18/10/2020 19:59 GMT+7

Chàng trai đi lan tỏa thông điệp làm vườn thuận tự nhiên

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Trăn trở làm nông nghiệp thuận tự nhiên - không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, chàng trai trẻ Võ Quốc Lập (27 tuổi, quê Đồng Tháp) đã cùng bạn của mình lập dự án Tre Mỡ.

Chàng trai đi lan tỏa thông điệp làm vườn thuận tự nhiên  - Ảnh 1.

Võ Quốc Lập rất yêu thiên nhiên và hiểu nỗi khổ của nông dân nên quyết tâm thực hiện dự án vườn rừng Tre Mỡ - Ảnh: NVCC

Dự án này là một trong ba dự án vừa nhận được tài trợ từ chương trình Rút ngắn khoảng cách của Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng Lin - một tổ chức phi lợi nhuận.

Vườn rừng thuận tự nhiên

Võ Quốc Lập gắn mình với miền quê, với người nông dân và mô hình vườn rừng, khát khao thay đổi nhận thức của người nông dân trong làm nông nghiệp thuận tự nhiên để bảo vệ môi trường.

Tại Cẩm Mỹ (Đồng Nai), Lập đang tư vấn, thiết kế một mô hình vườn rừng. Lập cho biết anh thường xuyên có những chuyến đi vào rừng ở các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, và Đồng Nai, các tỉnh miền Trung, miền Bắc. 

Đi nhiều và được nghe nhiều tâm sự của người nông dân, họ nói vẫn biết sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học là độc hại không chỉ cho chính bản thân mà cả môi trường xung quanh; nhưng không dùng thì cây trồng bị sâu bệnh, sản phẩm mẫu mã xấu, khách hàng chê! Không bán được thì không có thu nhập nên không có lựa chọn nào khác.

"Người nông dân đã gặp nhiều khó khăn; hạn mặn, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp, khó khăn chồng chất. Bây giờ lại thêm dịch bệnh Covid" - Lập trăn trở.

Lập nói nếu không hành động thì sẽ muộn mất, phải lan tỏa những kiến thức về làm nông nghiệp thuận tự nhiên, cụ thể là mô hình vườn rừng đến bà con. Vườn rừng tạo nông sản sạch, đa dạng hóa được sản phẩm và tăng thu nhập, giảm rủi ro kinh tế, cải thiện năng suất. Cùng với đó sẽ phục hồi hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo chàng trai này, nói đến làm nông nghiệp không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế, bà con miền Tây thường không tin. Vì thế, Lập quyết định thực hiện dự án này như một khu vườn kiểu mẫu, để từ chính những kết quả thu được sẽ viết thành tài liệu tập huấn. Dự án Tre Mỡ ra đời như thế.

Rút ngắn khoảng cách là chương trình hỗ trợ các dự án phát triển cộng đồng ở cấp địa phương khu vực miền Nam. Khi được bình chọn, các dự án có thể triển khai thực hiện trong vòng một năm.

Chị Nguyễn Thị Ngân Khánh (quản lý truyền thông và marketing Trung tâm hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN)

Vì hành tinh xanh thôi thúc hành động

Võ Quốc Lập tốt nghiệp ngành hóa dược Trường đại học Cần Thơ. Khi còn là sinh viên, Lập đã cùng những người bạn của mình thành lập nhóm Vườn thuốc nam với vai trò chủ nhiệm nhóm. Khi ấy, trong Trường đại học Cần Thơ có một khu đất trống, nhóm của Lập đã trồng dược liệu theo mô hình vườn rừng. Vườn thuốc sinh trưởng tốt dù không sử dụng bất kỳ phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nào.

Một công ty chuyên sản xuất dược liệu sạch theo quy chuẩn châu Âu về tham quan vườn thuốc, đã "chấm" Lập. Vừa ra trường, bạn được mời về quản lý cả trang trại trồng dược liệu cho công ty ấy. Đó như một cái duyên để Lập gắn với công việc này từ đó đến nay. Từ những hiểu biết của mình, cậu bạn đã viết rất nhiều bài viết để chia sẻ kiến thức với bà con nông dân, cũng không ngại khó khăn đi khắp nơi tư vấn, thiết kế miễn phí vườn rừng cho người dân.

Theo Lập, lan tỏa để người dân hiểu hơn về làm nông nghiệp bền vững là cách để bảo vệ môi trường, vì một hành tinh xanh. Trong đó, trồng cây giúp con người trở nên tốt hơn. Lập rất thích triết lý của Masanobu Fukuoka: "Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây, mà là sự tu dưỡng và hoàn thiện con người".

Thu hút sinh viên, người tình nguyện

Võ Quốc Lập chọn tên dự án là Tre Mỡ vì tre là cây gắn với làng quê Việt Nam, giúp ích rất nhiều trong cuộc sống người nông dân. Tre Mỡ xây dựng mô hình vườn rừng trồng cây ăn quả, cây rau, cây dược liệu phối hợp với nhau - là một vườn rừng kiểu mẫu 10.000m2 ở U Minh Thượng (Kiên Giang).

20 sinh viên, tình nguyện viên đến với dự án để học tập và thực hành trồng cây không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học. 150 nông dân địa phương và nông dân ở các nơi khác được hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo hướng không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học sẽ giảm được chi phí đầu vào, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, có ít nhất 100 loài cây giống bản địa được nhân giống và bảo tồn trong vườn.

Green Life vì môi trường chiến thắng Green Life vì môi trường chiến thắng 'Thanh niên kiến tạo' 2020

TTO - Green Life, một dự án hướng đến việc xây dựng thói quen phân loại rác tại nguồn, nâng cao nhận thức về môi trường, xây dựng cộng đồng sống xanh, vừa xuất sắc đoạt giải nhất chương trình 'Hội làng 2020: Thanh niên kiến tạo và thế hệ bình đẳng'.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên