10/11/2015 08:07 GMT+7

Chăm chút để đưa thêm hàng Việt vào Nhật sau TPP

XUÂN TOÀN thực hiện (xuantoan@tuoitre.com.vn)
XUÂN TOÀN thực hiện (xuantoan@tuoitre.com.vn)

TT - Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết TPP, cơ hội tiếp tục rộng mở cho hàng Việt thâm nhập thị 
trường Nhật.

Khách hàng Nhật dùng thử xoài và thanh long của Việt Nam tại siêu thị AEON (Nhật) - Ảnh: X.Toàn
Khách hàng Nhật dùng thử xoài và thanh long của Việt Nam tại siêu thị AEON (Nhật) - Ảnh: X.Toàn

Nhật là một trong số ít các thị trường lớn mà VN đang xuất siêu hàng tỉ USD từ nhiều năm qua. Và với việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan theo cam kết TPP, cơ hội tiếp tục rộng mở cho hàng Việt thâm nhập thị trường này.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán công sứ thương mại Đại sứ quán VN tại Nhật, khi trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông Dũng phân tích:

- Theo cam kết của Nhật trong Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Nhật sẽ dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với gần hết các mặt hàng.

Cụ thể, có khoảng 95% của 9.018 dòng thuế sẽ được dỡ bỏ. Trong đó, hơn 80% của 2.238 dòng thuế thuộc nhóm các mặt hàng nông lâm thủy sản sẽ được dỡ bỏ, đặc biệt 51,3% trong số này giảm ngay về 0% khi TPP có hiệu lực.

Các dòng thuế Nhật chưa dỡ bỏ trong TPP thuộc năm nhóm hàng bảo hộ cao, gồm các nhóm mặt hàng: sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt heo, thịt bò, mía đường và gạo.

* Nhóm mặt hàng nào của VN sẽ có lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật sau khi TPP có hiệu lực, thưa ông?

- Căn cứ vào cam kết dỡ bỏ hàng rào thuế quan, hầu hết các mặt hàng VN đang xuất sang thị trường này đều được hưởng lợi, đặc biệt là thủy sản. Hiện con tôm VN chiếm khoảng 18% thị phần tôm nhập khẩu vào Nhật, dẫn đầu các nước xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Sau TPP, tôm VN vào Nhật sẽ được hưởng thuế suất 0% thay vì 2% như hiện nay, nên chắc chắn kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản sẽ còn tăng mạnh.

Nhóm hàng thực phẩm qua chế biến cũng có cơ hội mở rộng thị trường này do người tiêu dùng Nhật đã quen với nhiều sản phẩm của VN.

Tất nhiên, để khai thác tốt lợi thế trên, theo tôi, nên đẩy mạnh việc hợp tác với Nhật, tận dụng lợi thế về công nghệ, vốn để sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường Nhật và các thành viên TPP.

* Xoài VN vừa được xuất sang Nhật, trước đó là thanh long, liệu trái cây VN có thể vào Nhật nhiều hơn trong thời gian tới?

- Các mặt hàng nông sản, trái cây tươi, rau của Nhật Bản hiện chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thị trường nội địa, trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm đi nên nhu cầu nhập những mặt hàng này trong thời gian tới rất lớn, giá cả cũng rất hấp dẫn.

Ví dụ, xoài sản xuất ở Nhật được bán với giá cao gấp 10 lần xoài VN, dù chất lượng không hơn xoài VN, chỉ khác nhau là chất lượng đồng đều hơn, mẫu mã và hình thức bao bì hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, Nhật kiểm soát rất chặt chẽ khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng nên việc đưa trái cây tươi vào thị trường này không dễ, phụ thuộc vào việc đàm phán giữa các cơ quan chức năng hai bên.

Chẳng hạn, trước khi Nhật cho phép nhập trái thanh long (ruột trắng) từ VN vào năm 2009, VN và Nhật phải mất 4 - 5 năm đàm phán, chuẩn bị. Tương tự, để xuất lô xoài cát chu tươi vào Nhật mới đây cũng mất gần bốn năm đàm phán.

Điều đáng mừng, cả xoài và thanh long VN khi vào các hệ thống siêu thị lớn tại Nhật như Aeon, Simachu... đã được người tiêu dùng Nhật đón nhận. Hiện VN đang tiếp tục đàm phán để xuất thêm trái thanh long ruột đỏ, vải, vú sữa, chôm chôm... sang thị trường này.

Cơ cấu xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật trong 9 tháng đầu năm 2015 (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Nhật) - Đồ họa: Tấn Đạt
Cơ cấu xuất khẩu hàng Việt Nam sang Nhật trong 9 tháng đầu năm 2015 (Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Nhật) - Đồ họa: Tấn Đạt

* Như vậy, trái cây VN muốn vào được thị trường Nhật không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng, đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm?

- Đúng vậy. Muốn mở rộng thị trường Nhật Bản cho trái cây tươi VN, ngành nông nghiệp VN không còn cách nào khác là phải cải thiện từ khâu chọn giống, sản xuất đến bảo quản sau thu hoạch, đóng gói và vận chuyển...

Một số doanh nghiệp VN hiện đang chọn phương thức hợp tác với các doanh nghiệp Nhật để xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn, với tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhật, sản phẩm phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng Nhật... để đưa vào thị trường này. Tôi cho rằng đây là chiến lược hợp lý bởi hơn ai hết, các doanh nghiệp Nhật hiểu rõ nhất các hàng rào kỹ thuật thị trường này.

Ngoài ra, công tác quảng bá xúc tiến phải ưu tiên chú trọng nhiều hơn nữa. Theo một quan chức của Bộ Kinh tế - công nghiệp Nhật Bản, có đến 70% người Nhật không biết đến trái cây VN. Có thể con số này chưa chính xác nhưng cũng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ để làm sao nhiều người tiêu dùng Nhật biết đến hàng trái cây trong nước.

* Xuất khẩu trái cây VN vẫn gặp khó do giá thành cao, trong đó cước vận chuyển chiếm trên 30%. Liệu có giải pháp nào để cải thiện vấn đề này?

- Đây quả thật là rào cản rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu trái cây VN. Hai mặt hàng xoài và thanh long xuất qua Nhật đều bằng đường hàng không với mức phí rất cao, giá thành sản phẩm bị đội lên và khả năng cạnh tranh bị ảnh hưởng rất lớn.

Với lượng trái cây tươi và nhiều mặt hàng khác xuất khẩu qua đường hàng không được dự báo sẽ tăng rất mạnh nên theo tôi, hãng hàng không VN cần tính toán để có giá cước hợp lý nhằm khuyến khích hàng xuất khẩu VN.

Chúng tôi cũng sẽ đàm phán với phía Nhật để mở các lớp đào tạo chuyển giao công nghệ cho những chuyên gia trong nước. Bởi hiện nay trái cây tươi VN vào Nhật còn gánh thêm chi phí cho các chuyên gia Nhật sang VN kiểm định.

Siêu thị Nhật chuyển hướng mua hàng Việt

Tại buổi làm việc với thương vụ Đại sứ quán VN tại Nhật ngày 7-11, ông Eiji Shibata - phó tổng giám đốc phụ trách thương mại Tập đoàn Aeon - cho biết đang xây dựng một kế hoạch dài hạn để đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị này.

Ngoài trái xoài tươi (chính thức bán từ đầu tháng 11-2015), thanh long, bánh tráng, phở khô, sản phẩm nhựa... đã có trên kệ siêu thị, từ đầu năm 2016 Aeon sẽ lập thêm công ty mới tại VN để phục vụ việc tuyển chọn và thu mua hàng Việt, sau đó đưa vào hệ thống hàng ngàn siêu thị, cửa hàng của Aeon trên khắp nước Nhật.

Nhóm mặt hàng mà hệ thống siêu thị này nhắm đến là quần áo, đồ gia dụng.

“Trước đây 80% các mặt hàng may mặc bán trong hệ thống siêu thị ở Nhật đều sản xuất tại Trung Quốc, nay chúng tôi đã quyết định dịch chuyển phần đầu tư và thương mại sang Việt Nam” - ông Eiji Shibata khẳng định.

Ông Nguyễn Trung Dũng - Ảnh: X.T.
Ông Nguyễn Trung Dũng
- Ảnh: X.T.

* Ông nhận định như thế nào về dòng vốn đầu tư của Nhật vào VN trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi TPP chính thức có hiệu lực?

- Từ nhiều năm trước, vốn đầu tư của Nhật vào VN đã tăng rất mạnh và với sự tác động của TPP trong thời gian tới, dòng vốn này được dự báo sẽ tiếp tục tăng.

Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, mở cửa thị trường khi TPP có hiệu lực chắc chắn sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật sang VN liên doanh, liên kết sản xuất, sau đó đưa sản phẩm trở lại thị trường Nhật hoặc đưa sang các nước nội khối TPP.

Đây là thời cơ rất lớn nhưng cũng qua rất nhanh. Vì vậy, theo tôi, trong nước cần phải nghiên cứu để đón dòng vốn này thông qua việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

XUÂN TOÀN thực hiện (xuantoan@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên