23/11/2023 09:27 GMT+7

Cần giảm thủ tục phiền hà khi chuyển viện theo bảo hiểm y tế

Bên cạnh việc cải thiện thủ tục chuyển viện theo bảo hiểm y tế (BHYT) lên tuyến trên hoặc về tuyến dưới còn nhiều phức tạp và mất thời gian, để người bệnh có thêm sự yên tâm, thoải mái cần có sự chăm chút tốt hơn cho y tế cấp cơ sở.

Bệnh nhân V.V.T. (Đồng Nai) bị tai nạn được chuyển viện từ một bệnh viện ở Hố Nai lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cơ sở 1 cấp cứu vào sáng 22-11 - Ảnh: T.T.D.

Bệnh nhân V.V.T. (Đồng Nai) bị tai nạn được chuyển viện từ một bệnh viện ở Hố Nai lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cơ sở 1 cấp cứu vào sáng 22-11 - Ảnh: T.T.D.

Đây là ý kiến của nhiều phía khi bàn về những vất vả của người bệnh liên quan đến việc chuyển viện.

Thủ tục chuyển viện là cần

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) - cho biết hiện nay người bệnh muốn chuyển tuyến bắt buộc phải có giấy chuyển viện của nơi đăng ký BHYT. Giấy chuyển tuyến này sẽ cung cấp các thông tin như tình trạng bệnh nhân, kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, thông tin thuốc, phương pháp thủ thuật, kỹ thuật đã sử dụng cho người bệnh.

Các thông tin này rất quan trọng khi tiếp nhận ban đầu tại tuyến trên. Khi người bệnh được chuyển về tuyến dưới thì giấy chuyển viện cũng là căn cứ để có thể không cần thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe, giúp tiết kiệm chi phí cho người bệnh và xã hội.

Ngoài ra, việc chuyển tuyến cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người bệnh và khả năng khám chữa bệnh từng tuyến, tránh quá tải dồn lên hết tuyến trên. Việc này còn giúp tránh tạo khoảng cách về chuyên môn kỹ thuật giữa tuyến trên và tuyến dưới.

Đồng quan điểm, bác sĩ Cao Tấn Phước - giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cũng cho rằng giấy chuyển viện là một trong những yêu cầu then chốt để tránh "vỡ trận" cho các bệnh viện tuyến trên. Cùng với đó, nếu tuyến dưới không có người bệnh thì không thể nâng cao được năng lực chuyên môn, phát triển kỹ thuật.

"Nhiều nước trên thế giới vẫn áp dụng hình thức chuyển viện, bác sĩ gia đình quản lý khu phố nếu muốn chuyển lên tuyến trên phải có ý kiến của bác sĩ gia đình", bác sĩ Phước thông tin.

Bệnh nhân chuyển từ tỉnh Sóc Trăng lên điều trị ở Bệnh viện Quân y 175 vào chiều 22-11 Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Bệnh nhân chuyển từ tỉnh Sóc Trăng lên điều trị ở Bệnh viện Quân y 175 vào chiều 22-11 Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhưng cũng khá máy móc

Mới đây, tại hội nghị do Bộ Y tế tổ chức, đại diện Bệnh viện Trung ương Huế kể về trường hợp có bệnh nhân ở tuyến dưới được chẩn đoán mắc polyp dạ dày, xin chuyển lên tuyến trên để cắt polyp.

Tuy nhiên, khi thực hiện thủ thuật xong thì bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Lúc này, BHXH lại yêu cầu hướng dẫn bệnh nhân trở về nơi khám chữa bệnh ban đầu để xin giấy chuyển viện điều trị ung thư dạ dày để được hưởng BHYT đúng tuyến. Điều này gây phiền toái rất lớn cho cả người bệnh và bệnh viện.

Thậm chí, khi người bệnh về lại cơ sở y tế tuyến dưới, tuyến dưới giữ lại làm các xét nghiệm, nằm viện một vài ngày rồi mới chuyển lên tuyến trên gây mất thời gian cho bệnh nhân và tốn kém thêm các chi phí xét nghiệm, điều trị không cần thiết.

Theo ông Trần Văn Khoa - cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), việc quy định về chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT đã nêu rất rõ trong thông tư 14. Với câu chuyện mà Bệnh viện Trung ương Huế nêu thì cách xử lý khá máy móc và không có trong quy định.

"Các bệnh viện cần nắm rõ quy định về chuyển tuyến hưởng BHYT để thực hiện. Đồng thời, khi có vướng mắc cần thông tin với BHXH để được hướng dẫn, triển khai đúng quy định", ông Khoa nói.

Anh Nguyễn Văn Toàn, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết người nhà anh có BHYT đi khám ở một bệnh viện tại Cần Thơ (nơi đăng ký khám BHYT ban đầu) nhưng sau đó bác sĩ kêu phải nhập viện để phẫu thuật can thiệp mạch vành.

Gia đình muốn xin lên bệnh viện ở TP.HCM để phẫu thuật nhưng xin giấy chuyển khá vất vả khi bác sĩ giải thích ở Cần Thơ cũng phẫu thuật được nên không được chuyển dù sau đó cũng xin được giấy chuyển viện.

"Tuy nhiên sau khi phẫu thuật về phải đi tái khám, bệnh viện tuyến trên yêu cầu cũng phải có giấy chuyển viện, còn bệnh viện ở Cần Thơ nói phải nhập viện ở Cần Thơ (một lần nữa - PV) mới cho giấy chuyển viện được...", anh Toàn nói.

Hộ lý Châu Áp Dullyng thăm khám cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở Đắk Nông được chuyển viện cấp cứu lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cơ sở 1 vào sáng 22-11 - Ảnh: T.T.D.

Hộ lý Châu Áp Dullyng thăm khám cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở Đắk Nông được chuyển viện cấp cứu lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cơ sở 1 vào sáng 22-11 - Ảnh: T.T.D.

Cần liên thông dữ liệu tốt hơn

Khẳng định giấy chuyển viện là không thể bỏ được, nhưng theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, hiện chúng ta đều đang chuyển đổi số, mã hóa dữ liệu, hồ sơ của bệnh nhân. Do đó, có thể thông qua hình thức hồ sơ điện tử để đơn giản thủ tục cho người bệnh và có thể liên thông được giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

"Tuy nhiên, khi triển khai hình thức này cần lưu ý phải có hệ thống công nghệ thông tin đồng đều giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải đảm bảo tính bảo mật thông tin cho người bệnh", bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng cho rằng để thủ tục chuyển tuyến được nhanh gọn, tránh gây phiền hà cho người dân, các cơ sở y tế cần đảm bảo thực hiện đúng quy định, áp dụng công nghệ thông tin để giảm tải thủ tục.

Bác sĩ Cao Tấn Phước cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải đơn giản thủ tục chuyển viện để tránh gây phiền toái, tốn thời gian và công sức của người bệnh. Vì vậy, việc phát triển hệ thống công nghệ thông tin chung, liên thông, đồng bộ dữ liệu bệnh án giữa các cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước, các tỉnh thành là rất cần thiết.

62 loại bệnh được tự do chuyển tuyến trong 12 tháng

Ông Lê Văn Phúc - trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - cho hay thông tư 40 đã nêu rõ 62 loại bệnh, nhóm bệnh và trường hợp sử dụng giấy chuyển tuyến trong vòng 12 tháng.

Người dân khi mắc các bệnh lý này có thể sử dụng giấy chuyển tuyến có thời hạn dài để khám, chữa bệnh mà không cần phải xin giấy chuyển tuyến mỗi lần khám, chữa bệnh. Quy định đã tạo điều kiện cho người dân được khám, chữa bệnh thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, khám chữa bệnh thông tuyến cũng đã từng bước được triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh BHYT. Trước năm 2014, người bệnh chuyển tuyến phải thực hiện theo tuần tự từ dưới lên trên.

Đến năm 2016, các bệnh viện tuyến huyện đã được thông tuyến và năm 2021 thông tuyến BHYT nội trú bệnh viện tuyến tỉnh toàn quốc. Có nghĩa là người có thẻ BHYT điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.

Sẽ dần số hóa giấy chuyển viện

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa có báo cáo gửi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Bộ Y tế cho biết nhận được yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, nhiều người dân có ý kiến việc xin giấy chuyển viện, chuyển tuyến là thủ tục hành chính nhiêu khê và phiền phức, ảnh hưởng đến cơ hội khám chữa bệnh.

Tại phiên khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội khóa 5 cũng có những ý kiến đề nghị xem xét, hủy bỏ giấy chuyển viện, chuyển tuyến.

Ngày 10-11, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp với các vụ, cục liên quan. Kết quả: 100% các đơn vị tham gia cuộc họp đều thống nhất cần giữ giấy chuyển tuyến, chuyển viện (với những lý do đã nêu trong bài viết này - PV).

Về chi phí y tế, giấy chuyển tuyến liên quan đến quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT, không có sẽ khó quản lý chi phí. Tuy nhiên trước những bất cập mà loại giấy này đang gây ra, Bộ Y tế cho rằng sẽ dần chuyển đổi số giấy chuyển tuyến, chuyển viện theo lộ trình trên cơ sở hạ tầng của Bộ Y tế và ngành bảo hiểm.

Trước mắt để tạo thuận lợi hơn cho người bệnh, Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo xuyên suốt toàn ngành, cấm hành vi gây khó khăn cho người dân khi cần chuyển viện, chuyển tuyến. Chuyển đổi dần sang giấy chuyển tuyến điện tử thay cho bản giấy.

Bộ Y tế cũng sẽ sớm phối hợp với ngành bảo hiểm sửa đổi, thống nhất một số thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho người bệnh như thủ tục dấu vuông trong ngày nghỉ, ngày lễ khi chuyển viện, chuyển tuyến.

Một trong các thủ tục cần thiết để bệnh nhân được chuyển viện tiếp tục điều trị - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Một trong các thủ tục cần thiết để bệnh nhân được chuyển viện tiếp tục điều trị - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Bệnh viện tuyến dưới làm tốt để "giữ chân" người bệnh

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là một trong các bệnh viện tuyến tỉnh có tỉ lệ chuyển viện thấp tại khu vực phía Bắc. Theo đó, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 1.000 đến 1.200 lượt khám chữa bệnh. Trong đó, khoảng 1-2% bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên.

Để "giữ chân" được bệnh nhân thăm khám và điều trị, bệnh viện đã thường xuyên cập nhật những kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến. Theo đó, bệnh viện đã thực hiện được 100% các dịch vụ phân tuyến hạng I, khoảng 50% các kỹ thuật thuộc hạng đặc biệt. Nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu, trang thiết bị mới hiện đại như phẫu thuật bằng robot phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Một lãnh đạo bệnh viện tại TP.HCM cho rằng về lâu dài các bác sĩ tuyến dưới phải nâng cao trình độ chuyên môn nhằm tạo tâm lý tin tưởng cho người dân. Chia sẻ thêm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương) cho rằng cần phải tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa cho người bệnh từ tuyến cơ sở như đảm bảo nhân lực, thuốc, vật tư y tế, chuyển giao kỹ thuật các cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới, giảm tỉ lệ chuyển tuyến dưới lên tuyến trên.

Đã "thấu hiểu" người bệnh nhiều vấn đề

Theo một bác sĩ công tác tại bệnh viện ở Hà Nội, trước đây do quy định về tổng mức khám chữa bệnh BHYT nên có tình trạng bệnh viện tuyến dưới dù không đủ năng lực chuyên môn vẫn muốn giữ chân bệnh nhân.

Theo quy định về chi trả khám chữa bệnh BHYT, nếu bệnh viện tuyến dưới không điều trị được mà chuyển lên tuyến trung ương thì chi phí khám chữa bệnh BHYT sẽ do quỹ BHYT của bệnh viện tuyến dưới chi trả. Trong khi đó, bệnh viện tuyến cuối chi phí điều trị sẽ cao hơn. Điều này dẫn đến nếu chuyển viện nhiều sẽ vượt tổng mức, gây khó khăn cho tuyến dưới.

"Theo quy định mới của nghị định 75, bỏ quy định về tổng mức chi. Như vậy, các cơ sở y tế tuyến dưới cũng bớt đi một gánh nặng về tài chính. Từ đó, việc chuyển bệnh nhân phần nào được giải quyết tốt hơn", bác sĩ này nhận định.

Về thủ tục chuyển bệnh BHYT, bác sĩ Võ Hồng Sở - giám đốc Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ - cho hay hiện thủ tục cũng đã đơn giản hơn nhiều so với trước. Những bệnh nhân cấp cứu nhập viện khi vượt quá khả năng thì có thể chuyển lên bất cứ bệnh viện nào. Còn bệnh nhân khám thì có quy định đơn vị đăng ký khám chữa bệnh được chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh thành, từ đó mới chuyển lên bệnh viện tuyến trung ương.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ thì cho biết một số trường hợp bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện, dù bệnh viện có thể điều trị được nhưng khi người nhà bệnh nhân có nhu cầu chuyển tuyến lên TP.HCM, đi các bệnh viện khác do hoàn cảnh thì bệnh viện vẫn làm thủ tục chuyển BHYT cho người bệnh để được thanh toán BHYT với phương tiện tự túc hoặc xe bệnh viện điều động.

Tuy nhiên, các trường hợp khám ngoại trú khi muốn lên tuyến cao hơn nữa thì cần phải trở về nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu để xin giấy chuyển viện.

Không đúng tuyến vẫn được xem xét

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, phó giám đốc BHXH TP.HCM, cho hay hiện nay theo điều 22 của Luật BHYT, quỹ BHYT đang chi trả đầy đủ theo mức quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến (không có giấy chuyển tuyến).

Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1-1-2021 trong phạm vi cả nước. Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 1-1-2016. Như vậy, bệnh nhân không cần giấy chuyển tuyến mà được hưởng quyền lợi như đi khám chữa bệnh đúng tuyến.

Thực tế tại TP.HCM hầu hết các bệnh viện quận, huyện được phân hạng 1, hạng 2 thực hiện được rất nhiều kỹ thuật tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh của TP.HCM đều là các bệnh viện lớn. Các bệnh viện này thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu, thu hút số lượt bệnh nhân các nơi về khám chữa bệnh. Người có thẻ BHYT được giải quyết đầy đủ quyền lợi khi xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ.

Tuy nhiên, nếu bỏ giấy chuyển tuyến đồng nghĩa với việc bệnh nhân tự chọn nơi khám chữa bệnh thì các bệnh viện tuyến cuối sẽ quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và sức khỏe của nhân viên y tế.

Trong khi đó, các tuyến y tế cơ sở sẽ ít được người bệnh lựa chọn. Việc này đi ngược lại với chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Khám bệnh bảo hiểm y tế: Mệt mỏi, phiền toái khi xin giấy chuyển việnKhám bệnh bảo hiểm y tế: Mệt mỏi, phiền toái khi xin giấy chuyển viện

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc đi khám bệnh bảo hiểm y tế, bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là "rất phiền toái, rất mất thời gian, rất mệt mỏi".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên