12/01/2018 15:36 GMT+7

Cánh đồng trên tháp núi

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Mới mấy năm về trước, đồng bào người Mày, người Sách ở bản Ka Ai (xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) còn chưa biết cây lúa nước là cây gì. Nhưng nhờ được cán bộ hướng dẫn, giờ đây dân bản đã biết trồng lúa nước.

Cánh đồng trên tháp núi - Ảnh 1.

Sau nhiều năm đói khổ vì đông con, nay gia đình chị Hồ Thị Đụt đã có thể tự trồng lúa nước lấy gạo ăn quanh năm cho cả nhà - Ảnh: QUỐC NAM

Khi mới triển khai, cán bộ biên phòng phải làm mẫu từ lấy nước, làm đất, gieo giống, bón phân... để dân bản xem và làm theo. Nhưng nay chỉ cần nghe đồn thông báo ra đồng, lập tức cả bản xách dao, cuốc theo sau

Thượng tá TRẦN ĐÌNH BÍNH

Cũng nhờ cây lúa nước mà dân bản đã chấm dứt chuyện đứt bữa. Cả một vùng thung lũng dưới chân núi Giăng Màn nằm sát vùng biên giới Việt - Lào này đã thay da đổi thịt.

Cánh đồng trong mơ

Đi cùng chúng tôi vào Ka Ai là thượng tá Trần Đình Bính, chính trị viên đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Thượng tá Bính là người đã gắn bó với những thửa ruộng lúa nước của đồng bào Ka Ai từ mấy năm qua. 

Băng qua con suối đầu bản, vượt thêm mấy quả đồi, cánh đồng lúa hiện ra trước mắt. Đó là một cánh đồng rộng chừng 5ha, bắt đầu từ một hẻm núi, chạy dài theo mấy khe nước và kết thúc khi gặp con suối lớn đầu bản. 

Bốn bề cánh đồng này được bao quanh bởi những ngọn núi đá vôi cao vút. Lúa trên đồng vừa gặt xong chưa lâu, những gốc rạ đôi chỗ vẫn còn màu xanh sẫm.

Trưởng bản Cao Xuân Xiêm hồ hởi kể chỉ mới hơn tháng trước thôi, lúa vàng ươm cả thung lũng này. Mỗi năm thường có hai vụ. Dân bản và biên phòng cùng làm. Sau khoảng vài tuần nữa là dân bản sẽ tiếp tục làm đất cho vụ tiếp theo. 

"Mới đầu chưa quen nên dân bản thích vào rừng săn bắn hơn là theo biên phòng ra ruộng trồng lúa nước. Nhưng giờ quen rồi, nhiều người chủ động làm đất cho lúa tốt nữa" - trưởng bản Xuân Xiêm nói.

Thượng tá Bính chỉ tay về phía bên kia ngọn núi bảo rằng đó là đường biên giữa hai nước Việt - Lào. 

"Giữa núi rừng mà có một cánh đồng mênh mông như thế quả là điều không tưởng. Người Mày, người Sách ở vùng biên giới này từ rất lâu. Nhưng vì địa hình đá vôi dày đặc nên đồng bào ở đây chủ yếu sống bằng săn bắt, hái lượm. 

Việc trồng lúa nước chỉ là chuyện trong mơ nên khi cải tạo được thung lũng này thành ruộng, ngay cả những người lính biên phòng cũng không dám tin" - thượng tá Bính nhớ lại.

Đá vôi chính là nỗi ám ảnh của những người lính biên phòng Quảng Bình khi quyết định cải tạo thung lũng nhỏ dưới chân đỉnh Giăng Màn này. Những tảng đá vôi to bằng cả người ôm cứ găm vào đất nằm san sát từ hẻm núi chạy xuống con suối lớn. 

Nhưng vị trí này lại thuận về nguồn nước, nằm sát khu dân cư và... không còn lựa chọn nào tốt hơn ở vùng sát biên giới nên những người lính biên phòng phải gồng mình đào xới, nhổ từng tảng đá đi.

Đá vôi dày đặc trong khi phương tiện cải tạo thiếu thốn, chủ yếu làm bằng tay nên không biết bao nhiêu bàn tay đã tóe máu. Ban đầu cánh đồng chỉ khoảng 100m2 để trồng lúa thử nghiệm. Sau vụ đó, năng suất lúa cao quá nên các chiến sĩ biên phòng hạ quyết tâm mở rộng cánh đồng. 

Dần dần từ một mẫu ruộng nhỏ, nay cánh đồng đã thênh thang lên đến 5ha. Hệ thống dẫn nước cũng phải làm lại để đưa nước từ trên núi xuống cấp đủ cho ruộng đồng.

Cánh đồng trên tháp núi - Ảnh 3.

Bà Hồ Choánh nay có lúa đầy nhà sau khi chuyển qua làm lúa nước - Ảnh: QUỐC NAM

Không còn lo đứt bữa

Hơn chục năm về trước, dân bản Ka Ai không nghề nghiệp, quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc, cái đói bủa vây. Bà con chủ yếu sống bám vào rừng, bởi vậy nên nạn đốt, phá rừng, săn bắt... ngày một lan rộng. 

Trưởng bản Cao Xuân Xiêm vẫn còn nhớ như in nhiều năm trước, cứ vào mùa giáp tết là người dân rơi vào cảnh thiếu đói triền miên. Người trong bản chỉ biết đi đào củ sắn dưới chân đồi hay lên rừng hái măng, lượm cây trái trong rừng về ăn. Nhưng từ khi làm lúa nước đến nay, cảnh đói ăn hay đứt bữa đã không còn nữa.

Ngay sát lối dẫn vào bản là ngôi nhà của chị Hồ Thị Đụt. Chị Đụt vừa nấu cơm cho mấy đứa con ăn trưa, xong cả nhóm bốn đứa kéo nhau ra chân cầu thang nhà sàn vừa nô đùa vừa đợi bố về. 

Chị Đụt kể hai vợ chồng lấy nhau xong là đẻ con. Đẻ liền một mạch bốn đứa, san sát nhau. Ngày mới cưới về, anh chị sáng mang gùi vào rừng hái măng, lượm củi, hoặc bẫy thú. Trưa về có gì thì cho con ăn cái đó. 

Nhiều bữa trời mưa không đi rừng được, cả nhà nằm đốt lửa sưởi ấm rồi nhìn nhau nhịn đói. Con khát sữa càng đói hơn. Thời điểm đó dân bản còn được hỗ trợ gạo theo diện 30A của Chính phủ. Nhưng chỉ ăn mà không làm gì thì chẳng có chính sách nào trợ giúp nổi.

Không chấp nhận cảnh sống "chắp vá" như vậy, năm 2014 cán bộ đồn biên phòng Cha Lo quyết định về "rủ" dân bản làm ruộng lúa nước. Hai vợ chồng chị Đụt ban đầu không quen, nghe cán bộ rủ rê thì ậm ừ cho qua chuyện. 

Cán bộ ra khỏi nhà, lập tức hai vợ chồng lại xách gùi lên rừng hái lượm. Mãi đến cuối năm, khi thấy lúa chín vàng ươm cả cánh đồng ngay trước mặt nhà thì hai vợ chồng mới xin theo biên phòng tập làm ruộng lúa nước. 

"Sau vụ đó nhà tôi được chia mấy tạ lúa. Ăn suốt mấy tháng trời vẫn chưa hết. Từ đó hai vợ chồng chuyển hẳn qua làm ruộng lúa nước" - chị Đụt nói.

Cánh đồng "30A"

qb 1 5(read-only)

Cánh đồng “trong mơ” của biên phòng và người Mày, người Sách ở bản Ka Ai được chuẩn bị để vào vụ mới - Ảnh: QUỐC NAM

Thay vì hằng tháng ngửa tay nhận gạo hỗ trợ từ Chính phủ, từ khi biết làm lúa nước, người dân trong bản đã coi cánh đồng trước mặt chính là "cánh đồng 30A".

Theo thượng tá Bính, không chỉ gia đình chị Đụt mà hơn 80 hộ dân người Mày, người Sách ở bản Ka Ai này đều thoát đói theo cách như thế. Ban đầu chưa quen, chưa mặn mà lắm nên biên phòng phải xuống ruộng làm rồi chia đều cho dân trong bản có lúa để ăn.

Người nào làm nhiều được chia nhiều. Nhưng đến mùa vụ năm 2015, khi dân bản đã quen thì đồn biên phòng chia luôn ruộng cho từng hộ tự sản xuất. Cán bộ biên phòng chỉ hỗ trợ giống và kỹ thuật.

Quá trưa, các ngôi nhà sàn trong bản thơm nức mùi cơm mới. Thấy có khách đi với cán bộ vào bản, cụ bà Hồ Choánh chạy ra níu bằng được vào nhà mời ăn trưa. Nhà bà Choánh nhỏ chỉ đủ ba người ở. Nhưng ở góc nhà là mấy bao tải đựng đầy lúa mới gặt về xếp san sát.

Bà nói "bữa nay có sẵn lúa trồng được nên khỏi lo đói nữa đâu".

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên