14/04/2012 08:30 GMT+7

Canh chua cơm mẻ bông so đũa

TƯƠNG TÂM(Cần Thơ)
TƯƠNG TÂM(Cần Thơ)

AT - Người dân đồng bằng sông Cửu Long không ai là không biết cây và bông so đũa. Cây so đũa là một loại cây đa dụng dễ trồng, chỉ cần rải vài hạt xuống đất ẩm là cây sẽ mọc lên xanh tốt.

u1IxX95i.jpgPhóng to

Canh chua cơm mẻ bông so đũa

Cây ra hoa vào khoảng cuối tháng 10 và kéo dài đến khoảng tháng 4 âm lịch năm sau. Bông so đũa có màu trắng hình lưỡi liềm, không mùi (hiện nay có bông so đũa Thái màu đỏ). Trái so đũa suôn dài thẳng như chiếc đũa, màu xanh treo lơ lửng so le trên cành đong đưa trước gió. Có lẽ vì thế mà chúng có tên gọi là “so đũa” chăng? đối với các bà nội trợ miền Tây, bông so đũa được ưa chuộng trong việc chế biến các món ăn đa dạng và phong phú như: luộc (chấm nước cá kho hay thịt kho), nấu canh chua (cá lóc, tôm, cá linh...), nhúng lẩu... Riêng món ăn gây ấn tượng trong tôi phải kể là canh chua tép, bông so đũa cơm mẻ.

Mỗi khi mùa gió chướng trở về lành lạnh là mùa so đũa trổ bông. Sáng sớm, thế nào má tôi cũng sai tôi hái bông so đũa về nấu canh chua. Tay xách giỏ, vai vác “cù móc” băng ra bờ ruộng trong một loáng là được cả giỏ. Riêng ba tôi mang rổ xuống mé mương vườn, xúc một lúc cũng được non ký tép. Thế là buổi trưa hôm đó, chúng tôi được thưởng thức một nồi canh chua tép bông so đũa cơm mẻ ngon lành!

Bông so đũa đem về nhà, tôi giành lấy phần việc lặt cuống, nhụy và rửa sạch nhẹ tay, tránh bông bị giập, mất ngon. Tranh thủ, tôi húp chất mật ngọt, thơm, đầy hấp dẫn của bông so đũa! Khi ba mang tép về nhà, má dùng dao bén cắt đầu, đuôi tép rửa sạch để ra rổ, và chuẩn bị các nguyên liệu khác (ngò gai, ngò om xắt nhuyễn, ớt xắt lát, tỏi phi ) để ra chén.

Trước hết, má bắc nồi nước lên bếp nấu sôi, cho cơm mẻ vào vợt lược, nhúng vào nồi nước, bỏ xác. Má nêm nếm gia vị cho vừa khẩu vị và cho tép vào nấu chín. Kế đến, má cho bông so đũa vào tô và dùng vá múc nước dùng lẫn tép đổ lên. Tôi ngạc nhiên hỏi má sao không cho bông so đũa vào cùng một lượt với tép. Má cười nói: “Đó là bí quyết để bông so đũa giòn, ngon và không bị đắng đó con!”. Cuối cùng, má cho ngò om, ngò gai và một ít hành phi lên tô, cùng chén nước mắm nguyên chất trong đó có vài trái ớt, dọn lên bàn là xong.

Dùng đũa gắp con tép bạc đất cùng miếng bông so đũa chấm vào chén nước mắm đưa lên miệng chậm rãi nhai. Vị ngọt của tép, giòn giòn, đăng đắng của bông so đũa lẫn mùi thơm đặc trưng của bông lan tỏa vào miệng. Thêm một miếng nước canh có vị chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm vào chén cơm “lùa” một hơi, khiến chúng tôi phải “ngậm mà nghe”, và nhớ mãi một món ăn dân dã nơi quê nhà miền Tây thân yêu này!

AMa5z8pP.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TƯƠNG TÂM(Cần Thơ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên