01/11/2013 06:35 GMT+7

Cảm ơn em, Hải Âu

NGUYỄN DZOÃN CẨM VÂN
NGUYỄN DZOÃN CẨM VÂN

TT - LTS: Sau khi Tuổi Trẻ (ngày 28-10) đăng bài dự thi “Cô Vân dạy văn” của tác giả Hải Âu viết về cô giáo Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, Tuổi Trẻ đã nhận được hồi âm của cô Vân, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cô Vân dạy văn

nYs8f5Uh.jpgPhóng to
Cô Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân (phải) - Ảnh: T.L.

Thật ngỡ ngàng khi sáng nay mở mail có một cái tên lạ. Nội dung lá thư là lời thăm hỏi của một người học trò cũ - từ năm 1980. Lá thư đính kèm một bài viết để dự thi nhân Ngày 20-11...

Em viết rằng em rất mong bài viết được đăng và đó là món quà em muốn tặng tôi nhân Ngày nhà giáo.

Con trai lớn của tôi đã 33 tuổi, nghĩa là 33 năm nay em vẫn giữ một kỷ niệm đẹp về một bài tập làm văn.

Em cũng viết rằng chắc tôi không nhớ em, nhưng em thì vẫn không quên tôi và những bài giảng văn ngày ấy. Ngày mà cả đất nước còn đói nghèo và cái ăn còn quan trọng hơn cả mọi điều.

Cũng chẳng hiểu vì sao tôi lại đắm chìm trong những bài giảng của mình như thế. Chỉ nhớ một điều là khi bước lên bục giảng, mọi khó khăn của cuộc sống dường như đã chịu tạm lùi bước ra xa để dành cho tôi mọi cảm xúc. Những cảm xúc rất thật về đất nước, con người, tình cảm... Và hơn thế nữa, giữa những chật vật của khó khăn, đói nghèo, thiếu thốn... tôi không muốn các em thất vọng, các em còn trẻ quá, cái tuổi của bao ước mơ và hi vọng. Tôi chỉ muốn chuyển tải đến các em những điều mà chính bản thân mình đang khao khát: Năm ấy tôi 26 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của một đời người, sống và được ước mơ, biến những ước mơ của mình thành hiện thực...

Có lẽ vì thế mà các em cứ luôn thắc mắc: ở đâu mà cô giáo mình lại có nhiều câu chuyện không có trong sách giáo khoa như vậy? Tôi thì chỉ đơn thuần một ý nghĩ đằng sau một bài giảng là bài học của một số phận hay cuộc đời. Văn tức là người, học văn chính là học làm người vậy...

Số phận và cuộc sống đã không cho phép tôi đứng trên bục giảng nhiều hơn tôi mong muốn. Chia tay với phấn - bảng, tôi làm nhiều nghề để sống và lo cho các con. Rồi số phận cũng dừng lại ở nghề bếp núc, cái nghề mà thời của tôi còn được cho là hiếm. Không còn được dạy học, không còn là những áng văn lãng mạn hay những bài thơ tình ướt át, cũng không có học trò tròn xoe mắt nghe cô giảng. Hằng ngày nồi niêu, xoong chảo và mắm muối, tiêu, đường là người bạn của tôi. Khung ảnh nhỏ hằng tuần tôi xuất hiện để chia sẻ những món ăn với những bà nội trợ lại là một... nghề mới. Tôi yêu căn bếp và những món ăn mình học được hay sáng tạo. Không còn sắc thu của Nguyễn Khuyến hay những bi kịch của từng triều đại phong kiến... Từng miếng thịt, lát cá, ngọn rau bỗng trở thành những bức tranh muôn màu muôn vẻ dưới bàn tay của tôi, mà cái chính là từ tâm hồn tôi - vốn dĩ rất nhạy cảm. Sân khấu bếp cho tôi đất diễn. Tôi yêu bếp như chính những giờ lên lớp giảng văn của mình khi xưa.... Món ăn cũng có hơi thở và tình cảm cũng đằm thắm như thơ văn vậy.

Học trò tôi vẫn ghé đến với tôi vào những ngày đặc biệt trong năm. Có đôi khi vì bận quá, các em lại gửi đến cho tôi một lẵng hoa. Các em đều đã lớn, đã trưởng thành và đã có nhiều địa vị khác nhau trong xã hội. Tôi cũng đã già theo thời gian. Duy chỉ có một điều là khi có dịp gặp, dù ở đâu, cô trò vẫn không quên những cái nắm tay thân tình ấm áp.

Nhận được thư em lần nữa cùng với lời reo vui: “Cô ơi, em cảm động quá vì cuối cùng bài của em cũng được chọn đăng”. Tôi cũng thế! Món quà 20-11 đến sớm hơn những một tháng và lại đến khi tôi đang không ở VN. Khi nhận được tin này, tôi đang đứng ở một bờ biển trên đất Mỹ, trời đã vào đông, lạnh và buồn. Bên kia bờ Thái Bình Dương là VN. Tôi nhớ nhà da diết, mong cho mau được trở về với nắng và bụi của Sài Gòn. Những cánh hải âu chao mình trong chiều và buông tiếng kêu lẻ loi. Tôi nghĩ đến em và muốn gửi theo một cánh chim chiều ấy lời cảm ơn.

Vâng! Cảm ơn em Hải Âu.

Monterey, hạ tuần tháng 10-2013

NGUYỄN DZOÃN CẨM VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên