27/01/2022 08:03 GMT+7

Cái đinh gì!

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TTO - Thường khi nghe nói về một việc "nhỏ như con thỏ" chẳng đáng bận tâm, bạn sẽ dễ dàng buông ra một câu cửa miệng: Chẳng là cái đinh gì!

Không là "cái đinh gì" nên chẳng ai quan tâm đã đành. Vậy mà có những cái đinh, thậm chí là rất nhiều đinh, được ai đó vứt ra đường dường như cũng chẳng nhận được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng, của cộng đồng. Chỉ có những người trong cuộc chẳng may cán phải, nhẹ thì lủng bánh xe, nặng thì té ngã sứt đầu mẻ trán, rồi tự chịu đựng một mình.

Trường hợp của một bạn đọc Tuổi Trẻ "2 tuần, 3 lần thay ruột xe" trên quốc lộ 1, đoạn gần đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức (TP.HCM) vừa phản ánh mới đây thì quả quá sức chịu đựng.

Nạn rải đinh trên đường mà người dân quen gọi là "đinh tặc" không phải mới, nó đã tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua. Không còn là những chiếc đinh thông thường mà có cả những chiếc đinh hình thoi, hình ống được tạo ra với chủ ý gây "sát thương" cao nhất cho các loại vỏ, ruột xe, từ xe máy tới ôtô. Báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực phản ánh, kể cả tổ chức điều tra chỉ đúng chỗ, gọi đúng tên đó là hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản người khác, cần phải được nghiêm trị.

Năm 2011, tỉnh Bình Dương đã xét xử ít nhất 3 vụ án hình sự và phạt tù 7 "đinh tặc" về tội cố ý làm hư hỏng tài sản, người thấp nhất 18 tháng tù, người cao nhất 30 tháng tù. Các "đinh tặc" này không ai khác mà chính là những người làm nghề vá xe, sửa xe trên các cung đường bị rải đinh nhiều nhất. Họ rải đinh để người đi đường dính bẫy rồi tới "cầu cứu" họ thay ruột xe với giá cắt cổ.

Không còn hoài nghi mà có thể khẳng định chắc chắn chủ mưu các vụ rải đinh trên đường phải là (tất nhiên không phải tất cả) những người làm nghề vá xe, sửa xe trên chính đoạn đường đó. Bởi vì không "đinh tặc" nào lại rảnh rỗi rải đinh mà không ra tay "chặt chém" nạn nhân ngay sau đó. Thế nhưng vì sao nạn rải đinh vẫn tồn tại và nhiều người đi đường vẫn bị mất tiền oan uổng, thậm chí bị thương tích vì tai nạn?

Nguyên nhân trực tiếp là từ ý thức trục lợi bất chính, bất chấp đạo đức và pháp luật của người sửa xe kiêm "đinh tặc". Nhưng có một nguyên nhân cần được chỉ rõ đó là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương. Chính những người chấp pháp cai quản địa bàn không sâu sát, làm không hết trách nhiệm, không quyết liệt đến cùng nên "đinh tặc" mới tồn tại.

Việc tuyên truyền, kêu gọi người làm nghề sửa xe không rải đinh "bẫy" khách hàng là việc cần làm, nhưng cần hơn là phải giám sát và phát hiện kịp thời hành vi vi phạm, xử lý nghiêm để những kẻ có ý định trục lợi bất chính, coi thường thiệt hại tài sản, tính mạng của người khác phải chùn tay.

Dường như chưa thấy có cán bộ, cơ quan chức năng địa phương nào bị xử lý vì để nạn rải đinh tồn tại dai dẳng trên địa bàn mình. Nên chăng TP.HCM và các địa phương cần có một "quyết tâm chính trị" đẩy lui nạn rải đinh. Nếu không, "đinh tặc" sẽ mãi lộng hành từ ngày này qua ngày khác, từ đường này qua đường khác và người đi đường cứ thắc thỏm mãi một nỗi bất an.

Công an đi vận động các tiệm sửa xe không... rải đinh Công an đi vận động các tiệm sửa xe không... rải đinh

TTO - Bên cạnh vận động các tiệm sửa xe gần khu vực cầu vượt tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân, TP.HCM) không rải đinh, lực lượng chức năng đã treo băngrôn 'Kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng rải đinh, vật nhọn' kèm số điện thoại đường dây nóng.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên