02/08/2014 07:45 GMT+7

Cần "thẻ đỏ" cho người lừa du khách

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Những khổ chủ của các công ty “du lịch lừa” như Anh Kiệt Travel mới đây hay Travel Life, New Tour... trước kia chia sẻ lý do họ chọn các công ty này vì “giá tour rẻ, có chương trình khá tỉ mỉ, đọc thấy cũng đàng hoàng”.

Du khách chới với vì “du lịch lừa”| Tràn lan công ty du lịch “đểu”Vụ 701 du khách Việt bị “đày” ở Thái Lan: Travel Life phạm ít nhất sáu lỗi

Tuy nhiên, trả tiền mua tour lại bị lừa, không đi được, bị bỏ rơi nơi xứ người, không đảm bảo chất lượng như đã cam kết, vạ vật nơi này nơi kia như ăn xin... thì quả là không chịu được.

Hoạt động lữ hành là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, lữ hành quốc tế (kinh doanh outbound: đưa khách ra nước ngoài) điều kiện càng chặt chẽ hơn để đảm bảo quyền lợi, chất lượng phục vụ du khách Việt và gìn giữ hình ảnh, văn hóa người Việt khi ở nước ngoài.

Tổng giám đốc một công ty lữ hành lớn tại TP.HCM cho biết theo quy định của một số nước, cấp phép kinh doanh cho công ty du lịch Inbound (đón khách nước ngoài vào nước sở tại) là dễ nhất vì có nhiều công ty đón khách quốc tế vào càng thu nhiều ngoại tệ. Kế đến là giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Khó nhất là giấy phép lữ hành quốc tế outbound. Công ty xin phép kinh doanh lữ hành quốc tế phải đạt chuẩn số năm kinh doanh ở hai lĩnh vực kia, đạt số lượng khách nhất định, bộ máy làm việc phải có nhiều kinh nghiệm và doanh thu, tiềm lực tài chính phải đạt một mức độ nào đó mới đủ điều kiện xin cấp phép. Ở VN, điều kiện cấp phép cho công ty lữ hành quốc tế dễ hơn nhiều: giám đốc có ba năm kinh nghiệm, có ba hướng dẫn viên được cấp thẻ hành nghề, có trụ sở, bộ máy làm việc ổn định và 500 triệu đồng thế chấp (trước là 250 triệu đồng).

Những năm gần đây, lượng khách Việt du lịch nước ngoài hằng năm đã tăng lên nhanh và lượng công ty xin phép kinh doanh lữ hành quốc tế cũng vẫn chỉ cần đáp ứng những nhu cầu đó để được cấp phép.

Tại sao nước ngoài yêu cầu có một doanh thu và nguồn tài chính nào đó mới được đưa khách ra nước ngoài? Theo vị tổng giám đốc nọ, du khách đi nước ngoài cũng được mua bảo hiểm du lịch nhưng bảo hiểm sẽ không chi cho các chi phí liên quan khi xảy ra trường hợp như 701 du khách Việt từng bị Công ty Travel Life bỏ rơi tại Bangkok. Số tiền 500 triệu đồng thế chấp của công ty lữ hành không đủ để giải quyết các sự cố xảy ra ở nước ngoài nhằm đưa khách Việt về nước an toàn.

Nhiều công ty trong nước chủ yếu chọn kinh doanh lữ hành quốc tế vì dễ có lợi nhuận mà đầu tư chẳng bao nhiêu. Giám đốc Công ty Anh Kiệt cho biết mỗi khách mà website yesgo.vn nhận, chuyển cho công ty này sẽ được nhận hoa hồng 1 triệu đồng/khách mua tour Thái Lan, tour Campuchia là 500.000 đồng, tour đi Singapore là 2,6 triệu đồng... Chẳng trách có công ty không có năng lực nhưng vẫn cố chạy cho bằng được giấy phép lữ hành quốc tế. Một vị nguyên lãnh đạo Tổng cục Du lịch kể từng yêu cầu kỷ luật lãnh đạo vụ và nhân viên thẩm định hồ sơ các công ty xin cấp phép lữ hành quốc tế vì khi trình lãnh đạo tổng cục ký phê duyệt, có những công ty nộp thuế vỏn vẹn 2,7 triệu đồng/năm, “không bằng một bà bán bún riêu ở chợ Đồng Xuân mà cũng đòi làm công ty lữ hành quốc tế”.

Cơ quan quản lý nhà nước khi đã nắm được công ty lữ hành sai phạm, ngoài xử phạt thật nặng còn phải cấm các cá nhân của công ty này trong một số năm nhất định không được đảm nhiệm các công việc liên quan đến du lịch, đưa tên vào danh sách đen theo dõi chặt để các doanh nghiệp khác hiểu rằng làm bậy sẽ khó có cửa để quay lại. Có như vậy mới góp phần giúp du khách tránh được công ty lừa.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên