14/02/2020 07:02 GMT+7

Cập nhật corona ngày 14-2: Hồ Bắc thêm 116 người chết, Trung Quốc điều chỉnh số thống kê

TRẦN PHƯƠNG - Q.TRUNG - BẢO ANH - KIM THOA - DUY LINH
TRẦN PHƯƠNG - Q.TRUNG - BẢO ANH - KIM THOA - DUY LINH

TTO - Theo thông tin cập nhật của Hãng tin Reuters lúc 10h40 ngày 14-2, có thêm 5.090 ca nhiễm virus corona chủng mới và 121 ca tử vong được ghi nhận ở Trung Quốc đại lục. Chỉ riêng tỉnh Hồ Bắc, có 4.823 ca nhiễm mới và 116 ca tử vong.

Cập nhật corona ngày 14-2: Hồ Bắc thêm 116 người chết, Trung Quốc điều chỉnh số thống kê - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Cơ quan y tế Trung Quốc cho hay tổng cộng có 63.851 người đã bị nhiễm virus corona chủng mới ở nước này. Cùng ngày, nước này có 1.081 bệnh nhân mới được xuất viện, nâng tổng số trường hợp phục hồi lên 6.723 tính đến cuối ngày 13-2.

Theo cập nhật của báo South China Morning Post, như vậy trên thế giới đã có 1.383 ca tử vong (1.380 ca ở Trung Quốc), 64.434 ca nhiễm, và 6.766 ca hồi phục.

Về con số ca tử vong ở Trung Quốc, trưa 14-2, hãng tin AFP dẫn thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết chính quyền nước này đã trừ 108 người chết trong số tổng ca tử vong do dịch COVID-19. Theo đó, tổng số ca tử vong hiện tại là 1.380 ca (thay vì 1.488 ca như thống kê trước đó).

Trung Quốc cảnh giác cao khi người dân quay lại làm việc

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14-2 đã yêu cầu các tỉnh Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát dòng người ở nông thôn quay trở lại làm việc ở các thành phố lớn. Theo ông Lý Khắc Cường, quãng đường di chuyển dài của những người này đặt ra nguy cơ lây nhiễm chéo, nếu không có biện pháp kiểm soát sẽ tăng thêm số ca nhiễm COVID-19.

Trung Quốc đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm quay lại làm việc sau đợt nghỉ Tết nguyên đán dài chưa từng thấy vì dịch COVID-19, với con số dự kiến có thể lên tới hàng trăm triệu người.

Hong Kong có thêm 3 ca nhiễm mới

Nâng tổng số ca mắc bệnh do virus corona lên 56. Đặc biệt, 1 trong 3 trường hợp nhiễm bệnh mới là nhân viên trong một nhà hàng dim sum.

Ca nhiễm thứ 2 cũng đáng chú ý khi có là anh em họ của một người bị nhiễm trước đó. Hai người này tham gia họp mặt gia đình 29 thành viên vào ngày 26-1. Ít nhất 6 người trong gia đình này đã nhiễm virus corona và 2 người khác đang cách ly chờ kết quả xét nghiệm.

Thiên Tân cấm ăn động vật hoang dã đề phòng COVID-19

Chính quyền Thiên Tân ngày 14-2 đã ra lệnh cấm người dân tại thành phố này ăn uống, săn bắn, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trong thời gian có dịch COVID-19. Thông báo nhấn mạnh các nhà hàng không được gạ gẫm, mời mọc khách ăn thử những món ăn làm từ động vật hoang dã. Nếu bị phát hiện vi phạm không chỉ phải đóng phạt mà còn đối mặt với việc bị rút giấy phép kinh doanh.

Dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành nặng ở Trung Quốc được cho là xuất phát từ một chợ bán động vật hoang dã tại Vũ Hán. Ban đầu người ta cho rằng dơi là vật chủ truyền bệnh sang người nhưng sau đó lại có thêm thông tin tê tê cũng có thể truyền loại virus corona mới sang con người.

Trung Quốc: 6 nhân viên y tế chết, hơn 1.700 nhân viên nhiễm virus corona

Theo hãng tin AFP, tính tới hôm nay 14-2, 6 nhân viên y tế ở Trung Quốc đã chết vì virus corona chủng mới, trong khi tổng cộng số nhân viên y tế nhiễm bệnh là hơn 1.700 trường hợp.

Con số này càng cho thấy rõ hơn nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19 của đội ngũ y bác sĩ trong bối cảnh thiếu thốn các trang biết bị bảo hộ, phòng dịch.

Cập nhật corona ngày 14-2: Hồ Bắc thêm 116 người chết, Trung Quốc điều chỉnh số thống kê - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Thêm một thành phố ở Trung Quốc áp dụng "biện pháp thời chiến"

Chính quyền thành phố Hiếu Cảm ở Hồ Bắc ngày 14-2 thông báo sẽ nâng các biện pháp chống dịch lên mức cực đoan mới kể từ 17h hôm nay 14-2. Theo đó tất cả các chung cư, khu dân cư bị phong tỏa và chỉ những phương tiện cần thiết cho việc chống dịch mới được phép di chuyển trên đường.

Người dân không được phép bước ra khỏi nơi cư trú. Thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác sẽ người mang đến và phân phát tận nơi. Các biện pháp cực đoan này sẽ được áp dụng trong 14 ngày, có thể kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài hơn tùy tình hình dịch bệnh.

Hôm 13-2, chính quyền Hoàng Cương - thành phố thứ 2 ở Hồ Bắc bị phong tỏa sau Vũ Hán - cũng thông báo các biện pháp tương tự.

Ngoại trưởng Trung Quốc: Virus không có biên giới

Phát biểu tại Berlin (Đức), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói virus không có biên giới và rằng cộng đồng quốc tế cần phối hợp với nhau để chiến đấu chống lại dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19).

"Trong cuộc chiến này, để bảo vệ sức khỏe của con người, sự thấu hiểu, tin tưởng và hỗ trợ nhau trên khắp biên giới các nước là quan trọng" - ông Vương nhấn mạnh tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đức Heiko Maas ngày 13-2.

Ông Vương nói kể từ lúc dịch bệnh bùng phát, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp toàn diện và nghiêm khắc nhất giúp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Cập nhật corona ngày 14-2: Hồ Bắc thêm 116 người chết, Trung Quốc điều chỉnh số thống kê - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Bệnh viện dã chiến Trung Quốc chữa khỏi cho 7 bệnh nhân đầu tiên

Đài CGTN ngày 14-2 đưa tin tại Bệnh viện Hỏa Thần Sơn, bệnh viện dã chiến đặc biệt được xây ở Vũ Hán, đã có 7 bệnh nhân đầu tiên được chữa khỏi và được xuất viện.

Họ đã ra khỏi bệnh viện mà không cần sự hỗ trợ nào vào chiều qua (13-2) và được đưa về nhà bằng xe do bệnh viện điều tới. Trong số những bệnh nhân hồi phục, người lớn tuổi nhất là 66 tuổi và người nhỏ tuổi nhất là 33 tuổi.

Đến nay bệnh viện Hỏa Thần Sơn đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân bị nhiễm virus corona chủng mới.

Ngoài bệnh viện này, Trung Quốc cũng xây một bệnh viện dã chiến khác là Lôi Thần Sơn. Hai bệnh viện này được xây thần tốc chỉ trong khoảng 10 ngày. Tân Hoa xã bình luận với việc xây xong hai bệnh viện này, Trung Quốc đã hoàn thành một "nhiệm vụ bất khả thi".

Các bệnh nhân đầu tiên được xuất viện tại bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn - Nguồn: CGTN

Nội các Nhật thông qua ngân sách 94 triệu USD chống dịch

Hãng tin Kyodo đưa tin nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 14-2 đã quyết định sử dụng 10,3 tỉ yen (94 triệu USD) trích từ các quỹ dự trữ của Nhật Bản để thực hiện các biện pháp đối phó với dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19).

Đây là một phần trong gói chính sách được soạn thảo gấp rút trị giá tổng cộng 15,3 tỉ yen. Theo đó, chính phủ Nhật Bản sẽ dùng hầu hết nguồn quỹ để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp, từ việc phát triển các bộ xét nghiệm nhanh và vaccine cho tới việc tạo điều kiện cho thêm nhiều bệnh viện để chữa trị các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới.

Tình trạng lây lan virus corona chủng mới trên du thuyền Diamond Princess neo đậu ở Yokohama, phía nam Tokyo đã đặt ra nhiều thách thức cho Nhật Bản. Trong bối cảnh Thế vận hội mùa hè 2020 sắp diễn ra, Nhật Bản cũng sẽ chi nhiều tiền để giảm ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới sự kiện này.

Khách trên du thuyền MS Westerdam lên bờ ở Campuchia

Thủ tướng Campuchia Hun Sen có mặt tại cảng Sihanoukville ngày 14-2 để đón các hành khách trên tàu MS Westerdam lên bờ sau gần hai tuần lang thang trên biển.

Cập nhật corona ngày 14-2: Hồ Bắc thêm 116 người chết, Trung Quốc điều chỉnh số thống kê - Ảnh 5.

Thủ tướng Campuchia Hunsen đón hành khách tàu MS Westerdam tại cảng Sihanoukville sáng 14-2 - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Y tế Campuchia khẳng định không ai trên du thuyền này bị nhiễm 2019-nCoV sau khi tiến hành xét nghiệm các hành khách trên tàu.

Holland America Line, công ty điều hành du thuyền, cũng xác nhận chính quyền Campuchia cho phép các hành khách lên bờ sáng 14-2. Các hành khách sau đó sẽ về nhà bằng máy bay. "Thông tin các chuyến bay đang được trao đổi với các hành khách" - công ty cho biết.

Du thuyền MS Westerdam chở 1.455 hành khách và 802 thành viên thủy thủ đoàn cập cảng tại thị trấn Sihanoukville sáng 13-2. Trước đó, du thuyền này bị nhiều nơi từ chối cho cập cảng do lo có người trên đó nhiễm virus corona chủng mới. 

Phát hiện kháng thể ở một số bệnh nhân hồi phục

Lãnh đạo bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán, Trung Quốc kêu gọi các bệnh nhân đã hồi phục hiến huyết tương sau khi phát hiện kháng thể chống virus corona chủng mới trong huyết tương một số bệnh nhân.

Kim Ngân Đàm là một trong số những bệnh viện lớn được phân tiếp nhận điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19).

Tân Hoa xã ngày 14-2 dẫn lời ông Zhang Dingyu, lãnh đạo bệnh viện, kêu gọi những bệnh nhân đã hồi phục hiến huyết tương để điều trị cho những người khác. Các kết quả ban đầu cho thấy việc truyền huyết tương có hiệu quả trong việc điều trị COVID-19.

Ông Trump khen Trung Quốc xử lý dịch chuyên nghiệp

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13-2, giờ địa phương, khen ngợi nỗ lực chống dịch COVID-19 của Trung Quốc và cho biết Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh.

"Tôi nghĩ họ đã xử lý dịch một cách chuyên nghiệp, và tôi nghĩ họ cũng cực kỳ có năng lực" - ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn trên Đài iHeart Radio.

Tuy nhiên, ngay sau đó, quan chức Nhà Trắng lại nói rằng Mỹ "thất vọng" vì Trung Quốc không minh bạch. "Chúng tôi hơi thất vọng về việc thiếu minh bạch từ Trung Quốc" - Hãng tin AFP dẫn lời giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow nói. Ông Kudlow cũng cho biết Washington sẵn sàng tham gia giúp đỡ Tổ chức Y tế thế giới đối phó dịch COVID-19 nhưng đến nay chưa được mời.

Cập nhật corona ngày 14-2: Hồ Bắc thêm 116 người chết, Trung Quốc điều chỉnh số thống kê - Ảnh 6.

Bác sĩ tẩy uế một trung tâm y tế tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

WHO: gia tăng ca nhiễm không hẳn là "phần nổi của tảng băng chìm"

Ông Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 13-2 cho biết số liệu mới nhất về dịch bệnh phản ánh sự tăng vọt số ca nhiễm bởi có sự thay đổi trong cách chẩn đoán và báo cáo của Trung Quốc, nhưng không đến mức là "bề nổi của tảng băng chìm" như nhiều người vẫn e ngại.

Ông Ryan nói rằng ông không nhận thấy dịch lan nhanh bên ngoài Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các tổ chức liên quan không nên đưa ra các nhận định vội vã. "Chúng tôi đã thấy sự gia tăng các ca được ghi nhận tại Trung Quốc, nhưng điều này không thể hiện sự thay đổi lớn trong quỹ đạo của đợt bùng phát dịch bệnh" - ông Ryan nói trong cuộc họp báo ở Geneva, Thuỵ Sĩ.

Hiện ở riêng tỉnh Hồ Bắc, các chuyên gia y tế được phép xếp những ca nghi nhiễm dịch COVID-19 thành ca nhiễm có qua chẩn đoán lâm sàng sau khi có kết quả chụp hình ảnh phổi mà không cần phải kiểm chứng qua phòng thí nghiệm nữa. Với cách làm này, các bác sĩ có thể đưa ra báo cáo nhanh hơn và người bệnh được trợ giúp nhanh hơn đồng thời cơ quan y tế cũng có thể đưa ra các biện pháp mới nhanh hơn.

Singapore có thêm 8 ca nhiễm

Bộ Y tế Singapore ngày 13-2 cho biết toàn bộ tám ca nhiễm COVID-19 mới đều có liên quan đến những người đã xác nhận nhiễm bệnh trước đó.

"Các cuộc điều tra dịch tễ và truy tìm các trường hợp tiếp xúc đã phát hiện các mối liên quan giữa các ca bệnh đã được công bố và những ca mới" - Đài Channel News Asia dẫn lời tuyên bố của Bộ Y tế Singapore.

Tám ca nhiễm mới đã nâng tổng số ca tại đảo quốc này lên 58 ca. Tính đến ngày 15-2 đã có 15 trường hợp hồi phục và xuất viện. Trong số những người vẫn đang điều trị, bảy người hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, trong khi số còn lại đã ổn định và đang hồi phục.

Lo virus corona, Philippines bác đề nghị bỏ lệnh cấm đi lại của Đài Loan Lo virus corona, Philippines bác đề nghị bỏ lệnh cấm đi lại của Đài Loan

TTO - Ngày 13-2, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từ chối yêu cầu tháo bỏ lệnh cấm đi lại của Đài Loan, nói an toàn của người dân mới là điều ông quan tâm giữa dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19) gây ra.

TRẦN PHƯƠNG - Q.TRUNG - BẢO ANH - KIM THOA - DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên