02/08/2022 09:41 GMT+7

Canh bạc hợp lý của Barca

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Từ chỗ bị xem là đã hết thời, Barca trở thành một hiện tượng của thị trường chuyển nhượng hè này khi liên tiếp mang về những tân binh chất lượng.

Canh bạc hợp lý của Barca - Ảnh 1.

Barca phải đánh đổi rất nhiều để sở hữu những siêu sao như Lewandowski (trái) cho mùa giải này - Ảnh: AFP

Với việc hoàn tất thương vụ mua Jules Kounde từ CLB Sevilla, Barca đã chi ra đến hơn 150 triệu euro để mang về 5 tân binh trong vòng một tháng qua.

Tiền ở đâu ra?

Trong 5 bản hợp đồng mới của Barca, Franck Kessie và Andreas Christensen đến với dạng chuyển nhượng tự do. Ký hợp đồng với những cầu thủ này có thể tiết kiệm về mặt phí chuyển nhượng, nhưng bù lại CLB cũng phải tốn không ít cho phí lót tay cũng như mức lương của họ. Theo Capoloqy, tổng mức lương trước thuế của 5 tân binh này lên đến 67,7 triệu euro.

Công sức ban lãnh đạo Barca thuyết phục nhiều trụ cột của đội giảm lương trong một năm qua xem như chỉ đủ để gánh thêm lương của 5 siêu sao vừa cập bến. Thêm vào đó, họ còn mất hơn 150 triệu euro phí chuyển nhượng và đến lúc này chỉ mới thu lại vỏn vẹn 23 triệu euro từ chiều bán cầu thủ. Một tuần trước, HLV Julian Nagelsmann của Bayern Munich nói rằng việc Barca có thể liên tục mua ngôi sao trong bối cảnh tài chính khó khăn như vậy là chuyện rất khó hiểu.

Chủ tịch Joan Laporta có lý do để thực hiện mọi nước đi táo bạo của mình. Barca vừa bán 25% bản quyền truyền hình La Liga trong 25 năm tới cho Quỹ đầu tư Sixth Street Partners (Mỹ) để thu về hơn 520 triệu euro. Đây là một quyết định đi ngược lại với lựa chọn mà ông và chủ tịch Florentino Perez của Real Madrid từng bàn bạc.

Một năm trước, chủ tịch La Liga và liên minh các CLB đồng ý bán 10% bản quyền truyền hình giải đấu trong vòng 50 năm cho đối tác CVC để thu về 2,7 tỉ euro. Nếu đồng ý, Barca cùng Real mỗi đội sẽ nhận 260 triệu euro cho thương vụ này. Nhưng rồi Perez đã thuyết phục được Laporta rằng thương vụ này không khác gì một khoản vay dài hạn, khiến 2 CLB lớn nhất Tây Ban Nha chịu lỗ về lâu về dài. Laporta sau đó cũng đồng ý với Perez rằng 10% bản quyền trong 50 năm của Barca phải lớn hơn con số 260 triệu euro.

Mùa giải quyết định

Một năm sau, Laporta thay đổi quyết định để ký một hợp đồng tương tự. Đây là bản hợp đồng tốt hơn vì chỉ bán đến 25% bản quyền và chỉ kéo dài 25 năm thay vì 50 năm như phi vụ của La Liga.

"Đây sẽ là mùa giải quyết định", chủ tịch Laporta phát biểu đanh thép trong lần trả lời phỏng vấn mới đây. Người đứng đầu Barca hiểu rõ tình thế của mình. Việc bị loại ngay từ vòng bảng Champions League mùa giải rồi khiến Barca chịu thiệt hại hàng chục triệu euro. Nếu không nâng cấp đội hình, họ có thể hoàn toàn không theo kịp Real Madrid (và cả Atletico).

Khoảng 20 năm trước, Barca cũng rơi vào tình thế tương tự khi 4 mùa giải liên tiếp không giành được một danh hiệu lớn nào. Laporta đắc cử (nhiệm kỳ 1) và mang về Ronaldinho với mức phí vào hàng "bom tấn" thời điểm đó, rồi kế đến là một loạt siêu sao như Samuel Eto’o, Deco, Giuly... Kết quả là kỷ nguyên xán lạn của Barca được mở ra.

Sau gần 20 năm, Laporta rơi vào tình cảnh phải đánh một canh bạc tương tự, thậm chí còn liều lĩnh hơn khi Barca giờ đây nợ nần ngập đầu. Để có tiền, Barca phải bán tương lai. Nhưng nếu thất bại trong mùa giải tới, họ sẽ chẳng còn cả tương lai.

Phải bán bớt ngôi sao

"Cơn bão" mua sắm của Barca chưa dừng lại, khi ban lãnh đạo CLB đang thương thảo với bộ đôi hậu vệ Azpilicueta - Alonso của Chelsea. Cả hai hậu vệ người Tây Ban Nha này đều có đẳng cấp cao và chỉ còn một năm hợp đồng với Chelsea.

Dù vậy, sau khi đã thâm hụt hơn 100 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng, đồng thời gánh thêm khoản lương khổng lồ từ nhóm siêu sao mới đến, Barca chắc chắn phải bán bớt ngôi sao để cân bằng sổ sách của mình, qua đó mới được phép đăng ký các tân binh. Việc bán cầu thủ với Barca vì vậy cũng quan trọng như chuyện bổ sung lực lượng.

Barca hy vọng sẽ thu được 100 triệu euro phí chuyển nhượng đồng thời cũng tinh giảm bớt 20 triệu euro trong quỹ lương khi bán Frenkie De Jong và Depay.

Vì sao thương hiệu Barca vẫn Vì sao thương hiệu Barca vẫn 'hot'?

TTO - Sau Lewandowski và Raphinha, Bernardo Silva mới đây cũng đã bày tỏ ý định muốn chuyển đến Barca. Vì sao Barca vẫn là một thương hiệu cuốn hút đến thế dù họ vẫn đang chìm trong các khoản nợ?

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Barca Lewandowski