02/12/2023 08:08 GMT+7

Cam kết và hành động vì mục tiêu Net Zero

Cùng với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero), Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố loạt chương trình hành động của Việt Nam nhằm hiện thực hóa cam kết, kêu gọi nhà đầu tư đồng hành để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các nhà tài trợ và các công ty của Việt Nam trong việc cắt giảm phát thải và thực hiện các dự án năng lượng sạch - Ảnh: N.AN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các nhà tài trợ và các công ty của Việt Nam trong việc cắt giảm phát thải và thực hiện các dự án năng lượng sạch - Ảnh: N.AN

Trong ngày đầu tiên khai mạc Hội nghị COP28 ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì các hội nghị quan trọng nhằm triển khai các cam kết của Việt Nam hướng đến mục tiêu Net Zero.

Với sự kiện "huy động tài chính thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu" cùng tổng giám đốc toàn cầu Standard Chartered Bank, các bên đã công bố tới 10 bản ghi nhớ hợp tác.

Thủ tướng cũng đã dự và phát biểu tại lễ công bố Kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) triển khai cơ chế Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Hoan nghênh các hỗ trợ, hợp tác

Các sự kiện này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu Net Zero thông qua việc Việt Nam thống nhất với các nhà tài trợ để cung cấp, giúp đỡ Việt Nam sử dụng khoản hỗ trợ 15,5 tỉ USD và kêu gọi những nguồn tài trợ mới trong thời gian tới.

Tổng giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered, ông Bill Winters, trong buổi tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 1-12 bên lề COP28 đã bày tỏ sự ủng hộ với chiến lược phát triển năng lượng đến năm 2050 của Việt Nam. Đó là việc ban hành Quy hoạch điện 8 với một loạt dự án về năng lượng xanh, sạch, loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than theo lộ trình.

Theo ông Bill Winters, Standard Chartered có quan hệ chặt với nhiều ngân hàng Việt Nam nên sẽ hỗ trợ nước ta trong việc chuyển đổi năng lượng với lộ trình phù hợp. Ông cho rằng Việt Nam có nền kinh tế trẻ nên để chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo cần huy động nguồn vốn tư nhân để đạt hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, trước khi COP28 diễn ra, nhiều nước đã mong muốn Việt Nam tham gia các sáng kiến như cam kết về hiệu quả năng lượng và tái tạo toàn cầu COP28; Tuyên bố COP28 về khí hậu và sức khỏe; Chuyển đổi công bằng có trách nhiệm giới và Đối tác hành động vì khí hậu...

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là việc ứng phó với biến đổi khí hậu phải được thực hiện trên nguyên tắc công bằng, công lý, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Đồng hành giảm phát thải

Những sáng kiến Việt Nam đưa ra tại Dubai được ông Bader Almatrooshi - đại sứ UAE tại Việt Nam - đánh giá cao khi trả lời báo chí. 

Ông nói năng lượng là một trong những lĩnh vực ưu tiên của UAE và Việt Nam nên hai nước đang tìm kiếm khả năng thực hiện các dự án chung có tiềm năng hợp tác lâu dài trong chuyển đổi năng lượng xanh.

Đáp lại sự ủng hộ của các nhà tài trợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc thực hiện mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đưa ra với quan điểm giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, là động lực, mục tiêu, khắc phục những hậu quả về biến đổi khí hậu, già hóa dân số.

Tuy vậy, ông nói Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, đang phát triển, quy mô khiêm tốn, độ mở cao, các vấn đề nội tại đang gặp nhiều khó khăn, nên để thực hiện cam kết, Việt Nam sẽ cần hoàn thiện thể chế, công nghệ, tài chính, quản lý và quản trị thông minh, nguồn nhân lực.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp cần xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới và hành động mới, cách tiếp cận giải quyết vấn đề thực tiễn. Phát triển quan hệ hợp tác, đối tác chặt chẽ hiệu quả, huy động nguồn lực hợp tác công tư để có nguồn lực tài chính thực hiện cam kết và tham vọng của Việt Nam.

"Tức là cơ chế chính sách và cách tiếp cận phải thông thoáng, hạ tầng chiến lược, hạ tầng số trong chuyển đổi xanh phải thông suốt và quản trị phải thông minh để giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, chuyển đổi năng lượng carbon thấp, góp phần đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, chung tay cùng thế giới bảo vệ Trái đất không bị nóng lên và phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau" - ông nói.

Những việc Việt Nam đang làm không chỉ giúp các bạn trở nên hấp dẫn, thu hút hơn với các đối tác, nhà đầu tư mà Việt Nam còn chứng tỏ là đối tác đáng tin cậy để các nhà đầu tư rót vốn thêm.

Đặc biệt là phát triển kinh tế xanh, xây dựng chính sách năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, sử dụng hydrogen trong chuyển đổi để có nguồn năng lượng ngày càng thân thiện môi trường hơn.

Tổng giám đốc toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered BILL WINTERS

Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết Net Zero vào 2050Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết Net Zero vào 2050

Từ cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero) được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại COP26, Việt Nam đã triển khai nhiều hành động và sáng kiến cụ thể.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên