanh toán chi phí điều trị của F0 sẽ không thể hoàn thiện được do bệnh nhân đã tử vong hoặc không xác minh được. Do vậy, bà Thu kiến nghị xem bệnh COVID-19 là một loại bệnh và quy một mối thanh toán về cho bảo hiểm xã hội.

Trước phần thảo luận tổ, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với bệnh nhân COVID-19 gặp nhiều khó khăn do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh COVID-19 do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí khám chữa bệnh nào điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do quỹ BHYT chi trả.

Nhiều bệnh nhân đã tử vong hoặc không liên hệ được với người nhà nên không thể thanh toán chi phí đồng chi trả.

Từ đó, Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh nền.

Quỹ bảo hiểm y tế dư gần 33.000 tỉ, tính toán hỗ trợ ngân sách chi trả điều trị COVID-19 Quỹ bảo hiểm y tế dư gần 33.000 tỉ, tính toán hỗ trợ ngân sách chi trả điều trị COVID-19

TTO - Việc sử dụng một phần số dư bảo hiểm y tế hỗ trợ cho ngân sách để chi trả cho bệnh nhân điều trị bệnh COVID-19 cần được tính toán, cân nhắc đảm bảo hiệu quả sử dụng quỹ và hỗ trợ ngân sách.

TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên