09/03/2012 09:14 GMT+7

Cây nhãn tổ Đại Thành

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Con đường dẫn vào xã Đại Thành (huyện Quốc Oai, Hà Nội) hai bên xanh mướt mắt với ngút ngàn những vườn nhãn trải dài rộng.

Anh Lý Đình Quang - phó chủ tịch xã Đại Thành - cho biết: “Xã tôi trước đây từng là đất hoa quả với sự “thống trị” của ổi, bưởi, sấu và vải. Nhưng 15 năm gần đây, giống nhãn muộn Đại Thành phát triển mạnh và chiếm lĩnh toàn bộ. Hầu như nhà nào cũng có cây nhãn muộn Đại Thành”.

Ấy là khi cuối năm 1998, người dân bắt đầu quan tâm đến giống nhãn muộn của một gia đình ở thôn Đại Tảo. Từ lúc đó gia đình nọ bắt đầu nhân giống cây rầm rộ hơn và phát triển thành thương hiệu “nhãn muộn Đại Thành”. Dần dần người dân ở các xã lân cận và các địa bàn các tỉnh phía Bắc: Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Giang, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ... cũng tìm đến mua cây giống.

9xEmH0zD.jpgPhóng to
Cây nhãn tổ Đại Thành nay vẫn còn xanh tốt - Ảnh: M.L.

Thương hiệu “nhãn muộn”

Anh Quang tự hào bảo: “Khi nhãn thường chỉ 15.000 đồng/kg thì nhãn muộn Đại Thành là 30.000 đồng/kg! Đó là lý do tại sao xã có 115ha trồng nhãn thì 80% là giống nhãn được ghép từ cây nhãn tổ ở thôn Đại Tảo mà bà con hay gọi là nhãn muộn Đại Thành. Cây nhãn tổ ấy đã được tỉnh Hà Tây cũ công nhận là nhãn đầu dòng. Cơm nhãn có màu vàng đặc trưng, cùi dày, nước rất thơm”. Hỏi điều gì tạo nên sự đặc biệt của nhãn muộn Đại Thành, anh Quang nháy mắt bảo: “Cứ đến thôn Đại Tảo gặp anh Đoàn - người có cây nhãn tổ...”.

Tìm nhà anh Đoàn, từ xa đã thấy những tàn lá của cây nhãn rất cao vượt khỏi bờ tường vươn ra tận lề đường. Chiều cao của cây nhãn đã đi qua hai thế hệ và đang sống cùng đời thứ ba, thứ tư của họ Nguyễn Văn ở thôn Đại Tảo này phải đến gần 25m. Anh Đoàn chính là cháu nội của cụ Nguyễn Văn Mỹ (hay gọi là cụ Diếp theo tên con gái đầu của cụ) - người đã trồng cây nhãn tổ. Anh bảo cây nhãn tổ này do ông nội anh trồng và giữ gìn, chăm sóc rất kỹ cho đến năm cụ mất (1984), con cháu không ai dám đụng chạm đến cây. “Quả nhãn tổ méo chứ không tròn. Hạt nhỏ, màu son hồng như hạt vải tu hú chứ không đen láy. Cùi dày, ăn là mùi thơm bốc vào hốc mũi” - anh Đoàn tự hào nói.

Giữa tháng 6, khi nhãn các tỉnh bạn đã chín thì nhãn muộn Đại Thành chưa chín. Khi nhãn khác đã hết mùa (giữa tháng 7) thì nhãn Đại Thành mới bắt đầu vào nước chín và đến giữa tháng 9 mới chín hết. Đặc biệt, độ xuống nước của cây nhãn tổ rất chậm. Chất lượng đường, độ hãm của cây nhãn tổ tốt đến mức khi nhãn xuống nước, người ăn vẫn không biết. Khi nhãn lên nước ba (đỉnh cao về độ ngọt, vị thơm), quả vẫn để trên cây được nửa tháng mà không mất nước, mất vị. “Đặc biệt, nhãn muộn Đại Thành tự treo quả trên cây chứ không phải dùng thuốc để giữ quả” - anh Đoàn nói.

Cây nhãn tổ gia truyền

Cây nhãn tổ ấy đã cùng con cháu dòng họ Nguyễn Văn ở thôn Đại Tảo này đi qua biết bao thăng trầm, khốn khó của cuộc sống. “Những năm đói kém, khó khăn, hoa quả thì ít mà ngày ấy nhiều dơi nhiều chuột, cứ chập tối là ông cụ bảo tôi và thằng em họ leo lên gõ dơi gõ chuột” - anh Đoàn bật cười khi kể lại chuyện xưa khốn khó.

Mùa nhãn chín, cả ngày lẫn đêm cậu bé Đoàn phải ngủ trên tấm phản kê bên dưới gốc cây nhãn tổ canh chừng trẻ con. Có những buổi trưa, đám trẻ con rủ nhau ném đá, nhãn rụng ào ào. Suốt ba tháng hè, mấy anh em của anh Đoàn lại quét lá, kê phản nằm ngủ trưa và cả tối. “Anh em tôi chỉ thích nằm ngủ ngoài gốc nhãn vì rất mát - anh Đoàn bảo - Nhiều đêm đùa giỡn rồi mệt quá thiếp đi, bố mẹ tôi phải ra mắc màn. Thỉnh thoảng có mưa rào, chạy không kịp”.

Đâu những năm 1970, đất nước chưa giải phóng. Khi ấy anh Đoàn mới 13, 14 tuổi, hay theo bố và các chú đi chợ Bắc Qua (sát sau chợ Đồng Xuân) bán hoa quả. Ngày ấy chợ Bắc Qua còn rất ít trái cây và chỉ hay bán ở phía đông chợ. Rồi những năm 1983-1985, bán nhãn bị bắt thuế. Bố và các chú của anh Đoàn phải đóng giả nhãn thành... ổi, đóng rổ nhỏ, nhãn dưới ổi trên. Mới 1-2g đêm cả nhà đã phải dậy đi chợ. Họ gánh bộ ra bến xe Hà Đông mất cả tiếng rưỡi rồi phải đi qua đoạn đường 2km lởm chởm đá. Anh Đoàn kể: “Tôi đi chân đất nên những ngày lạnh thì tê tái và nhức buốt cả lòng bàn chân. Cho nên cứ mỗi lần đi hết đoạn đường ấy là sướng. Nhưng sợ nhất là bị trấn lột vì đoạn đường ấy có những bụi dứa um tùm, các cụ nhà tôi phải đợi đông người mới dám đi. Rồi mấy ông cháu lại nhảy tàu điện ra bờ hồ”.

Ngày ấy tàu điện đường sắt leng keng chỉ năm xu một lần rồi tăng lên ba hào, năm hào. Tang tảng sáng độ 4-5g mới đến Hà Nội rồi lại gánh bộ qua Hàng Bè đến chợ Bắc Qua. Anh Đoàn bảo: “Ngày đó bố và các chú tôi bán ổi là chính vì nhãn muộn chưa nhiều. Cả vụ chỉ thu được 3-4 tạ. Mỗi lần đi một người gánh hơn 30kg và đi vài phiên chợ là hết nhãn. Người Hà thành mua quen cứ hỏi “nhãn cụ Diếp”. Các cụ bán sỉ xong dẫn tôi đi ăn “phở không người lái”, tức phở không thịt chỉ 2-3 hào một bát. Rồi lại đưa tôi đi ăn kem Tràng Tiền 1-2 hào một que. Sau đó nhảy tàu điện về”.

Khi nhãn muộn Đại Thành đã có tiếng, lái buôn tự tìm đến. Thời ông nội anh Đoàn còn sống, nhãn mới gần kết trái người ta đã vào hỏi dạm dân làng: “Nhãn cụ Diếp ra chưa? Năm nay nhiều hay ít?”... Khi trẩy là lái buôn đã hẹn ngày đến mua chứ không phải mang ra chợ nữa. Anh Đoàn bảo: “Cụ tổ nhà tôi giữ cây nhãn này như báu vật. Ông không cho ai chiết cành, kể cả anh em ruột. Ai mua quả rồi về tự làm giống hoặc mua ăn cụ mới bán”.

Năm 1981, người con trai cả của cụ Diếp vào Nam làm kinh tế mới. Lúc này cụ Diếp mới cho chiết khoảng 20 cành để con mang vào Lâm Đồng lập nghiệp. Khi xếp đồ đạc và cây lên xe, người con trai của cụ Diếp đã cho người anh họ một cành bị vỡ vòng. Người anh họ ấy mang về dựng bừa dưới gốc bưởi. Một thời gian sau cây bưởi chết còn cành nhãn chiết thì mọc xanh tốt. 16 năm sau thời điểm hoàng kim của giống nhãn muộn Đại Thành với giá 60.000 đồng/kg, chỉ riêng cây nhãn ấy đã mang về 20 triệu đồng một vụ!

Người em út của anh Đoàn là Nguyễn Văn Thành - hiện là người có kỹ thuật ghép nhãn giỏi nhất xã - đã đăng ký bản quyền, thương hiệu nhãn muộn Đại Thành cách đây bốn năm. Anh Thành hiện là chủ nhiệm Hợp tác xã nhãn lồng chín muộn Đại Thành với ước mơ sẽ phát triển giống nhãn muộn của quê hương thành một thương hiệu nổi danh khắp cả nước.

Bây giờ, cây nhãn tổ không còn ra quả nhiều như trước nhưng sự tồn tại của nó như một hình ảnh thân thương, quen thuộc từ quá khứ và không thể thiếu trong cuộc sống của gia đình bao thế hệ nhà Nguyễn Văn thôn Đại Tảo này. Mỗi năm sau khi thu hoạch hết quả, vợ chồng anh Đoàn lại dành hai tuần để cắt tỉa, chăm sóc để cây dễ “thở” hơn nhằm kéo dài tuổi thọ cho cây. Anh Đoàn chia sẻ dự định: “Tới đây chúng tôi sẽ trẻ hóa cây nhãn tổ bằng cách cắt ngọn để mọc phần ngọn khác khỏe hơn. Chúng tôi chưa dám làm ngay vì cây đã quá già, không làm liều được, phải xử lý dần dần. Năm nay cây lại sai quả, làm ngay sợ cây kiệt sức. Cây đã già cỗi quá rồi, không còn sung sức mà đèo bòng nữa. Chúng tôi đã được nhiều từ cây nhãn này. Đã đến lúc phải cho cây được nghỉ ngơi”.

Kỳ 1: "Cô Chín" hồ Gươm Kỳ 2: Bảo vật 671 tuổi Kỳ 3: Huyền tích 18 cây duối ngàn tuổi Kỳ 4: Chứng nhân màu xanh của Khánh Hòa

-------------------------------------------------

Kỳ tới:Bảo vật ngàn năm tỏa hương

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên