03/04/2020 17:00 GMT+7

Cảnh báo bệnh nhân nguy kịch do không đến bệnh viện sớm vì sợ lây COVID-19

L.ANH
L.ANH

TTO - Đã có trường hợp tử vong do bệnh nhân trù trừ không đi bệnh viện vì sợ lây COVID-19.

Cảnh báo bệnh nhân nguy kịch do không đến bệnh viện sớm vì sợ lây COVID-19 - Ảnh 1.

Hướng dẫn sản phụ đeo tấm chắn tránh giọt bắn phòng COVID-19 tại Bệnh viện Phụ sản trung ương ngày 3-4. Có 200 tấm chắn như thế này được tặng cho sản phụ đang có mặt tại bệnh viện - Ảnh: L.ANH

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu - giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, ông và đồng nghiệp vừa gặp liên tiếp 3 ca bệnh có bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, kết quả khác nhau, nhưng lý do chung là người bệnh trù trừ đi bệnh viện, kể cả trong trường hợp nặng, do lo ngại bị lây COVID-19, từ đó dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Trường hợp thứ nhất trong số này là một bệnh nhân có tiền sử tim mạch, đái tháo đường, đã hết thuốc 1 tuần mà không đi tái khám. Khi bệnh nhân nhập viện đã ở trong tình trạng sốc tim nặng nên không qua khỏi sau vài tiếng cấp cứu tích cực.

Trường hợp thứ 2, theo bác sĩ Hiếu là đáng tiếc hơn, bệnh nhân đã xuất hiện tình trạng đau ngực từ hôm trước nhưng nhất định không đi khám, đến đêm cơn đau xuất hiện dữ dội hơn nhưng gia đình vẫn chần chừ đến sáng sớm mới đưa vào viện. Bệnh nhân vừa nằm lên cáng của phòng cấp cứu thì xuất hiện rung thất, 2 tiếng đồng hồ ép tim, sốc điện... nhưng trái tim bệnh nhân không đập lại dù ông mới 58 tuổi.

Trường hợp thứ 3 may mắn hơn, khi bệnh nhân đau ngực vài tiếng đồng hồ, gia đình bàn đi tính lại và quyết định đưa ông nhập viện. Đến bệnh viện, bệnh nhân rơi vào tình trạng phù phổi cấp huyết động, bệnh nhân được đặt nội khí quản và can thiệp ngay trong đêm, đến sáng sớm 26-3 khi bác sĩ Hiếu đến thăm, bệnh nhân đã bỏ được thuốc vận mạch và có dấu hiệu phục hồi tốt.

Theo bác sĩ Lân Hiếu, bệnh cảnh lâm sàng của 3 ca bệnh này có khác nhau, nhưng có lý do chung là do e ngại COVID-19.

"Tôi đã cảnh báo trên mạng xã hội nhưng chắc là sức lan tỏa chưa rộng, bằng chứng không chỉ là 3 ca điển hình vừa nêu và không chỉ gặp ở bệnh viện chúng tôi trong suốt tuần qua. Cơ quan bảo hiểm đã có phản ứng hợp lý là cấp thuốc cho bệnh nhân bệnh mãn tính trong 2 tháng, bệnh viện nào cũng mở rộng hệ thống tư vấn trực tuyến nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân "tặc lưỡi" đợi vụ dịch trôi qua" - ông Hiếu băn khoăn.

Tại nhiều bệnh viện khác cũng có tình trạng tương tự. Ông Trần Danh Cường, giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, cho biết số bệnh nhân đến khám giảm còn 1/3 so với bình thường. Ngày 2-4 ông và đồng nghiệp vừa cấp cứu một ca giảm tiểu cầu vô căn trong thai nghén (giảm chỉ còn 1/10 so với bình thường), nếu không cấp cứu kịp thời sản phụ có thể chảy máu rất nhiều và nguy hiểm tính mạng.

Tại Bệnh viện Nhi trung ương, ở một số khoa số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị chỉ bằng 20% so với trước, nhiều ca bệnh vì e ngại nên gia đình không đưa trẻ đi khám và điều trị.

Bác sĩ Cường cho biết dù trong mùa dịch nhưng bệnh viện đã chuẩn bị sẵn các tình huống để sàng lọc và tránh lây chéo, có khu vực dành riêng nếu có sản phụ thuộc diện cách ly, toàn bộ người vào bệnh viện phải khai báo sức khỏe, qua đó sàng lọc và chuyển khám riêng nếu có yếu tố nguy cơ...

"Các sản phụ vẫn nên đi khám thai bình thường để tránh các nguy cơ nguy hiểm cho mẹ và con. Bệnh viện chúng tôi có khoa dinh dưỡng riêng, không sử dụng dịch vụ của công ty nào, dành riêng một cổng để xe chở hàng hóa, thuốc, thực phẩm và một cổng cho sản phụ và gia đình" - ông Cường nói.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên