13/05/2024 09:50 GMT+7

Cách xét tuyển 'không đụng hàng’ chiếm 90% chỉ tiêu Trường đại học Bách khoa TP.HCM

Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa công bố chi tiết về phương thức xét tuyển tổng hợp năm 2024 với cách tính điểm đặc biệt.

PGS.TS Bùi Hoài Thắng giải đáp thắc mắc của học sinh về thông tin tuyển sinh và cách thức xét tuyển của Trường đại học Bách khoa TP.HCM, trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

PGS.TS Bùi Hoài Thắng giải đáp thắc mắc của học sinh về thông tin tuyển sinh và cách thức xét tuyển của Trường đại học Bách khoa TP.HCM, trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Năm 2024, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển 39 ngành đại học chính quy thuộc 8 chương trình đào tạo, thông qua 5 phương thức xét tuyển. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến là 5.150 sinh viên.

Trường đại học Bách khoa đánh giá kết hợp 3 thành tố để xét tuyển

Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo nhà trường, ở phương thức xét tuyển tổng hợp (phương thức 5) của trường, thí sinh được đánh giá kết hợp gồm 3 thành tố và trọng số tương ứng dùng để xét tuyển.

Trong đó thành tố học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%.

Cụ thể: tiêu chí học lực (90%), bao gồm 3 thành phần là điểm học tập ở bậc THPT (6 học kỳ ứng với tổ hợp đăng ký xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi đánh giá năng lực năm 2024.

Thành phần học lực của thí sinh được tính dựa vào điểm học tập 3 năm THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực.

Tiêu chí thành tích cá nhân (5%): học sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải khoa học kỹ thuật, trình độ ngoại ngữ, chứng chỉ tuyển sinh quốc tế, thành viên trong đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, tỉnh/thành phố, và các giải thưởng học thuật khác.

Tiêu chí hoạt động xã hội, văn thể mỹ (5%): văn thể mỹ, các thành tích hoạt động xã hội khác.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của phương thức 5, gồm: điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024: 600/1.200 điểm; điểm thi tốt nghiệp THPT 2024: 18/30 điểm (theo tổ hợp xét tuyển); điểm học lực THPT: 54/90 điểm (tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 3 năm THPT).

Công thức tính điểm xét tuyển của phương thức 5

Tiêu chí học lực (90%) bao gồm 3 thành phần với các trọng số như sau:

Điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024 chiếm 70%.

Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chiếm 20%.

Điểm học lực THPT chiếm 10%.

Điểm xét tuyển = (0.7 x Điểm đánh giá năng lực quy đổi ) + (0.2 x Điểm thi tốt nghiệp THPT x3) + (0.1 x Điểm học lực THPT).

Trong đó, điểm thi tốt nghiệp THPT: tổng điểm thi 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (tối đa 30 điểm); điểm học lực THPT: tổng điểm trung bình năm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 3 năm lớp 10, 11, 12 (tối đa 90 điểm).

Riêng đối với điểm đánh giá năng lực quy đổi được tính như sau:

Đối với thí sinh có tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024: Điểm đánh giá năng lực quy đổi = Điểm thi đánh giá năng lực x 90 / 990.

Đối với thí sinh không tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024: Điểm đánh giá năng lực quy đổi = 0.75 x (điểm thi tốt nghiệp THPT/30 x 1200) x 90/990.

Chỉ sử dụng kết quả thi năm 2024

Nhà trường lưu ý thí sinh chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2024.

Các cột điểm thành phần của thí sinh không được thấp hơn mức ngưỡng đảm bảo đầu vào do nhà trường quy định (điểm sàn).

Trường hợp ngành/nhóm ngành có nhiều tổ hợp môn xét tuyển, hội đồng tuyển sinh sẽ chọn tổ hợp môn đạt tổng điểm cao nhất trong các tổ hợp của ngành xét tuyển.

Trường hợp các ngành được tuyển sinh chung trong cùng một nhóm ngành, điểm xét tuyển là giống nhau cho các ngành trong cùng một nhóm ngành. Sinh viên sẽ được phân ngành từ năm thứ 2 theo nguyện vọng và kết quả học tập.

Tiêu chí phụ để xét tuyển: trường hợp có quá nhiều thí sinh cùng mức điểm xét tuyển và số thí sinh vượt quá chỉ tiêu, đối với ngành quản lý công nghiệp và chương trình tiếng Anh/tiên tiến, thí sinh có điểm môn tiếng Anh cao hơn sẽ được trúng tuyển. Đối với các ngành còn lại, thí sinh có điểm môn toán cao hơn sẽ được trúng tuyển.

Trường hợp các nhóm ngành/ngành có môn tiếng Anh trong tổ hợp môn xét tuyển: chỉ sử dụng kết quả bài thi tiếng Anh và bảng quy đổi điểm từ chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, TOEFL iBT và TOEIC 4 kỹ năng của nhà trường; không sử dụng kết quả miễn thi bài thi tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

Đối với thí sinh dự tuyển các chương trình dạy và học bằng tiếng Anh, chương trình tiên tiến, chương trình chuyển tiếp quốc tế sang Úc, Mỹ (dự kiến), New Zealand, thí sinh phải đạt điều kiện tiếng Anh sơ tuyển IELTS ≥ 4.5/ TOEFL iBT ≥ 34/ TOEIC nghe-đọc ≥ 400 và nói - viết ≥ 200/ Duolingo English Test (DET) ≥ 65/ Linguaskill, PET, FCE, CAE ≥ 153/ PTE ≥ 28.

5 phương thức xét tuyển của Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Năm 2024, nhà trường tuyển sinh theo 5 phương thức xét tuyển.

1. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 1% - 5% tổng chỉ tiêu.

1. Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng của trường THPT năm 2024 (theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM) 5% tổng chỉ tiêu.

2. Ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM (danh sách 149 trường THPT do Đại học Quốc gia TP.HCM công bố) 15% - 20% tổng chỉ tiêu.

3. Xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài 1% - 5% tổng chỉ tiêu.

4. Xét tuyển theo kết quả THPT kết hợp phỏng vấn đối với thí sinh dự tính du học nước ngoài 1% - 5% tổng chỉ tiêu.

5. Xét tuyển tổng hợp bao gồm các tiêu chí về học lực (kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả quá trình học tập THPT), năng lực khác, hoạt động xã hội 75% - 90% tổng chỉ tiêu.

Ông Thắng cho biết thêm: "Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng một hoặc nhiều phương thức xét tuyển kể trên. Chỉ tiêu tuyển sinh của từng phương thức xét tuyển có thể được điều chỉnh theo tình hình tuyển sinh thực tế. Điều kiện cần của tất cả các phương thức xét tuyển kể trên là tốt nghiệp THPT".

Năm nay, nhà trường mở 4 ngành mới gồm thiết kế vi mạch, kinh tế xây dựng, địa kỹ thuật xây dựng và khoa học dữ liệu.

Đối với chương trình tài năng, xét tuyển sinh viên giỏi từ năm học thứ 2. Chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, xét tuyển tân sinh viên đã trúng tuyển vào trường không phân biệt mã ngành.

Học phí dự kiến cao nhất 80 triệu đồng/năm học

Nhà trường cũng đã công bố mức học phí dự kiến với sinh viên chính quy và lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm (nếu có).

Học phí thu theo học kỳ với số tín chỉ tối đa 17 tín chỉ/học kỳ (2 học kỳ chính/năm). Phần tín chỉ vượt được tính theo đơn giá tín chỉ. Học phí các học kỳ phụ (nếu sinh viên có nhu cầu học) thu theo đơn giá tín chỉ.

Cách xét tuyển 'không đụng hàng’ chiếm 90% chỉ tiêu Trường đại học Bách khoa TP.HCM- Ảnh 2.

Trường đại học Luật TP.HCM nhận xét tuyển sớm trực tuyến từ 16-5Trường đại học Luật TP.HCM nhận xét tuyển sớm trực tuyến từ 16-5

Năm 2024, Trường đại học Luật TP.HCM tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên 1.134 sinh viên cho các phương thức xét tuyển sớm, dành cho 3 nhóm đối tượng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên