09/04/2020 09:46 GMT+7

Cách ly xã hội: Không gián đoạn thủ tục hành chính

D.N.HÀ - MAI HƯƠNG
D.N.HÀ - MAI HƯƠNG

TTO - TP.HCM ở trạng thái 'cách ly xã hội' nhưng theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP, hầu hết các thủ tục hành chính đều phải được giải quyết bằng nhiều phương cách, không được gây ách tắc công việc.

Cách ly xã hội: Không gián đoạn thủ tục hành chính - Ảnh 1.

UBND quận 10 (TP.HCM) thông báo ngưng nhận hồ sơ, khuyến khích người dân thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến - Ảnh: TỰ TRUNG

Ghi nhận tại một số quận, huyện ở TP.HCM cho thấy các nơi đã nhanh chóng thiết lập nhiều kênh để giải quyết việc cho dân.

Mỗi cán bộ là "tổng đài viên"

Nếu như trước đây dân thường than phiền muốn liên lạc với cán bộ quá khó thì trong mùa dịch COVID-19, từng cơ quan tại TP.HCM đều chủ động công khai số điện thoại của cán bộ để ai cần thì gọi.

Ngay trước cổng UBND quận 10 là tấm bảng lớn thông báo về hoạt động bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đến ngày 15-4-2020 ghi rõ địa chỉ trang web làm dịch vụ công trực tuyến. 

Trên bảng còn có tên, số điện thoại di động của cán bộ phụ trách từng lĩnh vực có nhiều người quan tâm như: kinh tế, tư pháp, quản lý đô thị, giáo dục và đào tạo, lao động - thương binh và xã hội, tài nguyên - môi trường. Nhiều lĩnh vực không chỉ có một, mà còn công khai 2-3 số điện thoại liên lạc.

"Những cán bộ đã được công khai số điện thoại luôn phải mở máy để trả lời dân, kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ. Thủ trưởng các phòng ban phải chịu trách nhiệm nếu cán bộ lơ là, tắc trách" - ông Võ Văn Tiến, chánh văn phòng UBND quận 10, nói thêm.

Cũng theo ông Tiến, dù chủ trương chung là hạn chế cả cán bộ và người dân đến trụ sở, tránh tụ tập đông người nhưng không vì thế mà thủ tục hành chính bị ngưng trệ. 

Khi người dân gọi điện, tùy từng loại thủ tục, cán bộ phụ trách phải hướng dẫn làm sao cho dân giải quyết được công việc: nộp trực tiếp hay trực tuyến, trả hồ sơ tại trụ sở hay giao tại nhà.

Chị Đặng Thị Ngọc Bích - cán bộ hộ tịch UBND phường 12, quận 10 - tiết lộ từ khi "cách ly xã hội", thời gian chị lên mạng xã hội "chát chít" với người dân nhiều hơn. 

Chị cười giải thích: "Nhiều người không quen làm hồ sơ trực tuyến, mà hướng dẫn qua điện thoại khó hình dung lắm. Từ số điện thoại của bà con gọi đến, tôi kết bạn Zalo rồi chỉ từng bước. 

Chẳng hạn như người dân vô trang web nộp trực tuyến, làm tới chỗ nào bí thì chụp màn hình gửi qua, tôi thao tác đúng rồi chụp màn hình gửi lại cho họ. Gửi qua gửi lại kiểu vậy tuy hơi mất công nhưng giúp bà con được việc mình cũng thấy vui".

Tại huyện Nhà Bè, người dân cũng có thể tìm kiếm các số điện thoại cần thiết để được hỗ trợ làm thủ tục hành chính trên trang web của UBND huyện. 

Ngoài công khai các số điện thoại của cán bộ phụ trách từng lĩnh vực, huyện còn cung cấp số di động của nhân viên bưu điện để người dân liên hệ nếu muốn nhận, trả kết quả hồ sơ tại nhà. 

Lãnh đạo huyện còn giao cho đài truyền thanh huyện và chủ tịch UBND các xã, thị trấn tăng cường "quảng cáo" thông tin này trên sóng phát thanh hằng ngày cho người dân biết.

Giao dịch bảo đảm vẫn... đảm bảo

Theo thông tin từ các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ở các quận, huyện, kể từ sáng 7-4, các nơi đều đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm và trả kết quả những hồ sơ đến hẹn cho dân. 

Đây được xem là sự trở bộ kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, vì một ngày trước đó nhiều nơi thông báo sau ngày 15-4 mới giải quyết thủ tục này.

Ông Phạm Nhật Trường, chánh văn phòng UBND huyện Bình Chánh, cho biết bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện đã mở cửa để tiếp nhận hồ sơ một số thủ tục đặc biệt theo chỉ đạo của Sở Nội vụ TP. 

Các thủ tục như đăng ký khai sinh, khai tử, nhóm thủ tục liên quan đến công chứng, chứng thực di chúc, hợp đồng về biện pháp bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ, đăng ký giao dịch bảo đảm… để hỗ trợ sản xuất kinh doanh đều được giải quyết gọn lẹ. 

Ông Trường khuyên người dân nên liên hệ trước với UBND huyện để biết hồ sơ nào được nhận trực tiếp, hồ sơ nào nên nộp qua đường bưu điện hoặc trực tuyến để tránh đi lại, tiếp xúc nhiều người nhằm phòng ngừa dịch bệnh.

Tương tự, theo ông Nguyễn Phước Hưng - chủ tịch UBND quận 2, bộ phận nhận hồ sơ và trả kết quả vẫn mở cửa để tiếp nhận những thủ tục đặc biệt cấp bách theo chỉ đạo của Sở Nội vụ. 

Khi số người đến đông thì cán bộ quận sẽ mời người dân tạm đứng bên ngoài để bảo đảm khoảng cách trong phòng. Bên cạnh đó, cán bộ quận cũng thuyết phục người dân nộp hồ sơ qua bưu điện.

Dân "alô", cán bộ đến nhà

Trong mùa dịch COVID-19, người dân, doanh nghiệp tại Đà Nẵng cần giải quyết thủ tục cứ "alô" vào đường dây nóng hoặc qua email, Zalo, các cán bộ sẽ đến nhà thực hiện, giải quyết.

Ông Võ Đình Công, chủ tịch UBND phường Thọ Quang, cho biết phường đã công khai các số điện thoại và mọi thông tin lên trang Facebook của phường cho người dân biết. Người dân, tổ chức nào có nhu cầu làm thủ tục liên quan chỉ cần nhấc máy "alô" hoặc đăng ký qua mạng là sẽ được phục vụ.

Đối với từng loại thủ tục hành chính, UBND phường sẽ phân công từng nhóm riêng. Những thủ tục công chứng đơn giản sẽ được hỗ trợ trong ngày.

Những trường hợp hồ sơ quan trọng như liên quan đến đất đai, hồ sơ chứng thực tài sản riêng thì người dân chỉ cần gọi điện, phường sẽ cử cán bộ chuyên môn đến tận nhà hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đưa đến tổ một cửa xử lý.

HỮU KHÁ

Có nên kéo dài thời gian cách ly xã hội? Có nên kéo dài thời gian cách ly xã hội?

TTO - Có 40% bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng gì. Nếu không tìm được bệnh nhân đầu nguồn thì những ca bệnh này có thể tự khỏi, nhưng trong quá trình ấy có thể làm lây lan sang người khác. Vậy có nên kéo dài thời gian cách ly xã hội?

D.N.HÀ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên