25/05/2018 16:46 GMT+7

Căn cứ nào xác định đường ngập, "tụ nước"?

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO - Hiện nhiều cơ quan liên quan đến chống ngập vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tiêu chí, quy định xác định đường ngập, "tụ nước"

Căn cứ nào xác định đường ngập, tụ nước? - Ảnh 1.

Tình trạng ngập nước trên đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân ngày 19-5 nhưng được xác định chỉ là tụ nước - Ảnh: HỮU KHOA

Cơn mưa ngày 19-5 gây ngập trên diện rộng tại TP.HCM nhưng cơ quan chống ngập cho rằng chỉ ngập 10 điểm, 22 điểm còn lại chỉ là "tụ nước". 

Cơ sở để xác định tình trạng ngập, "tụ nước" như trên được ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước diện dẫn theo văn bản số 338/BXD - KTQH của Bộ Xây dựng.

Theo đó, trường hợp (không ngập) là mặt đường bị tụ nước, độ sâu thấp hơn 10cm. Ngập nhẹ là mặt đường tụ nước ở độ sâu từ 10 - 15cm và không tiêu thoát hết trong thời gian 30 phút sau khi mưa dứt, diện tích ngập tối đa 2.000m2 (nếu có một trong ba yếu tố lớn hơn được xem là ngập vừa).  Ngập vừa: mặt đường tụ nước ở độ sâu 15-30cm không thoát hết trong thời gian sau 30 phút đến 120 phút sau khi mưa dứt với diện tích ngập từ 2.000 đến 4.000m2.

Trường hợp ngập nặng là mặt đường tụ nước ở độ sâu từ 30cm trở lên và không thoát hết sau 120 phút trở đi sau khi dứt mưa với diện tích ngập trên 4.000m2 (nếu một trong ba yếu tổ nhỏ hơn thì được xem là điểm ngập vừa).

Chưa tìm được văn bản xác định đường tụ nước

Sau khi nhiều chuyên gia, người dân phản ứng trước cách xác định ngập như trên, Tuổi Trẻ đã liên hệ Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước để tìm hiểu về văn bản quy định ngập như trên của Bộ Xây dựng thì đại diện đơn vị này cho biết: "Trung tâm không lưu giữ văn bản trên" và đề nghị liên hệ với Công ty TNHH một thành viên thoát nước đô thị (Công ty thoát nước đô thị) TP.

Liên hệ với Công ty thoát nước đô thị TP, đại diện đơn vị này cũng cho biết là không tìm thấy văn bản 338 quy định về điểm ngập, tụ nước của Bộ xây dựng. Tuy nhiên đơn vị này "đề cương kiểm soát các điểm ngập ở TP.HCM do Công ty thoát nước đô thị trước đây lập và được Sở Giao thông công chính thông qua ngày 24-6-2003". 

Trong đề cương này nêu rõ các trường hợp: tụ nước (không ngập), ngập vừa, ngập nặng đúng như công bố của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước.

Một điều lạ là căn cứ pháp lý để Công ty thoát nước đô thị trước đây xây dựng đề cương dựa vào quyết định 17/2000/QĐ - BXD (của Bộ Xây dựng ngày 2-8-2000) về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Qua tham khảo quy định này cũng không đề cập việc xác định thế nào là ngập nặng, ngập vừa hoặc không ngập, tụ nước.

TS Hồ Long Phi - nguyên giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu cho biết bản thân ông đã trích lục các văn bản của Bộ Xây dựng từ năm 2000 đến nay nhưng không phát hiện văn bản 338. Ông Phi cũng cho rằng cách xác định ngập nước, tụ nước như trên là không hợp lý, phản khoa học. 

"Với cách tính như vậy có khi nước ngập cả ngày nhưng lại được thống kê đường chỉ tụ nước. Cách xác định ngập chỉ cần theo cảm quan, nhìn thấy được và mức độ ảnh hưởng của nó chứ không cần theo các quy chuẩn như trên", ông Phi đề nghị.

Hiện phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ với Bộ Xây dựng trích lục văn bản trên nhưng vẫn chưa tìm được.

Theo các chuyên gia dù có hay không văn bản như trên thì cần có thay đổi các tiêu chí xác định ngập nước bởi theo TS Tô Văn Trường - chuyên gia về tài nguyên nước và môi trường tiêu chí đánh giá ngập, "tụ nước" mà cơ quan chức năng TP HCM diện dẫn hiện nay là quá dễ dãi đối với công tác chống ngập, không thực tế và không thuyết phục được người dân.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên