17/01/2022 09:50 GMT+7

Cận cảnh núi lửa ở Tonga mạnh bằng cả ngàn quả bom nguyên tử

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Giáo sư Shane Cronin, nhà nghiên cứu về núi lửa tại Đại học Auckland, mô tả cảnh tượng trên mặt đất trông như ngày tận thế sau vụ phun trào của núi lửa ngầm ở Tonga vào cuối tuần trước.

Cận cảnh núi lửa ở Tonga mạnh bằng cả ngàn quả bom nguyên tử - Ảnh 1.

Vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai đã gây ra sóng thần - Ảnh: PEDESTRIAN TV

Vào tối 15-1, người dân đảo quốc Tonga ở nam Thái Bình Dương đã chứng kiến vụ núi lửa phun trào khủng khiếp chỉ vài mét trên mực nước biển ở giữa các đảo nhỏ Hunga Tonga và Hunga Ha'apai, cách thủ đô Nuku'alofa trên đảo chính Tongatapu khoảng 50km về phía bắc.

Cả thế giới đã theo dõi vụ phun trào này theo thời gian thực từ thế hệ vệ tinh thời tiết độ phân giải cao mới và đã kinh hoàng khi chứng kiến quy mô của nó.

Vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai dưới nước đã bắn cột tro bụi và hơi nước cao đến 20km lên bầu trời.

Theo báo The Sydney Morning Herald, lúc đó vụ phun trào của núi lửa đã giải phóng năng lượng tương đương 1.000 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến 2 vào năm 1945.

Cận cảnh núi lửa ở Tonga mạnh bằng cả ngàn quả bom nguyên tử - Ảnh 2.

Núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai trong ảnh chụp vệ tinh ngày 7-1 (trên, trái) và 15-1 (trên, phải) và vị trí của Tonga (ảnh dưới) - Đồ họa: AL JAZEERA

Tại đảo quốc Fiji, cách Tonga khoảng 800km, vụ phun trào dữ dội đến mức có thể nghe thấy âm thanh từ nó. Thậm chí tại Auckland (New Zealand), cách Tonga khoảng 2.000km, người dân cũng nghe được tiếng nổ.

Với phần lớn ngọn núi lửa nằm dưới nước, vụ phun trào này đã tạo ra một trận sóng thần đáng kể tàn phá Tonga. Sóng thần cũng đi xuyên Thái Bình Dương từ Úc đến bờ tây nước Mỹ.

Giáo sư Shane Cronin, nhà nghiên cứu về núi lửa tại Đại học Auckland, cho biết cảnh tượng trên mặt đất trông như ngày tận thế sau vụ phun trào: những đám mây tro bụi che khuất mặt trời và sấm sét gần núi lửa.

"Mọi người có thể thấy những đám mây ở phía xa, có tiếng động lớn vang lên và sau đó là những đợt sóng ập tới từ trận sóng thần đầu tiên. Tiếp theo, những đám mây tro bụi xuất hiện khắp Tongatapu. Đám mây tro bụi, với nhiều hạt tro mịn, dày đặc đến mức che hoàn toàn ánh nắng mặt trời, khiến bầu trời tối sầm lại" - ông Cronin mô tả.

Ông Cronin đánh giá có thể đây là vụ phun trào lớn nhất kể từ vụ phun trào của núi lửa Pinatubo ở Philippines vào năm 1991.

Cận cảnh núi lửa ở Tonga phun trào - Video: THE INDEPENDENT

Thiệt mạng vì núi lửa phun trào cách 10.000km

Hãng tin AFP dẫn thông tin từ các cơ quan y tế địa phương vào ngày 16-1 cho biết có 2 phụ nữ chết đuối trên một bãi biển ở miền bắc Peru do "những cơn sóng bất thường" sau vụ phun trào núi lửa ở Tonga, cách Peru hơn 10.000km.

Hai người này chết đuối ở khu vực Lambayeque hôm 15-1. Cùng ngày, Chính phủ Peru đóng cửa 22 cảng Thái Bình Dương ở phía bắc và miền trung của nước này do sóng biển.

Vì sao có sóng thần bất thường ở Thái Bình Dương? Vì sao có sóng thần bất thường ở Thái Bình Dương?

TTO - Tính đến tối 16-1 (giờ VN), liên lạc với Vương quốc Tonga vẫn chưa thể nối lại sau khi núi lửa phun trào gây sóng thần nhấn chìm nhiều ngôi làng ở quần đảo nam Thái Bình Dương này.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên