29/11/2020 20:53 GMT+7

Cha ưa truyện Tàu, con mê rap Mỹ

TĂNG QUỲNH
TĂNG QUỲNH

TTO - Thỉnh thoảng, những người bạn cùng trường, cùng quê trên dưới 50 tuổi chúng tôi ngồi với nhau nhấm nháp ly nước, nói chuyện ta bà thế giới. Lần nào cũng vậy, cứ vòng vòng một hồi, chúng tôi lại quay về với chủ đề cha mẹ và con cái.

Cha ưa truyện Tàu, con mê rap Mỹ - Ảnh 1.

Màn trình diễn của VVSIX và Tony D (phải) với bản rap Không màu. Thế hệ Z hiện tại lớn lên trong xã hội bùng nổ thông tin - Ảnh: Vie Channel

Giữa cha mẹ và con cái đời nào cũng có khoảng cách thế hệ. Nhưng khác với nhiều thế hệ trước, khoảng cách giữa chúng tôi và con cái hiện nay nằm ở cụm từ "bùng nổ thông tin". 

Chúng tôi vào đời khi xã hội chuyển mình từ trạng thái thiếu thốn sang có nhiều kênh thông tin hơn để lựa chọn. Còn con cái chúng tôi thì tràn ngập thông tin từ khi mở mắt chào đời. 

Do vậy, việc tiêu dùng sản phẩm văn hóa Trung Hoa và Hoa Kỳ - hai nước có nhiều duyên nợ với Việt Nam - giữa chúng tôi và con cái có sự khác biệt rõ ràng.

Chúng tôi lớn lên trong thập niên 1970-1980, truyền hình còn hiếm, nói chi đến Internet nên như cha anh của mình, ngoài truyện thiếu nhi trong nước, chúng tôi làm quen và mê truyện Tàu, tức tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc. 

Từ truyện Tàu, chúng tôi bắt qua truyện chưởng cũng của các tác giả Hoa ngữ. Từ truyện, chúng tôi lần hồi xem và thích phim cổ trang Trung Quốc, nhất là những phim tranh quyền đoạt lợi không từ thủ đoạn nào trong triều đình.

Vì vậy, khi cha mẹ chúng tôi nói: "Bây làm như Trình Giảo Kim ba búa" là chúng tôi biết ngay người và biết nghĩa của câu đó. Trình Giảo Kim là khai quốc công thần của nhà Đường (618-907) bên Trung Quốc. Ông này có đặc điểm khi giao chiến với đối phương chỉ đánh ba búa là đối phương thua; còn nếu đối phương trụ được ba búa thì ông bỏ chạy. Hàm ý của câu trên là chúng tôi không kiên trì.

Còn bây giờ mang câu đó nói với con chúng tôi, chúng không hiểu ngay mà phải tra Google hay coccoc.com mới hiểu phần nào.

Ngược lại, con chúng tôi có những niềm say mê, lối thể hiện mà chúng tôi dù cố mấy cũng thấy hơi xa lạ. Nhạc rap từ Mỹ là ví dụ. 

Hai cuộc thi rap Việt trên truyền hình năm nay thu hút hàng chục triệu lượt xem và nghe liền trên truyền hình, rồi xem và nghe sau trên YouTube. Chủ yếu là giới trẻ! 

Trong chúng tôi, có người thử nghe các bạn trẻ đọc rap và tá hỏa tam tinh vì phong cách trình bày, câu từ không quen mắt, thuận tai mình.

Rap từ các tác phẩm văn học nổi tiếng như Truyện Kiều, Dế mèn phiêu lưu ký đến những câu chuyện đời thường. Có hai chương trình rap đang lên sóng truyền hình là Rap Việt (HTV2 và VTV cab1) và King of Rap 2020 (VTV3). Tập 1 của Rap Việt phát trên YouTube có hơn 20 triệu lượt xem; tập 1 của King of Rap 2020 có hơn 6 triệu lượt xem.

Tập chung kết 2 đạt hơn 1,1 triệu lượt xem cùng lúc đã giúp Rap Việt trở thành chương trình có số lượt CCU cao nhất thế giới hiện tại.

Cha ưa truyện Tàu, con mê rap Mỹ - Ảnh 3.

Những bộ quần áo nhiều màu sắc, dưới mắt người tuổi 50 bị xem là lố lăng, nhưng là phong cách của người chơi và mê rap. Trong ảnh là Lăng LD dạn dày kinh nghiệm và tân binh trẻ JBee7 (phải) biểu diễn trong Rap Việt - Ảnh: Vie channel

Nhưng suy cho cùng, các bạn trẻ phải rap thôi, cho hợp với nhịp sống và hoàn cảnh sống của họ. Lần hồi người già sẽ coi rap như một phần tất yếu của cuộc sống. 

Giống như năm 2002. Năm đó ca sĩ Mỹ Tâm bước lên Làn sóng xanh của Đài VOH cất lên điệp khúc: "Tình yêu đến em không mong đợi gì / Tình yêu đi em không hề hối tiếc". 

Lập tức những người lớn hơn, thuộc thế hệ "người không xót xa vì mất tình yêu đâu phải là người", lên tiếng phản đối kịch liệt. Dần dà họ hết phản đối vì họ đã thấy thực tế tình yêu với một nhóm người đúng như Mỹ Tâm hát.

Và còn nhiều ví dụ khác. Nhìn chung, chúng tôi thích tiêu dùng văn hóa Trung Hoa hơn, con chúng tôi ưa xài hàng Hoa Kỳ hơn. Nhưng cũng có trường hợp con chúng tôi ngấu nghiến sản phẩm Hoa ngữ, trong khi chúng tôi phớt lờ, đó là truyện ngôn tình.

Ừ thì cha mẹ và con cái đâu thể giống nhau như hai giọt nước trong tiêu dùng văn hóa Trung Hoa, Hoa Kỳ. Chúng tôi cứ vui vẻ sống chung với sự khác biệt đó vì: "Tự mình, nước biết 'gạn đục khơi trong' như là người Việt Nam vậy. Tiến sĩ H.R. Ferraye cho rằng nét đặc sắc văn hóa Việt Nam là tính cách "không chối từ" (non refuse) của nó.

Thực ra, nó chỉ có một chối từ: sự đồng hóa cưỡng bức. Còn lại, nó tìm cách dung hòa và hội nhập mọi sở đắc văn hóa, của Hoa, của Ấn, của Nam đảo, của Âu-Tây… cả về ngôn từ và kỹ thuật, cả tôn giáo và nghệ thuật…" (Trần Quốc Vượng: Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB Văn Hóa Dân Tộc, Hà Nội, 2000, trang 44).

Trung Quốc cấm truyện tranh, phim hoạt hình Nhật Trung Quốc cấm truyện tranh, phim hoạt hình Nhật

TT - Bộ Văn hóa Trung Quốc vừa công bố danh sách 38 tên phim hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản không được phép lưu hành tại quốc gia này dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả trên mạng.

TĂNG QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên