17/11/2021 09:16 GMT+7

Cách ly F1 tại nhà: Nhiều nơi vẫn lúng túng

LAN ANH - PHẠM TUẤN
LAN ANH - PHẠM TUẤN

TTO - Việc phòng chống dịch trong nhiều tháng của đợt dịch thứ tư đã để lại nhiều bài học về việc tổ chức cách ly tập trung, điều trị. Thế nhưng nhiều địa phương đến nay vẫn còn lúng túng.

Cách ly F1 tại nhà: Nhiều nơi vẫn lúng túng - Ảnh 1.

TP.HCM từ lâu đã áp dụng cách ly F0 không triệu chứng và F1 tại nhà. Trong ảnh: nhân viên Trạm y tế phường 7, quận Phú Nhuận phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đến nay, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng, vẫn còn cách ly tập trung F1, F0 không triệu chứng và thí điểm cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà.

Có phải lây lan trong khu cách ly?

Số ca mắc COVID-19 mới của Hà Nội liên tục tăng, đặc biệt trong một tuần gần đây. Như ngày 15-11 ghi nhận 289 ca, là số mắc nhiều nhất trong một ngày tại Hà Nội kể từ đầu dịch.

Tỉ lệ ca mắc mới là người đang cách ly tập trung luôn chiếm 2/3 số mắc mới hằng ngày của Hà Nội, số còn lại là ca cộng đồng và ca ghi nhận trong khu vực đã phong tỏa. Cụ thể: ngày 15-11 có 178 ca tại khu cách ly/289 ca ghi nhận; ngày 14-11 có 71/119; ngày 13-11 có 76/146; ngày 12-11 có 109/165... 

Các chỉ dấu này tương đối giống với thời điểm bắt đầu bùng phát dịch tại TP.HCM, khi xuất hiện tình trạng lây lan nhanh trong khu cách ly tập trung, ca mắc mới nhập viện vượt khả năng chăm sóc của hệ thống y tế và số tử vong tăng.

Trong khi nhiều tỉnh thành đã cho cách ly F1 và F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà từ tháng 7 - 8 vừa qua thì chính quyền Hà Nội rất kiên trì bắt buộc cách ly tập trung (gần đây mới đang thí điểm cho phép cách ly F1 tại nhà). Và từ đây có nhiều tình huống dở khóc dở cười xảy ra.

Hôm 12-11, chị H.T.B.V. ở khu đô thị thuộc phường Thượng Đình có đơn kiến nghị gửi lãnh đạo quận Thanh Xuân và phường Thượng Đình cho biết chị đi chung thang máy với F0 ngày 3-11 (đến 4-11 thì F0 bắt đầu có dấu hiệu khởi phát); chị được xác định là F1 cùng với 38 người khác và có quyết định đưa đi cách ly tập trung cùng 8 người khác trong nhóm này.

Chị V. cho hay vào thời điểm có quyết định đi cách ly tập trung, thời gian tiếp xúc (cùng thang máy trong 30 giây) của chị và F0 đã qua 8 ngày, chị không có dấu hiệu bị lây bệnh, chị cũng luôn thực hiện 5K và đã tiêm 2 mũi vắc xin, chị lại là mẹ đơn thân và đang nuôi 2 con nhỏ, việc chị phải đi cách ly tập trung thì 2 con nhỏ của chị không có người chăm sóc. 

Trong khi đó, 30 F1 khác lại không phải cách ly tập trung khiến chị rất bất bình.

Vào tháng 9, khi bùng phát ổ dịch tại Bệnh viện Việt Đức, trong số người phải đi cách ly tập trung có cả người vừa có mặt tại bệnh viện để thanh toán viện phí cho người thân. 

Do đó số lượng người phải chuyển cách ly tập trung quá cao và sau đó liên tục ghi nhận ca mắc mới trong số người đi cách ly tập trung, đặc biệt là trong nhóm cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn, nghi ngờ có lây lan trong khu cách ly.

Cách ly F1 tại nhà: Nhiều nơi vẫn lúng túng - Ảnh 2.

Hàng trăm F1 liên quan các ca nhiễm COVID-19 tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội được đưa đi cách ly tập trung vào tháng 9-2021 - Ảnh: NAM TRẦN

Chuyển động chậm

Đã có chuyên gia kêu gọi chính quyền Hà Nội phải mạnh dạn bởi cho đến thời điểm hiện nay, Hà Nội đang có tỉ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin và tiêm đủ 2 mũi ở tốp đầu cả nước, số ca cộng đồng còn ít và đang "truy vết" được, mầm bệnh chưa xâm nhập sâu trong cộng đồng, nhưng nếu cứ để gia tăng nhanh số ca mới trong khu cách ly, khu phong tỏa, nguy cơ hệ thống y tế khó chống đỡ được không phải không thể xảy ra.

Cách đây một tuần, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng đã có văn bản nhắc các địa phương tăng cường cho cách ly F1 và F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại nhà. Nhưng khi ấy Hà Nội vẫn muốn áp dụng quy định chặt hơn, khó hơn (mặc dù tính theo số ca mắc tại khu cách ly tập trung hằng ngày thì nguy cơ lây lan tại khu cách ly tập trung rất cao).

Đến ngày 16-11, ông Đinh Tiến Dũng - bí thư Thành ủy Hà Nội - mới yêu cầu phải triển khai ngay thí điểm cách ly F1 tại nhà, điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại y tế cơ sở trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. 

Ông Dũng dự báo thời gian tới số ca F0 sẽ còn tăng mạnh, đồng thời tâm lý chủ quan của người dân ngày càng phổ biến. Vì vậy ông Dũng đề nghị chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác phòng bệnh, thực hiện nghiêm 5K của người dân. Đặc biệt, không vì độ phủ vắc xin tốt mà sinh ra tâm lý chủ quan.

Theo bí thư Hà Nội, quá trình thực hiện phải bảo đảm thống nhất, bài bản, khoa học, hiệu quả. Đồng thời phải có cơ chế để tiếp tục cách ly tập trung F1 đối với những trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc cách ly tại khách sạn nếu người dân có nguyện vọng.

Trong khi thế giới cũng như TP.HCM và nhiều địa phương đã cách ly F0 không triệu chứng và F1 tại nhà từ lâu, bây giờ Hà Nội mới thí điểm cách ly F1 tại nhà. Mới mẻ gì nữa mà thí điểm!

Bố trí 12 khách sạn cách ly tập trung F1 có thu phí

UBND TP Hà Nội vừa đồng ý cho 12 khách sạn cách ly tập trung bổ sung các trường hợp F1 tại khách sạn do người cách ly tự nguyện chi trả phí, thời gian thực hiện từ ngày 15-11. Đồng thời Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp Sở Du lịch giám sát, theo dõi các khu cách ly tập trung.

Cách ly F0, F1 tại nhà đã có hiệu quả tích cực ở TP.HCM

Từ đầu tháng 7-2021, Bộ Y tế có văn bản gửi UBND TP.HCM hướng dẫn cách ly y tế F1 (tiếp xúc gần ca F0) tại nhà. Nửa tháng sau khi thực hiện cách ly F1 tại nhà, TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên cả nước áp dụng cách ly F0 không triệu chứng tại nhà.

Với tình hình dịch COVID-19 phức tạp, đặc biệt với đợt dịch lần thứ 4, chiến lược cách ly F1 tại nhà mà TP.HCM áp dụng, theo các chuyên gia, đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực.

Tại TP.HCM, từ tháng 7 đến cuối tháng 8-2021, số ca mắc tăng cao (có ngày 17.000 ca), các bệnh viện dã chiến, khu cách ly vừa mới xây dựng đều đầy ắp nhanh chóng, do đó việc áp dụng không cách ly tập trung đối với F1 là điều cần thiết nhằm giảm tải cho hệ thống quản lý. Lúc này việc chăm sóc được chú trọng vào các ca bệnh chuyển nặng, có nguy cơ (cao tuổi, bệnh nền).

Nhưng một chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM cho rằng việc áp dụng cách ly F1 tại nhà nên tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của từng địa phương, không nhất thiết địa phương nào cũng nên áp dụng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Phong - phó trưởng khoa y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP.HCM - giải thích rằng lần này dịch bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, do đó trong số các F1 không thể biết được trường hợp nào có thể trở thành F0, cũng như F2 trở thành F1, điều này tạo nên một "dây chuyền" lây nhiễm nguy hiểm nếu không có hình thức kiểm soát hợp lý, chặt chẽ.

"Về nguyên tắc chống dịch, khi số ca mắc ít và đủ điều kiện cơ sở vật chất cần thiết thì nên cách ly tập trung để có sự kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên khi số ca tăng cao, chiến lược cách ly phải khác, tức cũng cách ly nhưng theo hình thức người với người, nhà với nhà, khu phố với khu phố..." - bác sĩ Phong giải thích và khẳng định khi áp dụng hình thức này đòi hỏi mỗi cá nhân, tập thể trong một cộng đồng dân cư cần phải ý thức tuân thủ nghiêm nguyên tắc phòng dịch.

HOÀNG LỘC

Các tỉnh miền Tây còn dè dặt

Có lẽ An Giang là tỉnh triển khai cách ly F1, F0 không triệu chứng tại nhà nhanh nhất khu vực ĐBSCL. Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết tỉnh thực hiện cho F1 ở nhà "lâu rồi", vì quá tải tại các khu cách ly.

"Các trường hợp F0 không triệu chứng hiện được cách ly ở nhà chiếm 80 - 90%, địa phương sẽ cấp túi thuốc điều trị, tránh quá tải trong các bệnh viện. An Giang áp dụng cho F0 tại nhà là làm lâu dài chứ không phải vì số F0 tăng nhanh như hiện nay" - ông Bình nói.

F1 mà để cách ly tập trung, không phân loại cách ly tại nhà, dễ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.

Ông Trần Văn Dũng (phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng)


Một lãnh đạo phường Mỹ Bình (TP Long Xuyên) cho biết phường có 20 F0 đang điều trị tại nhà kể từ thời điểm thí điểm ngày 1-11 đến nay.

Theo vị này, những người F0 được để điều trị ở nhà "họ vui lắm mà địa phương cũng nhẹ lo". Nhà nào không có điều kiện cơ sở vật chất, địa phương mới bố trí vào các điểm trường học gần đó để cách ly.

"Vì họ ở nhà tự chăm sóc ăn uống được, còn địa phương chỉ hỗ trợ F0 các loại thuốc điều trị, thuốc xông. Thậm chí một nhân viên y tế có thể chăm lo mấy chục F0.

Theo tôi, cái này vừa giảm áp lực cho ngành y tế vừa tạo tâm lý cho F0 được ở nhà thoải mái hơn khi được người thân chăm sóc. Nhờ vậy số F0 ở địa phương đều có kết quả âm tính sau vài ngày điều trị" - lãnh đạo phường Mỹ Bình nói.

f0_mien tay

F0 cách ly điều trị tại nhà ở TP Long Xuyên (tỉnh An Giang) - Ảnh: MINH KHANG

Tỉnh Sóc Trăng bắt đầu từng bước thí điểm cho F1 ít nguy cơ và F0 không triệu chứng (xét nghiệm có chỉ số CT ≥ 30 hai lần liên tiếp) ở lại nhà từ đầu tháng 11-2021. Nhưng ông Trần Văn Dũng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng - khẳng định tỉnh "đang thí điểm" chứ chưa thực hiện đại trà.

Chỉ những gia đình đủ điều kiện chỗ ở, bị nhiễm cả nhà và năng lực y tế ở địa phương đáp ứng được thì mới cho F0 cách ly tại nhà.

Theo ông Dũng, cho cách ly tại nhà thì nhà sẽ giống "bệnh viện thu nhỏ", phải có đủ điều kiện như xử lý chất thải, có bác sĩ theo dõi. Rồi phải thành lập trạm y tế lưu động ở nơi có F0 ở nhà, với ít nhất một bác sĩ, hai điều dưỡng và tình nguyện viên.

"Nhân lực này mình hoàn toàn thiếu. Nếu Sóc Trăng cho F0 không triệu chứng cách ly, điều trị tại nhà, toàn tỉnh đang thiếu 850 người, rất kinh khủng" - ông phân tích. Với F1 cách ly tại nhà, theo ông Dũng, đơn giản hơn, hằng ngày chỉ báo nhiệt độ để theo dõi.

Tại Đồng Tháp, ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh - cho biết "việc cách ly tại nhà đang là xu hướng, không thể nào cách ly tập trung hoài mà chịu nổi".

Nhưng Đồng Tháp cũng chỉ đang xây dựng kế hoạch để triển khai thí điểm tại một số địa phương trong tỉnh dù tỉnh hiện chỉ có 3.473 ca đang điều trị (trong tổng số 13.808 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận từ trước đến nay) mà trong đó 3.366 là không triệu chứng, triệu chứng nhẹ.

KHẮC TÂM - BỬU ĐẤU

Đắk Lắk: F1 có 1 mũi vắc xin mới được ở nhà

Trước tình trạng số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh hai tuần qua, tỉnh Đắk Lắk đã thí điểm cách ly F1 tại nhà và đang lên kế hoạch cách ly F0 tại nhà. Ông Nay Phi La - giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, cho rằng chưa thể triển khai cách ly F0 tại nhà vì chưa tiêm phủ được vắcxin.

Với F1 ở nhà, tỉnh cũng chỉ đang triển khai thí điểm tại TP Buôn Ma Thuột và tuần tới sẽ triển khai cho các địa phương. "Điều kiện cần và đủ để cách ly F1 tại nhà là người không có triệu chứng, đã tiêm mũi 1 đủ 14 ngày hoặc đã tiêm 2 mũi vắcxin, nhà ở đủ điểm kiện cách ly", ông Phi La thông tin.

Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, đến chiều 16-11 toàn tỉnh đã ghi nhận trên 6.154 ca COVID-19 và 36 người tử vong. Sở nhìn nhận số ca F0 tăng, dẫn đến số F1 cũng tăng cao nên nếu tiếp tục thực hiện cách ly tập trung thì sẽ bị quá tải.

Trong khi đó Đắk Nông đã cho cách ly F1 tại nhà từ ngày 4-11 nhưng cũng kèm theo các điều kiện và yêu cầu kỹ lưỡng về tiêm vắcxin, xét nghiệm...

TRUNG TÂN

Tin sáng 17-11: Quyết định cách ly người từ TP.HCM của Hà Nội gây xôn xao Tin sáng 17-11: Quyết định cách ly người từ TP.HCM của Hà Nội gây xôn xao

TTO - TP.HCM đang chuẩn bị mở lại trường học, TP hiện có 1,7 triệu học sinh học trực tuyến. Hà Nội quyết định cách ly tại nhà người đã tiêm đủ mũi vắc xin hoặc đã khỏi COVID-19 đến từ vùng cấp độ dịch 3,4 hoặc có số ca cao như TP.HCM gây xôn xao.

LAN ANH - PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên