11/03/2020 20:56 GMT+7

Cần gần 6.700 tỉ đồng để xóa hàng ngàn lối đi tự mở qua đường sắt

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo đề án đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt vừa được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2025 cần hơn 7.383 tỉ đồng để thực hiện. Trong đó có hơn 6.669 tỉ đồng xử lý lối đi tự mở.

Cần gần 6.700 tỉ đồng để xóa hàng ngàn lối đi tự mở qua đường sắt - Ảnh 1.

Trên hệ thống đường sắt quốc gia hiện có hơn 4.000 lối đi do người dân tự mở nên có gần 2 điểm giao cắt trên 1 km đường sắt - Ảnh: NGỌC HIỂN

Một trong những mục của đề án là giảm tai nạn giao thông đường sắt từ 5% đến 10% hằng năm, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng.

Để thực hiện mục tiêu đó, đề án đưa ra các biện pháp tăng cường đảm bảo giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở, hoàn thành trong năm 2020 như: vận động các đoàn thể chính trị tại địa phương tham gia cảnh giới, chốt gác tại các lối đi tự mở có nguy cơ tai nạn giao thông; lắp đặt thiết bị đèn cảnh báo; cắm biển hạn chế xe cộ, xây gờ giảm tốc tại các lối đi tự mở; bố trí lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm tại các lối đi tự mở…

Thực hiện ngay việc rào các lối đi tự mở, thu hẹp các lối đi tự mở có bề rộng lớn hơn 3m và mật độ giao thông thấp, không phải đường trục giao thông chính của địa phương.

Về giải pháp lâu dài là đến hết năm 2020 tập trung xóa bỏ lối đi tự mở ở khu vực đông dân cư, các vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt. Giai đoạn này xây dựng 29,7km đường gom, hàng rào ngăn cách, xây mới 8 đường ngang.

Giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2025 sẽ xây dựng gần 646km đường gom, hàng rào ngăn cách; xây mới 297 đường ngang, 149 hầm chui, 3 cầu vượt. Đến hết năm 2025 xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt, hoàn thành việc xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia. 

Kinh phí thực hiện các biện pháp trên được khái toán là hơn 7.383 tỉ đồng. Trong đó có hơn 6.669 tỉ đồng xử lý lối đi tự mở. Phần lớn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Theo Cục Đường sắt Việt Nam, tính đến cuối năm 2019, tổng số điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt cả nước là 5.557 vị trí. Trung bình có 1,72 giao cắt trên 1km đường sắt. Riêng 9 tỉnh miền Trung từ Nghệ An đến Bình Định có 1.364 vị trí giao cắt.

Tuy nhiên, trong số giao cắt trên chỉ có 509 đường ngang hợp pháp; 203 đường ngang có người gác; 159 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động; 12 đường ngang cảnh báo tự động; 135 đường ngang biển báo. Còn lại là lối đi do người dân tự mở, không có người gác hay cảnh báo.

Đường sắt xin thôi bao cấp, muốn thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng Đường sắt xin thôi bao cấp, muốn thu hút tư nhân đầu tư hạ tầng

TTO - Ngành đường sắt có thể thoát khỏi 'bầu sữa' ngân sách, tiến tới tự chủ. Nhưng phải xóa bỏ bao cấp, huy động vốn tư nhân vào hệ thống hàng trăm nhà ga, kho bãi…

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên