28/07/2015 17:30 GMT+7

​Chất vấn, giám sát chưa hiệu quả

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Nhiều đại biểu đã có ý kiến như vậy tại hội nghị lấy ý kiến những quy định pháp luật hiện hành về hoạt động giám sát của Quốc hội và Luật giám sát của Quốc hội và HĐND.

 

Ông Huỳnh Văn Tiếp - Đoàn ĐBQH Cần Thơ - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Hoàng Điệp

 

Hội nghị do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức tại TP.HCM ngày 28-7. 

Phải giám sát cả hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo

Đánh giá về những quy định của pháp luật trong hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và HĐND, ông Huỳnh Văn Tiếp - Đoàn ĐBQH Cần Thơ - cho rằng hiện nay hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo chưa hiệu quả.

Thực tế, khi ĐBQH nhận đơn khiếu nại tố cáo của công dân thì chuyển đến các cơ quan đơn vị bị khiếu nại tố cáo và chờ kết quả trả lời, nhưng các cơ quan này có trả lời hay không, có giải quyết những thắc mắc, khiếu nại tố cáo của cử tri hay không thì lại không có biện pháp chế tài.

Bởi vậy, ông Tiếp cho rằng từ kinh nghiệm của mình, thấy việc chuyển đơn cho các cơ quan giải quyết hiệu quả không cao. “Vậy nên cần phải giám sát cả khâu giải quyết khiếu nại tố cáo” - ông Tiếp đề xuất.

Ông Nguyễn Sỹ Cương, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Hoàng Điệp

Đồng tình với ý kiến của ông Tiếp, ông Nguyễn Sỹ Cương, ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho rằng từ ngày Luật giải quyết khiếu nại tố cáo được ban hành đến nay chưa có ai bị kỷ luật vì giải quyết khiếu nại tố cáo.

Việc không có chế tài và không giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo dần làm người dân mất đi lòng tin vào đại biểu Quốc hội. 

Kiến nghị về vấn đề giám sát khiếu nại tố cáo, ông Hồ Chánh Giám, trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh An Giang, cho rằng hiện nay việc giải quyết khiếu nại có sự đùn đẩy trách nhiệm.

“Người dân khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết mà cơ quan này không tiếp thu xem khiếu nại đó sai ở đâu để sửa - ông Giám nói và đề xuất - Nên quy định vào luật là các ngành phải trả lời mọi kiến nghị chuyển đơn của Quốc hội và HĐND. Thực tế có đơn vị trả lời, đơn vị không mà chẳng có chế tài, như vậy vai trò không rõ”.

Hoạt động chất vấn hơi buồn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng hai khóa họp Quốc hội gần đây, vai trò của đại biểu trong việc chất vấn, trả lời chất vấn hơi buồn. “Đáng lẽ chất vấn phải đến cùng, còn thực tế các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn nhưng người được chất vấn trả lời thế nào cũng được, chẳng trả lời cũng không sao thì hoạt động chất vấn chẳng giải quyết được gì” - ông Cương nói.

Ông Cương cũng dẫn chứng cho thấy việc trả lời chất vấn sau đó sẽ có nghị quyết nhưng nghị quyết cũng không được thực hiện đến đầu đến đũa, vậy hiệu quả giám sát nên đặt ra thế nào để hoạt động giám sát có hiệu quả chứ các đại biểu cứ bấm nút là xong thì không bao giờ giám sát có hiệu quả.

Đánh giá chung về các phiên giải trình của các ủy ban, ông Cương cho rằng các phiên giải trình này được thực hiện rất tốt nhưng hiệu quả không được nhìn nhận đến nơi đến chốn. Ví như trong thời gian qua Ủy ban Pháp luật có các phiên giải trình về cách tính diện tích nhà chung cư thật sự hiệu quả nhưng báo cáo kết luận lại không được quan tâm.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của ĐBQH Đặng Đình Luyến, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cũng nói kinh nghiệm đã đi tham dự một buổi chất vấn ở nước ngoài. “Thủ tướng chỉ có 30 phút để trả lời chất vấn trực tiếp và các đại biểu thì đặt câu hỏi rất nhiều. Đây là điều chúng ta cần phải cải tiến ở các kỳ họp” - ông Luyến nói.

Ông Luyến cũng đồng tình với kiến nghị của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về việc cần phải có nghị quyết về chất vấn và đặc biệt là các biện pháp kiến nghị sau chất vấn.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên