05/09/2022 16:55 GMT+7

Cấp nước TP.HCM đối mặt với biến đổi khí hậu

T.D.V - LÊ PHAN
T.D.V - LÊ PHAN

Cùng chung xu thế biến đổi khí hậu trên toàn cầu, ngành cấp nước TP.HCM cũng từng bước chuẩn bị kế hoạch dài hơi để đảm bảo nhiệm vụ cấp nước cho 10 triệu dân TP hiện tại và sẽ tăng hơn nữa trong những năm tới.

Cấp nước TP.HCM đối mặt với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Hệ thống bể lọc tại Nhà máy nước Thủ Đức, nơi cung cấp từ 500 đến 650 nghìn mét khối nước sạch/ngày cho người dân thành phố - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Là đơn vị được ví như mạch sống của TP, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) có những dự định như thế nào? Tuổi Trẻ có buổi trò chuyện cùng ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước của đơn vị này.

Áp dụng các giải pháp ứng phó ngắn hạn

* Hai hệ thống sông mà ngành cấp nước thành phố lấy nước thô để xử lý đều chảy qua hai tỉnh có nền công nghiệp phát triển là Bình Dương và Đồng Nai. Ngành cấp nước tính toán thế nào về giải pháp ứng phó với việc nước sông bị xâm hại bởi nước thải công nghiệp, giao thông thủy, nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, cụm công nghiệp dọc sông đổ ra?

- Ông Trần Kim Thạch: Để đảm bảo cho hoạt động xử lý nước luôn ổn định và ứng phó kịp thời với các tác động của chất lượng nguồn nước, Sawaco hiện nay đang áp dụng các giải pháp ứng phó ngắn hạn như:

Thiết lập các thiết bị giám sát chất lượng nguồn nước online và các ngưỡng cảnh báo đối với các chỉ tiêu chất lượng nước cơ bản (như nồng độ oxy hòa tan, Ammoniac, độ đục, độ mặn, lượng dầu tràn bề mặt...) để từ đó có các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động này.

Tăng cường lượng hóa chất dự phòng và các thiết bị châm hóa chất để đảm bảo đáp ứng khi có nguồn nước xảy ra. Phối hợp với các đơn vị vận hành các hồ chứa nước đầu nguồn để kịp thời hỗ trợ xả nước để đẩy mặn, pha loãng ô nhiễm hoặc đẩy chất ô nhiễm ra khỏi vùng lấy nước.

Đối với mạng lưới cấp nước, Sawaco lên các kịch bản vận hành hệ thống mạng để điều nguồn nước khi có sự cố xảy ra, đảm bảo khả năng cấp nước cho TP ở mức nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có phương án cấp nước khẩn cấp thông qua việc vận hành trở lại 46 trạm cấp nước sử dụng nước ngầm trên toàn TP, từ đó đảm bảo cấp nước cho nhu cầu tối thiểu của người dân (khoảng 5 lít nước/người/ngày).

* Hai hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn hiện nay chất lượng nước như thế nào?

- Hiện nay, nguồn nước cung cấp chính cho hệ thống cấp nước của TP được lấy từ sông Sài Gòn tại xã Hoà Phú huyện Củ Chi (chiếm khoảng 25% tổng công suất) và tại kênh N47 thuộc nhánh nhỏ của kênh Đông lấy nước trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng (chiếm khoảng 8,5% tổng công suất), riêng nguồn nước lấy từ sông Đồng Nai tại chân cầu Hóa An, Tỉnh Đồng Nai (chiếm khoảng 60,5% tổng công suất phát nước).

Đây là hai khu vực kinh tế trọng điểm của khu vực phía nam với nhiều khu công nghiệp, nông nghiệp và khu đô thị mới dọc theo lưu vực. Đặc biệt trên sông Đồng Nai là nơi có lượng giao thông thủy diễn ra khá tấp nập. Các điểm khai thác nước thô của TP lại ở hạ nguồn của hệ thống sông Đồng Nai nên sẽ có một số nguy cơ đối với nguồn nước thô như: tràn dầu từ hoạt động giao thông thủy, chất thải từ các hoạt động kinh tế và xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông.

Hiện nay, nguồn nước thô mà chúng tôi tiếp nhận đều có dấu hiệu ô nhiễm nếu so với quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các tiêu chuẩn bị vượt ngưỡng như: hàm lượng vi sinh vượt ngưỡng khoảng hơn 10 lần cho cả sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, hàm lượng Ammoniac đặc biệt tại sông Sài Gòn vượt ngưỡng 3-5 lần...

Ngoài ra dưới tác động của biến đổi khí hậu nhiều năm, nước bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép buộc phải ngưng lấy nước trong một vài thời điểm trong ngày. Tuy nhiên, công nghệ xử lý nước của các nhà máy đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp ra mạng lưới luôn đạt chuẩn.

Cấp nước TP.HCM đối mặt với biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco)

Xây dựng các bể chứa nước ngầm

* Hiện tại đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020 - 2050, và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nguồn ngầm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030 đã thực hiện những nội dung nào?

- Về lâu dài, để đảm bảo cho an toàn cấp nước, chủ động ứng phó với các nguồn nước bị biến động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nguồn nước bị ô nhiễm, Sawaco phối hợp Sở Xây dựng đề xuất và được UBND TP chấp thuận thông qua "Đề án phát triển hệ thống cấp nước thành phố giai đoạn 2020 - 2050 và chương trình cung cấp nước sạch, chấm dứt khai thác nguồn ngầm giai đoạn 2020 - 2030" trong đó có các giải pháp căn cơ như sau:

Xây dựng các hồ chứa nước thô đầu nguồn với mục đích vừa là nơi tiền xử lý nước giảm thiểu các chất ô nhiễm trong nguồn nước thông qua quá trình làm sạch tự nhiên, đồng thời đảm bảo trữ nước khi có sự cố về nguồn nước thô trên sông Sài Gòn. Dự án này hiện nay đang trong giai đoạn khảo sát lập báo cáo khả thi để triển khai.

Xây dựng các bể chứa ngầm trong TP để làm nơi đảm bảo ổn định áp lực cho toàn hệ thống. Đồng thời cũng là nơi dự trữ nguồn nước sạch để đảm bảo an toàn cấp nước trong trường hợp xảy ra các sự cố tại các nhà máy xử lý nước.

* Liệu có thể tận dụng lại những thủy đài cũ trước đây làm nơi trữ nước sạch cho TP không? Các thủy đài này đã có sẵn, chỉ tốn công cải tạo chứ không tốn kinh phí xây dựng, diện tích đất để xây dựng như các hồ chứa, hồ điều tiết?

- Đối với các thủy đài đã được xây dựng và hoàn thành từ những năm 1970, hiện nay không có các hồ sơ pháp lý để đưa vào sử dụng. Sawaco cũng đã kiến nghị lên UBND TP sẽ sử dụng lại các mặt bằng này để làm nơi cấp nước an toàn cho thành phố (có thể xây bể chứa ngầm hoặc làm trạm bơm tăng áp, nơi điều hòa mạng lưới cấp nước...).

Nhiều dự án cấp nước được đầu tư

Ảnh 3

Ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco)

Ông Trần Quang Minh, Tổng giám đốc Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) nhận định TP.HCM đang chịu tác động do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác đảm bảo an toàn cấp nước. Đặc biệt là vấn đề suy giảm chất lượng nước thô và thiếu nước do xâm nhập mặn. Từ nay đến năm 2025, ngành nước TP sẽ tập trung thực hiện hàng loạt dự án để duy trì cấp nước an toàn liên tục cho người dân.

Trong đó sẽ hoàn tất điều chỉnh quy hoạch cấp nước TP đến năm 2040 tầm nhìn 2060 để triển khai thực hiện giai đoạn tiếp theo. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước thô tại các trạm khai thác nước thô, cũng như chất lượng nước trên mạng lưới cấp nước...

Về giải pháp công trình sẽ xây dựng bổ sung các nhà máy nước mới nâng tổng công suất phát nước là 2.900.000 m3/ngày (hiện nay là 2.400.000 m3/ngày). Hoàn tất các dự án phát triển các tuyến ống truyền tải, phân phối đã và đang thực hiện. Đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý chất lượng nước, Trung tâm quản lý và giám sát hệ thống cấp nước.

T.D.V - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên