14/08/2017 16:48 GMT+7

Châu Âu bối rối, người di cư bị bỏ mặc giữa biển

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sự rối ren tại Libya, đất nước Bắc Phi nằm hướng ra Địa Trung Hải, đã biến nó trở thành điểm tập kết và trung chuyển người vào châu Âu.

Nước mắt của một người phụ nữ sau khi được cứu khỏi con tàu nát cách bờ biển Libya 24km ngày 25-7-2017 - Ảnh chụp màn hình CNN
Nước mắt của một người phụ nữ sau khi được cứu khỏi con tàu nát cách bờ biển Libya 24km ngày 25-7-2017 - Ảnh chụp màn hình CNN

Hôm 12-8, tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) tuyên bố sẽ tạm ngừng các chiến dịch giải cứu người di cư trên Địa Trung Hải bởi sự đe dọa từ tuần duyên Libya.

Quyết định của MSF được theo sau bởi một tuyên bố tương tự của Sea-Eye và Save the Children, hai tổ chức phi chính phủ (NGO) khác.

"Chúng tôi, nặng trĩu lòng, quyết định tạm thời dừng các chiến dịch cứu người trên Địa Trung Hải. Lý do đến từ việc môi trường an ninh tại tây Địa Trung Hải đã thay đổi", tuyên bố của Sea-Eye ngày 13-8 viết.

Quyết định tạm hoãn của các NGO có thể dẫn tới việc số người vượt biên và bỏ mạng trên Địa Trung Hải tăng lên trong thời gian tới, đài truyền hình CNN nhận định. 

Tiếp tay cho buôn người?

Trong vòng 4 năm, hơn 600.000 người tị nạn/di cư đã đến Ý bằng cách vượt Địa Trung Hải, phần lớn xuất phát từ Libya.

Nhưng cũng có đến hơn 13.000 người đã mất mạng trên những con thuyền cũ kỹ, nát bét và chật chội giữa Địa Trung Hải.

Giai đoạn đầu, tình hình nghiêm trọng đến mức cứ vài ngày người ta lại phát hiện thi thể của hàng chục người trên các các bãi biển Bắc Phi.

Điều này đã khiến các NGO vào cuộc bằng cách cử các tàu lớn làm nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện và cứu giúp người tị nạn/di cư trên Địa Trung Hải. 

Các thành viên tổ chức NGO Proactiva Open Arms của Tây Ban Nha tập cứu người ở cảng Valletta, Malta ngày 13-8 để chuẩn bị cho chiến dịch sắp thực hiện ngoài khơi Libya - Ảnh: REUTERS
Các thành viên tổ chức NGO Proactiva Open Arms của Tây Ban Nha tập cứu người ở cảng Valletta, Malta ngày 13-8 để chuẩn bị cho chiến dịch sắp thực hiện ngoài khơi Libya - Ảnh: REUTERS

Tạp chí Time hồi năm ngoái đã có một phóng sự chi tiết về những nỗ lực của các NGO như MSF và Sea-Eye. Người tị nạn/di cư sau khi được cứu sẽ được đưa về phía bờ châu Âu, chủ yếu là Ý, để làm thủ tục xin tị nạn hoặc bị trục xuất về nước.

Trên thực tế, sự tham gia của các tổ chức này đã góp phần kéo giảm số người chết trên Địa Trung Hải, chiếm tới 1/3 các nỗ lực vào thời điểm hiện tại so với mức chưa tới 1% như năm 2014.

Tuy nhiên, nghịch lý là khi các NGO cứu càng được nhiều người, sự lo ngại và những nghi ngờ ngày càng tăng, đặc biệt ở Ý. 

Hồi tuần rồi, Golfo Azzurro - một con tàu của một NGO ở Tây Ban Nha, đã bị từ chối cập cảng Malta và Ý vì cứu 3 người tị nạn trên Địa Trung Hải.

Đó không phải là điều mới mẻ. Những tranh cãi và chỉ trích đã trở thành điều thường xuyên giữa các NGO cứu người và chính quyền Ý, Libya.

Lo ngại các hoạt động của NGO có thể vô tình tiếp tay cho bọn buôn người, chính phủ Ý đã đề xuất một bộ quy tắc ứng xử trên Địa Trung Hải cho các tổ chức này. Việc này nhằm quản lý các chiến dịch giải cứu trên biển, chống buôn người xuyên Địa Trung Hải.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức như MSF đã từ chối ký vào bộ quy tắc với lý do nó cản trở quyền của con người được tìm kiếm an toàn và sự bảo vệ.

Hoạt động của các NGO bị một số nhóm chống nhập cư châu Âu phản đối và cho rằng tiếp tay cho buôn người. Trong ảnh, tàu C-star của một nhóm cực hữu châu Âu treo băng-rôn
Hoạt động của các NGO như Sea-Eye bị một số nhóm chống nhập cư châu Âu phản đối và cho rằng tiếp tay cho buôn người. Trong ảnh, tàu C-star của một nhóm cực hữu châu Âu treo băng-rôn "Chấm dứt buôn người" ngoài khơi Libya ngày 5-8-2017 - Ảnh: AFP

Mặt trái

Trên thực tế, người ta vẫn chưa thể tìm ra cách ngăn được dòng người vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu.

Những chiến dịch giải cứu người di cư của các NGO, vô hình trung, đã "tiếp thêm lửa" cho những giấc mộng châu Âu ở Libya. Trong phóng sự của tạp chí Time hồi năm ngoái, phần lớn những người tị nạn được hỏi đều cho biết họ đã đánh cược mạng sống của mình để vào châu Âu.

Chúng tôi biết đâu đó ngoài khơi kia sẽ có người cứu chúng tôi và tôi luôn tin mình sẽ gặp may mắn hơn những người khác, sẽ được cứu vớt

 Mohammad, một người tị nạn Syria trẻ tuổi

Đó là mặt trái của các chiến dịch nhân đạo trên Địa Trung Hải: người di cư ỷ lại vào lực lượng cứu hộ.

Giống như Mohamad, nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn USD cho bọn buôn người để lên những con thuyền phiêu lưu với mộng đổi đời tại trời Âu.

Một báo cáo của Interpol và Europol năm 2016 cho thấy bằng cách này, chỉ riêng năm 2015, bọn buôn người đã đút túi gần 5 tỉ USD.

Người dân và lực lượng cứu hộ Hi Lạp cứu vớt người tị nạn châu Phi khi con tàu của họ bị chìm ngoài khơi đảo Rhodes tháng 4-2015 - Ảnh: AFP
Người dân và lực lượng cứu hộ Hi Lạp cứu vớt người tị nạn châu Phi khi con tàu của họ bị chìm ngoài khơi đảo Rhodes tháng 4-2015 - Ảnh: AFP

Chính quyền Libya ở đâu?

Sự rối ren tại Libya, đất nước Bắc Phi nằm hướng ra Địa Trung Hải, đã biến nó trở thành điểm tập kết và trung chuyển người vào châu Âu.

Quốc gia này đang bị chia làm hai, một chính quyền ở miền đông và Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận đặt tại Tripoli.

Hôm 26-7, người đứng đầu GNA, ông Fayez al-Sarraj đã lên tiếng kêu gọi Ý gửi tàu thuyền tới vùng biển Libya để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống buôn người.

Đề xuất của Libya được cho là hướng tới một giải pháp mới hạn chế số thuyền chở người di cư xuất phát từ bờ biển Libya và giảm bớt áp lực đối với chính phủ Italy.

Hải quân và tuần duyên Libya trong các tuyên bố gần đây xác nhận đã bắt đầu xua đuổi các tàu của những NGO như MSF ra khỏi lãnh hải của nước này.

Khu vực hoạt động của các tàu NGO bị đẩy ra cách bờ biển Libya hàng trăm km thay vì được tiến sát vào lãnh hải như trước, đại diện của MSF thông tin với hãng tin Reuters.

Theo vị này, hồi năm ngoái, lực lượng tuần duyên Libya đã 13 lần bắn và xua đuổi tàu của MSF khi nó đang hoạt động gần bờ biển Libya.

Việc Tripoli tỏ ra cứng rắn là nhằm chấm dứt nạn buôn người gây nhức nhối trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quyết định này có thể khiến nhiều người tị nạn bị mắc kẹt tại nước này.

Tàu cứu hộ Prudence của tổ chức MSF đưa 935 người di cư được cứu trên biển về cảng Salerno của Ý ngày 14-7-2017 - Ảnh: AFP
Tàu cứu hộ Prudence của tổ chức MSF đưa 935 người di cư được cứu trên biển về cảng Salerno của Ý ngày 14-7-2017 - Ảnh: AFP

Bỏ người giữa sa mạc

Trên thực tế, đã có các trường hợp bọn buôn người bỏ người giữa sa mạc. Báo cáo của Tổ chức di cư quốc tế (IOM) ngày 9-8 cho biết đã cứu được tổng cộng hơn 1.000 người tị nạn bị bỏ giữa sa mạc Sahara trong những tháng gần đây.

Theo IOM, nhiều con đường nguy hiểm trên sa mạc Sahara của Niger đang được bọn buôn người sử dụng.

Thông thường, sau 6 ngày vượt qua khu vực sa mạc Tenere của Niger và được tập kết tại khu vực biên giới giữa Niger và Libya, các nhóm di dân chờ đợi ở đó để vượt qua Địa Trung Hải đến các nước châu Âu.

Giới chuyên môn cho rằng rất khó để chấm dứt nạn buôn người qua Địa Trung Hải nếu không có sự phối hợp từ nhiều bên.

Sâu xa hơn, cần phải chấm dứt tình trạng bất ổn, xung đột và bạo lực tại Bắc Phi, Trung Đông... vốn là nguyên do cội nguồn của dòng người tị nạn ngày đêm đổ vào châu Âu.

Nhưng để làm được điều đó, sẽ còn mất một thời gian dài nữa. Và đâu đó, mỗi ngày trên Địa Trung Hải, vẫn có hàng ngàn người đang đánh cược mạng sống từng phút.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên