08/01/2022 22:32 GMT+7

Campuchia thử cách mới với Myanmar, không đòi gặp bà Suu Kyi

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - "Thật vô ích khi họ xây bức tường thật dày rồi chúng ta dùng đầu đập vào đó", Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn nói về việc yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar cho gặp nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi.

Campuchia thử cách mới với Myanmar, không đòi gặp bà Suu Kyi - Ảnh 1.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (phải) và Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, trong cuộc gặp ngày 7-1 - Ảnh: Facebook Thủ tướng Hun Sen

Campuchia đang giữ chức chủ tịch ASEAN năm 2022 và khởi động năm chủ tịch bằng việc tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar.

Ngày 8-1, phát biểu trước báo giới sau chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Ngoại trưởng Prak Sokhonn khẳng định Phnom Penh sẽ tìm các cách tiếp cận mới cho cuộc khủng hoảng tại Myanmar.

"Chúng tôi sẽ dùng nhiều cách khác để đạt được Đồng thuận 5 điểm", ông Prak Sokhonn tuyên bố.

Ngoại trưởng Campuchia cũng cho biết ông Hun Sen không yêu cầu gặp bà Aung San Suu Kyi, người bị giam từ sau cuộc binh biến tháng 2 năm ngoái và đối mặt với hơn một chục cáo buộc hình sự.

"Thật vô ích khi họ xây bức tường thật dày rồi chúng ta dùng đầu đập vào đó", ông Prak Sokhonn nói về việc yêu cầu chính quyền quân sự cho người nước ngoài gặp bà Aung San Suu Kyi.

Ngoại trưởng kiêm Phó thủ tướng Campuchia Prak Sokhonn được cho là sẽ giữ vai trò đặc phái viên mới của ASEAN về vấn đề Myanmar. Đặc phái viên trước đó là ngoại trưởng thứ hai của Brunei, nước giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021.

Hồi năm ngoái, ông Erywan Yusof - đặc phái viên của ASEAN về Myanmar - đã không thể thực hiện chuyến đi đến nước này vì kiên quyết yêu cầu chính quyền quân sự đảm bảo ông sẽ được gặp bà Aung San Suu Kyi.

Tình hình bế tắc sau đó leo thang thành những xích mích hiếm hoi trong nội bộ ASEAN. Đỉnh điểm là việc các ngoại trưởng nhất trí không mời Thống tướng Min Aung Hlaing đến các hội nghị cấp cao của khối vào tháng 10.

Tướng Min Aung Hlaing đứng sau cuộc binh biến tháng 2 và hiện đang đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar.

Theo Hãng thông tấn AFP, nhiều khả năng Campuchia sẽ mời quan chức của chính quyền quân sự Myanmar đến các cuộc họp của ASEAN, sớm nhất là cuộc họp của các ngoại trưởng vào ngày 17-1 tới.

Trong các bản tin ngày 8-1, truyền thông nhà nước Myanmar cho biết tướng Min Aung Hlaing đã cảm ơn Thủ tướng Hun Sen vì "sát cánh cùng Myanmar". Phía quân đội nhắc lại quan điểm việc tiếp quản của họ là để đối phó với gian lận bầu cử và hoàn toàn phù hợp với hiến pháp.

Ông Prak Sokhonn, người tháp tùng ông Hun Sen đến Myanmar, phủ nhận chuyến đi là một sự công nhận chính quyền quân sự. Ngoại trưởng Campuchia khẳng định đây là một cách để hiện thực hóa lộ trình hòa giải và ổn định mà Myanmar đã thống nhất với ASEAN vào tháng 4-2021.

Ông Hun Sen gặp Thống tướng Myanmar Ông Hun Sen gặp Thống tướng Myanmar

TTO - Thủ tướng Hun Sen đã được chào đón bằng thảm đỏ, khi chuyên cơ chở ông đáp xuống thủ đô Naypyidaw của Myanmar vào hôm 7-1.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên