21/11/2021 08:38 GMT+7

Châu Á giành nhau làm nơi sản xuất vắc xin ngừa COVID-19

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Cho tới lúc này, các nhà máy sản xuất vắc xin COVID-19 vẫn chủ yếu tập trung tại Mỹ và châu Âu. Nhưng thời gian tới tình hình sẽ khác khi nhiều quốc gia châu Á đã triển khai chiến lược đầu tư vào mảng này.

Châu Á giành nhau làm nơi sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Các nhân viên làm việc tại một trung tâm ở Nam Phi do WHO hậu thuẫn để sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 cho châu Phi - Ảnh: AFP

Do dịch COVID-19 còn phức tạp, nhất là ở châu Á, nhiều nước tại đây muốn trở thành trung tâm sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 để giảm phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài đồng thời phát triển kinh tế.

Ngành công nghiệp tỉ "đô"

"Hiện tại chúng tôi đang cạnh tranh với Ấn Độ và Hàn Quốc (để trở thành trung tâm vắc xin COVID-19)", Hãng thông tấn Antara dẫn lời bà Penny D. Herasati thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết. Theo bà Penny, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tính toán thành lập trung tâm vắc xin COVID-19 tại một số khu vực. 

Hiện tại, Nam Phi là quốc gia đầu tiên trở thành trung tâm vắc xin được WHO hậu thuẫn và đang kỳ vọng có thể triển khai công nghệ vắc xin của Moderna cho châu Phi vào năm sau.

Tham vọng của Indonesia nhận được sự ủng hộ rất sớm từ Trung Quốc. Ngày 18-11, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, ông Xiao Qian, cho biết hợp tác vắc xin là điểm nhấn mới trong quan hệ hai nước. 

Theo ông Xiao Qian, hiện có 5 công ty Trung Quốc đang làm việc với các đối tác Indonesia để xây dựng chuỗi sản xuất vắc xin thông qua các kênh kỹ thuật khác nhau. Jakarta đến nay là một trong những bên mua vắc xin COVID-19 lớn nhất của Bắc Kinh, đã nhận tổng cộng 247 triệu liều từ các hãng Sinovac và Sinopharm.

Cũng trong ngày 18-11, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề nghị Trung Quốc giúp nước này sản xuất vắc xin. 

"Nếu chúng ta có thể đưa giai đoạn cuối sản xuất vắc xin về Campuchia, điều đó sẽ giúp bảo vệ được sinh mạng người dân và không cần phải mua vắc xin từ nước ngoài", ông Hun Sen nói trên báo Phnom Penh Post. Giới quan sát đánh giá sự thành công trong chương trình tiêm ngừa COVID-19 của Campuchia có công lớn của vắc xin Trung Quốc.

Tương tự, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết nước này cam kết cung cấp 5 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 cho thế giới trong năm 2022. 

"Kể từ năm 2014, mảng y tế Ấn Độ đã thu hút 12 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vẫn còn nhiều tiềm năng", trang Economic Times dẫn lời ông Modi, cho biết nước này đã xuất khẩu 65 triệu liều vắc xin COVID-19 trong năm nay và năng lực sản xuất sẽ tăng lên trong vài tháng tới.

Châu Á giành nhau làm nơi sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 - Ảnh 2.

Dữ liệu: T. PHƯƠNG - Nguồn: Airfinity - Đồ họa: N.KH.

Chia sẻ công nghệ

Theo báo Nikkei, cuộc cạnh tranh ngoại giao vắc xin giữa các nước lớn tại ASEAN đang tập trung theo hướng chuyển giao công nghệ, và điều này cũng được các nước trong khu vực hoan nghênh. Một số công ty đã bắt đầu thử nghiệm vắc xin COVID-19 ở Đông Nam Á.

Tháng 8-2021, Indonesia cho biết Công ty Etana Biotechnologies của họ sẽ sản xuất vắc xin công nghệ mRNA từ giữa năm sau. Etana được Hãng dược Walvax Biotechnology của Trung Quốc hỗ trợ công nghệ và đang thử nghiệm giai đoạn 3 để chuẩn bị sản xuất 70 triệu liều vắc xin mỗi năm.

Trong khi đó, Công ty Dynavax Technologies của Mỹ đã ký bản ghi nhớ phát triển vắc xin cùng công ty nhà nước Bio Farma của Indonesia. Công ty Shionogi của Nhật Bản chuyển giao công nghệ tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á, dự kiến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vắc xin của họ tại các thị trường này. 

Công ty Siam Bioscience của Thái Lan đã bắt đầu sản xuất vắc xin AstraZeneca của Anh từ tháng 6-2021.

Dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt ở nhiều nước, nỗi lo về các biến thể mới và sự thiếu hụt nguồn cung khi các nước bắt đầu tiêm bổ sung vẫn đè nặng lên khu vực Đông Nam Á. Cho tới nay khu vực này vẫn còn phụ thuộc vào nguồn vắc xin nhập.

Pfizer quyết giữ công thức tỉ đô

Theo Hãng tin Bloomberg, Tổng giám đốc WHO Tedros chỉ trích các hãng dược chạy theo lợi nhuận nhưng ông Albert Bourla, giám đốc điều hành Pfizer, cho rằng lãnh đạo WHO đang "nói chuyện cảm tính".

Từng ví quyền sở hữu trí tuệ như "máu" của các công ty tư nhân, ông Bourla kiên quyết không chia sẻ công nghệ vắc xin đã đem lại cho Pfizer 36 tỉ USD doanh thu năm nay.

Để giảm bớt chỉ trích, hãng này đồng ý bán 500 triệu liều vắc xin với giá vốn cho Mỹ để phân phối cho các nước nghèo và từ chối đàm phán cung cấp vắc xin cho cơ chế COVAX. Pfizer cũng đã cho phép đóng lọ vắc xin tại một số nước châu Phi vào năm sau.

COVID-19 thế giới 16-11: Châu Á mở cửa, châu Âu tăng cường vắc xin COVID-19 thế giới 16-11: Châu Á mở cửa, châu Âu tăng cường vắc xin

TTO - Trong khi các nước châu Á đang tiếp tục mở cửa với người nước ngoài, doanh nhân, du khách thì tại các nước châu Âu, ưu tiên hàng đầu là đẩy mạnh tiêm vắc xin COVID-19 do mùa đông đang đến gần.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên