07/03/2024 12:02 GMT+7

Chi bảo hiểm y tế sàng lọc ung thư ra sao?

Mới đây Bộ Y tế đã có đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) cho ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C và B.

Chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính, tiết kiệm chi phí điều trị - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính, tiết kiệm chi phí điều trị - Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Điều này vốn được chuyên gia y tế đồng tình và đề xuất từ lâu, bởi gánh nặng bệnh tật cho các loại ung thư này hiện nay là rất lớn.

Gần 60 triệu phụ nữ trong độ tuổi cần sàng lọc

Trong đánh giá tác động chính sách Luật BHYT sửa đổi do Bộ Y tế thực hiện cho thấy chi phí điều trị cho 6 nhóm bệnh ung thư thường gặp (ung thư vú, phổi, gan, đại tràng, dạ dày, tiền liệt tuyến) từ quỹ bảo hiểm y tế năm 2023 là hơn 6.100 tỉ đồng.

Bộ Y tế đề xuất mở rộng danh mục chi trả BHYT cho việc khám, chẩn đoán, điều trị sớm một số bệnh. Trong đó có ưu tiên sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú.

Đáng lưu ý, số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy có khoảng 60 triệu phụ nữ trong độ tuổi cần sàng lọc ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

TS Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết tỉ lệ bệnh ung thư nói chung có khuynh hướng tăng, không phải chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Ung thư vú có khuynh hướng trẻ hóa, nhiều nữ giới 25 tuổi đã mắc bệnh.

Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ điều trị khỏi rất cao lên đến 85%, phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4) tỉ lệ khỏi sẽ giảm xuống từ 35-45%. Vấn đề ung thư vú hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị thành công khi đi thăm khám và tầm soát sức khỏe.

Giảm chi phí điều trị

Các nghiên cứu cũng cho thấy chi phí điều trị trung bình/ năm của người bệnh ung thư vú ở các giai đoạn từ 1 đến 4 lần lượt là 4,2 triệu, 12,1 triệu, 22,5 triệu và 17,7 triệu đồng/năm. Do đó, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 7,9 - 18,3 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn muộn hơn.

Tương tự đối với ung thư cổ tử cung, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1), người bệnh sẽ tiết kiệm từ 47 - 48,6 triệu đồng/năm so với người bệnh phát hiện ở các giai đoạn sau.

TS Bùi Chí Thương - trưởng khối sản Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP.HCM - cho biết khám phụ khoa định kỳ để phát hiện các loại bệnh, trong đó đặc biệt là ung thư phụ khoa, là rất cần thiết, mỗi năm phải đi khám một lần để phát hiện sớm bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay tỉ lệ nữ giới tại Việt Nam thăm khám phụ khoa định kỳ còn chưa cao. Điều này xuất phát từ nhiều rào cản khác nhau, trong đó có việc tầm soát bệnh phụ khoa chưa được BHYT chi trả, người bệnh không có điều kiện kinh tế, ngại thăm khám…

Sàng lọc ra sao?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hiện có ba phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung bao gồm xét nghiệm HPV, xét nghiệm tế bào học và xét nghiệm VIA.

Do xét nghiệm VIA hiện ít phổ biến, thường chỉ được thực hiện ở trạm y tế xã những nơi khó khăn, nên sẽ không được sử dụng để đưa vào chiến lược sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Đối với xét nghiệm HPV, Bộ Y tế khuyến cáo áp dụng cho phụ nữ từ 25-65 tuổi, 3 năm một lần. Đối với xét nghiệm tế bào học, khuyến cáo áp dụng cho phụ nữ từ 21-65 tuổi, 2 năm một lần.

Hiện tại danh mục dịch vụ do BHYT chi trả chưa có xét nghiệm HPV và xét nghiệm tế bào học. Theo bảng giá dịch vụ tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, xét nghiệm HPV DNA là 700.000 đồng và xét nghiệm tế bào học là 564.000 đồng.

Đối với sàng lọc ung thư vú, tùy mỗi nhóm tuổi, các phương án sàng lọc bao gồm siêu âm vú; chụp nhũ ảnh; siêu âm vú, sau đó chụp nhũ ảnh và không sàng lọc. Việc sàng lọc sớm và sử dụng phương án sàng lọc có độ chính xác cao sẽ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, qua đó giảm chi phí điều trị ung thư vú, cải thiện thời gian sống thêm cho người bệnh.

Sau khi tham khảo nghiên cứu của nhiều nước, Bộ Y tế đề xuất xây dựng các phương án sàng lọc cho phụ nữ Việt Nam theo các nhóm tuổi, bao gồm 30-39, 40-49, 50-59, 60-69 và 70-79 tuổi, với tần suất sàng lọc là 1 lần/năm.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, đối với người dân, chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh giúp tăng khả năng bảo đảm tài chính, tiết kiệm chi phí điều trị, đi lại, tạm trú so với khi bệnh nặng, giảm chi phí đồng chi trả. Như vậy, người dân được BHYT chi trả phí khám, chữa bệnh, giảm tỉ lệ chi tiền túi từ 43% xuống còn khoảng 23% vào năm 2025.

Ông Lê Văn Quảng, giám đốc Bệnh viện K, cũng cho rằng phát hiện ung thư càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỉ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp. Yếu tố tiên quyết vẫn là việc điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn sớm. Chính vì vậy việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung là rất quan trọng.

Các nước trên thế giới áp dụng khả quan

Bà Trần Thị Trang - vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - cho rằng một số người lo ngại khi áp dụng đề xuất chi trả BHYT cho một số loại ung thư và bệnh mạn tính thì quỹ BHYT không thể chi trả. Bà Trang cho hay hiện các nước trên thế giới đã thực hiện, kết quả khả quan. Những bệnh được đề xuất chi trả phí sàng lọc đều là bệnh phổ biến.

Đề xuất bảo hiểm y tế trả tiền khám sàng lọc một số bệnh ung thư, tiểu đường, huyết ápĐề xuất bảo hiểm y tế trả tiền khám sàng lọc một số bệnh ung thư, tiểu đường, huyết áp

Bộ Y tế đề xuất ưu tiên mở rộng chi trả bảo hiểm y tế bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư vú, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm gan C và B.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên