02/12/2020 10:10 GMT+7

Cấp tốc truy vết F1, F2

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Chiều 1-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình dịch COVID-19, khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại TP.HCM sau 88 ngày.

Cấp tốc truy vết F1, F2 - Ảnh 1.

Chiều 1-12, nhân viên y tế phun thuốc diệt khuẩn tại Trung tâm Anh ngữ Key English chi nhánh số 59 Nguyễn Bá Tuyển, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: THANH CHIÊU

Nói về ca lây nhiễm trong cộng đồng, Thủ tướng cho rằng đây là "tình hình nghiêm trọng" nên đã yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm cơ quan nào, bộ phận, cá nhân nào để lây nhiễm trong quá trình cách ly vừa qua.

Nguy cơ lây nhiễm từ các chuyến bay

Đặc biệt, Thủ tướng chỉ ra tình trạng đang có sự lỏng lẻo, chủ quan khi Hà Nội, TP.HCM yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng nhưng các địa phương lại không.

"Các địa điểm như siêu thị, cửa hàng ăn, nhà hàng, bệnh viện có nước xịt, đo thân nhiệt không, biện pháp đến đâu rồi, trên giấy thì có mà hành động thì không, nên cuộc họp này phải rà lại" - Thủ tướng nêu.

Báo cáo tình hình, ông Nguyễn Thanh Long - bộ trưởng Bộ Y tế - cho rằng với các chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về Việt Nam, số ca nhiễm ngày càng tăng, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vào Việt Nam là hiện hữu nên ông đề nghị cần siết chặt.

"Bộ Y tế đã có cảnh báo, việc rò rỉ lây nhiễm ra cộng đồng là có và TP.HCM là điển hình. Do đó, cần tăng cường tất cả các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt thời gian tới có nhiều sự kiện chính trị quan trọng" - ông Long nói.

Đưa ra một số giải pháp, ông Long nói: Các địa phương cần tăng cường kiểm tra kiểm soát nhập cảnh từ đường bộ vào Việt Nam, vì còn tình trạng nhập cảnh trái phép. Đề nghị dừng tổ chức chuyến bay trọn gói của các tỉnh, địa phương.

Những trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả công dân Việt Nam, phải có giấy xét nghiệm mới cho vào (hiện nay mới áp dụng cho công dân nước ngoài). Các chuyến bay giải cứu phải giãn lại tiến độ, tạm dừng các chuyến bay giải cứu khi cần thiết.

Cấp tốc truy vết F1, F2 - Ảnh 2.

Hẻm 97 Phạm Phú Thứ, quận 6, TP.HCM (nơi ở của bệnh nhân 1347) bị phong tỏa - Ảnh: NHẬT THỊNH

Đối với việc xử lý các ca bệnh lây ra trong cộng đồng tại TP.HCM, ông Long nói hiện đã truy vết tất cả các trường hợp F1, F2, thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm, thông báo khẩn với người dân đã đến những địa điểm mà bệnh nhân đến, thực hiện phong tỏa.

Về xác định trách nhiệm, ông Long cho hay bệnh nhân 1342 (tiếp viên hàng không) lây nhiễm trong khu cách ly và về nhà cách ly thì lây ra cho bệnh nhân 1347 (thầy giáo tiếng Anh). Đây là bệnh nhân đầu tiên lây trong khu cách ly ra cộng đồng.

Do đó, bệnh nhân 1342 vi phạm nghiêm trọng quy định về cách ly tập trung và vi phạm cách ly tại nhà vì đã tiếp xúc người khác. Với người đứng đầu khu cách ly do Vietnam Airlines quản lý cũng không thực hiện đúng quy định cách ly khi cho người cách ly về nhà, không quản lý, thực hiện giám sát y tế của tổ bay.

Đồng thời, UBND phường, chủ cơ sở lưu trú nhà trọ nơi bệnh nhân 1342 ở, cách ly cũng không thực hiện nghiêm về cách ly. Do đó, sẽ xem xét trách nhiệm và xử lý vi phạm với những đơn vị, cá nhân liên quan là chính quyền địa phương và đơn vị cách ly của hãng hàng không, bệnh nhân để lây nhiễm ra cộng đồng.

Ông Tô Anh Dũng, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cho hay số lượng và nhu cầu người dân về Việt Nam là rất lớn, nên các khu cách ly tại quân đội không đủ chỗ. Ông Dũng đề nghị cần xem xét mở rộng khu cách ly của quân đội, đưa về cách ly tại các địa phương.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Quốc phòng cho hay quân đội hiện đang bố trí 5.000 khu cách ly và có thể tăng thêm năng lực từ 30.000 tới 50.000 khu khi có nhu cầu. Tuy nhiên, để đảm bảo kiểm soát tốt thì nên có kế hoạch trực tiếp, đảm bảo cách ly hiệu quả.

Cấp tốc truy vết F1, F2 - Ảnh 3.

Bệnh viện dã chiến tại huyện Củ Chi, TP.HCM trưa 1-12 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều giải pháp mạnh

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng cho rằng đang có tình trạng lơ là, mất cảnh giác trong phòng chống dịch. Tuy vậy, Phó thủ tướng cho rằng cần bình tĩnh, xử lý nhanh gọn.

Thực hiện nghiêm các biện pháp 5K (đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế), khoanh vùng, cách ly, điều trị tập trung dứt điểm, khử khuẩn, giãn cách nhưng không ngăn sông cấm chợ diện rộng để hoạt động xã hội vẫn phải diễn ra.

Đồng tình với các ý kiến đề xuất được nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngay lúc này cần phải đề cao tinh thần cảnh giác ở mọi địa bàn, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, quy định 5K. Kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch bên trong và chữa trị dứt điểm ca bệnh, nhất là lây nhiễm ra bên ngoài.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM thực hiện cấp tốc, thần tốc điều tra truy vết mọi đối tượng F1 và F2, không để vòng tuần hoàn dịch thứ ba xảy ra, lây nhiễm ra cộng đồng. TP.HCM phải thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ, mở rộng.

Thủ tướng cũng cho rằng không nên coi TP.HCM là ổ dịch mà đây là ca lây nhiễm từ bên ngoài, nên cần làm rõ trách nhiệm. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, với sự giám sát của Bộ Y tế, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan để xảy ra lây nhiễm trong cộng đồng nhằm ngăn ngừa và giáo dục chung.

Cấp tốc truy vết F1, F2 - Ảnh 4.

Nhân viên y tế phun thuốc khử khuẩn tại Trường Anh ngữ Key English ở phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: THANH CHIÊU

Đồng tình có tình trạng chủ quan, lơ là, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành phải kiểm tra, đôn đốc nghiêm, đặc biệt hệ thống ngành y tế. Các cấp, ngành và địa phương khi tiếp khách nước ngoài, người từ nước ngoài về, vùng có khả năng lây nhiễm cao thì phải hỏi ý kiến Bộ Y tế về quy cách, hình thức tiếp khách đảm bảo nghiêm.

Về quản lý biên giới, xuất nhập cảnh phải chặt chẽ, xem xét hạn chế các đối tượng khách được nhập cảnh, nâng cao vai trò công an, quân đội. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh sẽ tạm dừng các chuyến bay thương mại và chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu, ưu tiên người cao tuổi, sinh viên, người yếu thế...

Chỉ thực hiện nhập cảnh khi cần thiết, kể cả Tết Nguyên đán cũng phải hạn chế các chuyến bay. Mọi chuyến bay phải tập trung cách ly trong cơ sở quân đội, khu cách ly tại địa phương đủ tiêu chuẩn, bãi bỏ việc cách ly do doanh nghiệp thực hiện. Từ tháng 1 ngừng đưa người nước ngoài về Việt Nam.

Tiếp tục hạn chế các hoạt động không cần thiết, tập trung quá đông người. Thực hiện giãn cách xã hội ở nơi có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý tránh gây ảnh hưởng sản xuất kinh doanh. Đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế cả tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đi đầu trong phòng chống dịch, nâng cao năng lực khám và điều trị bệnh, kể cả mở rộng truy vết với các biện pháp xét nghiệm nhanh...

Ngành y tế phải là trọng tâm, kiểm soát chặt chẽ các địa phương, với trách nhiệm lớn, đặc biệt khi tổ chức các sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Với vấn đề vắcxin, Thủ tướng yêu cầu cần có phương án sớm hợp tác với nước ngoài, mua một lượng cần thiết phục vụ cho những đối tượng dễ lây nhiễm.

Người Đà Nẵng tiếp xúc với bệnh nhân 1347 âm tính lần 1

Chiều 1-12, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết đã thực hiện cách ly tại cơ sở y tế đối với ông T.T.T. (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) người được xác định là F1 của bệnh nhân 1347.

Trước đó vào ngày 23-11, ông T. đi hát karaoke ở TP.HCM với một nhóm người, trong đó có bệnh nhân 1347. Trưa 30-11, sau khi có thông tin ca mắc COVID-19 mới là bệnh nhân 1347, ông T. được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với virus corona. Ngoài ra, ngành y tế cũng xác định có 10 trường hợp F2 (tiếp xúc với ông T.). 10 người này được tổ chức theo dõi y tế tại nhà sau khi ông T. đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng - cho biết hiện nay TP Đà Nẵng đang thực hiện cách ly hơn 1.200 công dân từ nước ngoài trở về.

"Hiện nay công dân từ nước ngoài trở về được bố trí cách ly tại 19 khách sạn và 2 cơ sở quân đội. Đối với các khách sạn tổ chức cách ly, lực lượng công an và y tế đều tổ chức ứng trực 24/24 giờ trong thời gian cách ly để đảm bảo chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch" - bà Yến nói.

TR.TRUNG

500 trường hợp liên quan

TP.HCM đang khẩn trương điều tra, khoanh vùng, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

112-4839 1(read-only)

Ông Từ Lương - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - phát biểu tại cuộc họp báo chiều 1-12 - Ảnh: TỰ TRUNG

Tính đến chiều 1-12 đã có thêm 2 ca nhiễm COVID-19 và gần 500 trường hợp F1, F2 có liên quan đến giáo viên tiếng Anh. Con số này dự báo còn tăng trong những ngày tới...

Di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người

Tại cuộc họp khẩn cấp với 129 bệnh viện trên địa bàn TP, ông Phan Thanh Tâm - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho biết: "Giáo viên tiếng Anh đã di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, trong nhiều lần.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngành y tế TP đã truy vết gần 500 trường hợp F1 có tiếp xúc với bệnh nhân này, đồng thời đang tiếp tục truy vết, khoanh vùng F2". Ông Tâm đánh giá mức độ rất trầm trọng và nguy cơ lây nhiễm của bệnh nhân này rất cao.

Tại con hẻm nối từ đường Phạm Phú Thứ ra đường Bình Tiên (phường 3, quận 6), gần nhà bệnh nhân 1347, các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ lần lượt lấy mẫu phết mũi họng của nhiều trẻ em và người lớn.

Đến chiều 1-12, ông Lê Thanh Bình - phó chủ tịch UBND quận 6 - cho biết lực lượng chức năng đã lấy mẫu 197 người thuộc 52 hộ dân. Phạm vi lấy mẫu xét nghiệm tiếp tục được mở rộng. "Các cơ quan đoàn thể địa phương cung cấp đầy đủ các suất ăn cho người dân trong khu vực cách ly (3 bữa ăn/ngày, mỗi người một suất ăn 30.000 đồng)" - ông Bình chia sẻ.

Chia sẻ qua điện thoại, một nam sinh viên (1 trong những người tiếp xúc xa với bệnh nhân 1342) cho biết nhân viên y tế đã đến lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 lần 1 cho tất cả mọi người, đồng thời khử khuẩn căn hộ và hướng dẫn mở cửa phòng thông thoáng, không dùng máy lạnh.

"Hiện tôi đã có kết quả xét nghiệm âm tính COVID-19 lần 1. Mọi người ở đây đều thực hiện việc cách ly theo đúng quy định, không tiếp xúc nhau và không được phép ra khỏi căn hộ. Tới giờ ăn thì được lực lượng giám sát gọi xuống lấy thức ăn".

Bệnh viện phải sàng lọc 2 bước

Không chỉ kiểm soát nơi ở, HCDC cũng đã cập nhật 6 địa điểm dịch tễ mà bệnh nhân 1347 từng lui tới nhiều lần. HCDC đề nghị người dân từng đến các địa điểm trên cần đến cơ sở y tế gần nhất để khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời thực hiện cách ly tại nhà.

Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong khu cách ly, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết đơn vị đã quyết định đóng cửa khu cách ly đoàn tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines tại quận Tân Bình. Đây chính là nơi đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân 1342, tiếp viên của Hãng hàng không Vietnam Airlines vào cách ly trong 4 ngày từ 14 đến 18-11.

Ông Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ vẫn mở cửa để tiếp nhận bệnh nhân vào cách ly, điều trị. Đối với các ca bệnh nặng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM luôn sẵn sàng tiếp nhận điều trị như bấy lâu nay.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho rằng "virus gây bệnh COVID-19 vẫn chưa có gì thay đổi.

Dịch bệnh xảy ra là do lơi lỏng, chủ quan trong cách ly, bởi nhiều tháng qua không có ca bệnh trong cộng đồng". Để kiểm soát tốt điều này, ông đề nghị các bệnh viện phải tập trung "sàng lọc 2 bước", đó là ở cổng và tại các khoa phòng để ngăn chặn tuyệt đối nguy cơ lây nhiễm dịch.

H.LỘC - X.MAI - N.KHẢI

Đề xuất không có chế độ cách ly riêng với tiếp viên hàng không

Ngày 1-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết trong cuộc họp với Chính phủ chiều cùng ngày, TP.HCM và Hà Nội đã kiến nghị bỏ quy định chế độ cách ly riêng cho các thành viên tổ bay.

Theo đó, các thành viên tổ bay sau các chuyến bay từ nước ngoài về sẽ được cách ly tập trung 14 ngày, chứ không áp dụng riêng chế độ cách ly hỗn hợp vừa tập trung vừa tại nhà như hiện nay.

Cũng tại buổi họp báo, ông Từ Lương, phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, cho biết chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan xem xét xử lý vi phạm của bệnh nhân 1342, vi phạm đến đâu xử phạt đến đó.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu cơ quan, tổ chức và người dân tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành các quy định đeo khẩu trang, khử khuẩn tại nơi công cộng, đặc biệt tại trường học, bệnh viện...

Các quận 1, 3, 6, 10, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Phú - nơi bệnh nhân 1347 đã đến để làm việc, sinh hoạt, giao lưu - cần rà soát thật kỹ các địa điểm mà bệnh nhân này có mặt. Đối với những cơ sở có dấu hiệu, nguy cơ lây nhiễm phải đóng cửa, cách ly. Đặc biệt các quận 6, Tân Bình và Bình Tân phải chủ động đề xuất với chủ tịch UBND nếu cần giãn cách xã hội.

Quan điểm của UBND TP.HCM là chỉ giãn cách đối với những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Cùng với đó, chủ tịch UBND TP.HCM cũng đề nghị tiếp tục thực hiện 8 bộ tiêu chí an toàn đối với các ngành nghề (ban hành tháng 5-2020).

T.LONG - T.LÊ

Có nhiều loại vắcxin phòng COVID-19 trong thời gian tới

Nhiều loại vắcxin phòng COVID-19 đã về đích gần như cùng lúc trong bối cảnh thế giới cần vắcxin hơn lúc nào hết. Nhiều loại vắcxin đã cho kết quả thử nghiệm lâm sàng đạt tới 94%.

Câu hỏi là khi nào các nước châu Á có vắcxin trong vài tuần tới? Theo Reuters, câu trả lời là rất ít nước châu Á có thể có vắcxin sớm. Những nước và vùng lãnh thổ đã đặt mua vắcxin như Úc, Indonesia, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc... dự kiến sẽ có vắcxin trong quý 2-2021.

Trung Quốc nhờ tự sản xuất được vắcxin nên có thể tiêm chủng rộng rãi trong năm nay. Riêng vắcxin do Ấn Độ sản xuất hi vọng sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 2-2021 trở đi.

HỒNG VÂN

Đề xuất tiếp viên hàng không cũng phải cách ly tập trung 14 ngày Đề xuất tiếp viên hàng không cũng phải cách ly tập trung 14 ngày

TTO - Thay vì áp dụng chế độ cách ly hỗn hợp vừa tập trung vừa tại nhà như hiện nay thì toàn bộ thành viên tổ bay của Vietnam Airlines (trên các chuyến bay quốc tế) phải cách ly tập trung đủ 14 ngày.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên