28/05/2020 06:45 GMT+7

Cây xanh trong trường học: Xin ai khi cắt tỉa, đốn hạ cây?

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Cây xanh trong trường học, bệnh viện là tài sản của trường học, bệnh viện nên lãnh đạo các nơi này sẽ tự quyền quyết định việc đốn cây, nhưng phải thông qua Sở Xây dựng.

Cây xanh trong trường học: Xin ai khi cắt tỉa, đốn hạ cây? - Ảnh 1.

Cây phượng bị bật gốc trong sân Trường THCS Bạch Đằng - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Văn Điệp - giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) - cho biết việc quản lý cây xanh trên đường phố trước đây thuộc phòng quản lý công viên cây xanh Sở Giao thông vận tải, sau này chuyển giao về Sở Xây dựng. Hệ thống cây xanh trên đường phố sẽ được đánh số thứ tự và đấu thầu chăm sóc, cắt tỉa, đốn hạ.

Còn đối với cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện được các đơn vị trồng khi xây dựng các cơ sở này thì do phía đơn vị quản lý và có trách nhiệm chăm sóc. Nếu có nhu cầu thì các trường học, bệnh viện có thể liên hệ với các công ty công ích quận huyện, công ty công viên cây xanh để thuê các đơn vị trên chăm sóc.

Riêng việc đốn hạ thì đây là tài sản của trường học, bệnh viện nên lãnh đạo các nơi này sẽ tự quyền quyết định nhưng phải thông qua Sở Xây dựng, cụ thể là Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM. Công tác trên cần thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện để tránh các sự cố, tai nạn lao động.

Ông Điệp cũng cho biết về các loại cây nên và không nên trồng trên đường phố thì UBND TP.HCM có quy định. Còn đối với các loại cây trồng trong khuôn viên bệnh viện, trường học thì các đơn vị sẽ tự quyết định hoặc tư vấn các công ty, cơ sở chuyên về cây xanh để biết đặc tính các cây nên trồng hay không nên. 

Ông Điệp cũng cho biết thêm trong ngày 27-5, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị để kiểm tra hệ thống cây xanh tại các trường học ở TP.HCM.

Theo quy định hiện hành, có tổng cộng 28 loài cây bị cấm trồng trên vỉa hè, dải phân cách đường phố tại TP.HCM. Đó là các cây có độc tố gây nguy hiểm cho con người, những cây ăn quả, các cây có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường như cây trứng cá, lòng mức, bồ kết, gòn, bàng… 

Trong đó, cây bàng cũng thuộc danh mục trên vì dễ bị sâu, gây ngứa khi đụng phải. 

Sở Xây dựng: Rà soát toàn bộ cây xanh ở trường học, công sở, bệnh viện...

Ngày 27-5, Sở Xây dựng yêu cầu các quận, huyện thực hiện rà soát, kiểm tra tình trạng sinh trưởng, phát triển của toàn bộ các cây xanh đang được phân cấp quản lý, kể cả cây xanh nằm trong các khu vực công cộng của địa phương như cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện...

Sở Xây dựng cũng đề nghị quận, huyện tập trung kiểm tra kỹ rễ, thân, cành, tán lá để phát hiện, xử lý kịp thời các cây xanh già cỗi, mục ruỗng có nguy cơ ngã đổ.

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh tích cực hỗ trợ UBND các quận, huyện trong việc kiểm tra, đảm bảo an toàn về cây xanh do địa phương quản lý; lập danh sách trong đó có cụ thể tên, số điện thoại của các cá nhân, đơn vị phụ trách theo từng địa bàn để có văn bản thông báo đến địa phương nhằm cùng phối hợp kiểm tra, giải quyết các sự cố khi cần thiết.

Khi quận, huyện cần trợ giúp có thể liên hệ số điện thoại 028.39291470 (Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật) và 028.38236565 (Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh) để được hỗ trợ.

TP.HCM bắt đầu vào mùa mưa từ giữa tháng 5. Sau mưa đã có một số vụ cây xanh bị bật gốc, trong đó có vụ bật gốc cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, làm 1 học sinh tử vong và 17 học sinh khác bị thương.

Cây đổ khiến học sinh chết: Còn những ai chịu trách nhiệm? Cây đổ khiến học sinh chết: Còn những ai chịu trách nhiệm?

TTO - "Cây đổ là sự cố đáng tiếc, nhà trường không mong muốn nhưng sự việc đã xảy ra rồi. Nếu nói về trách nhiệm thì tôi xin nhận, vì mình là hiệu trưởng".

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên