20/07/2015 09:43 GMT+7

Cách chạm vào tự do khi sáng tạo

CÁT KHUÊ thực hiện
CÁT KHUÊ thực hiện

TT - “Âm nhạc và âm thanh trong nhiều phim Việt thường bị cưỡng ép với hình ảnh” - chuyên gia dựng phim Julie Béziau - người phụ nữ Pháp đứng sau thành công của nhiều bộ phim Việt - nhận xét.

Julie Béziau và các nhà làm phim trẻ VN ở lớp học dựng phim - Ảnh: C.K.
Julie Béziau và các nhà làm phim trẻ VN ở lớp học dựng phim - Ảnh: C.K.

Julie Béziau (Trường điện ảnh quốc gia Pháp Louis Lumière) vừa có chín ngày ở Sài Gòn để làm việc với các nhà làm phim trẻ VN trong khóa học “Gặp gỡ mùa thu” (từ ngày 10 đến 18-7), hướng dẫn họ một trong những khâu quan trọng nhất của làm phim: dựng phim. J

ulie Béziau cũng chính là người dựng các phim Chơi vơi, Lời nguyền huyết ngải (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), Bi, đừng sợ!, Cha và con và... (đạo diễn Phan Đăng Di), Nước (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh)...

Người phụ nữ Pháp đứng sau thành công của nhiều bộ phim Việt trò chuyện với Tuổi Trẻ.

* Các nhà làm phim trẻ VN ở khóa học “Gặp gỡ mùa thu” này thậm chí nhiều người còn chưa có tác phẩm, họ cho chị cảm hứng gì để “truyền nghề”?

- Tôi được gợi hứng chính từ các cuốn phim dựng dở dang hoặc đã xong mà các em gửi cho tôi trước khóa học. Như KFC của Lê Bình Giang, em đang cố tìm kiếm một cách thể hiện khác, điều này làm bản dựng rời rạc thấy rõ.

Cái hay là sự rời rạc đó tạo cảm hứng cho tôi vì tôi thấy ở đây câu hỏi bản chất của việc dựng phim, đó là: lúc nào ta cần tuân thủ cấu trúc kể chuyện thông thường và lúc nào ta phải phá nó đi để tạo ra một cách dựng mới, một cấu trúc tự sự mới?

Một số nhà làm phim đương đại của châu Á như Park Chang Wook với Old boy hay Thái Minh Lượng với Stray dogs gần đây chẳng hạn đã phá vỡ trật tự thời gian tuyến tính trong trần thuật, nhờ thế phim của họ đạt đến một trạng thái vô cùng độc đáo.

Sẽ thật chán nếu các nhà làm phim đều vận dụng trơn tru một cách kể chuyện, như thế chẳng còn sáng tạo nữa, chỉ còn thợ làm phim lành nghề thôi.

Như trường hợp của KFC, khi chúng tôi quên luật dựng cổ điển đi và dựng theo một cấu trúc phi tuyến tính, nó trở nên thật đặc biệt.

Nhưng đó cũng là một sự hi sinh to lớn đối với đạo diễn, vì từ 81 phút nay phim chỉ còn khoảng 30 phút. Nói thế không có nghĩa với dựng phim việc phá luật luôn đúng, nhưng bất kỳ cơ hội nào làm cho bộ phim mạnh hơn thì ta nên thử.

* Chị đã đứng sau thành công của nhiều phim Việt ở khâu rất quan trọng là dựng phim. Chị thấy ngôn ngữ điện ảnh mà các nhà làm phim Việt dùng để kết nối với thế giới như thế nào?

- Các đạo diễn VN mà tôi từng cộng tác thường lo lắng nhiều đến tính liên tục trong kể chuyện. Điều này đến từ việc họ lo khán giả không theo được câu chuyện của mình.

Nhưng phải có chính kiến. Vì nếu chỉ chăm chăm vào dựng làm sao cho khán giả theo dõi được câu chuyện, anh sẽ đánh mất nhiều cái đẹp khác trong điện ảnh, đặc biệt là phong cách riêng trong ngôn ngữ dựng.

Muốn đạt được phong cách riêng trong ngôn ngữ dựng lại phải để ý đến nhiều yếu tố tưởng chừng không liên quan mà ngược lại, rất liên quan là âm thanh và âm nhạc. Tôi rất ngạc nhiên khi biết với một số đạo diễn, khi dựng phim họ không cần nghe âm thanh của cảnh, cũng không cần quan tâm đến âm nhạc trong khi dựng, mọi thứ (âm thanh và âm nhạc) thường được cho vào khi việc dựng phim đã xong xuôi.

Đây là một cách làm không đúng và gây hậu quả âm nhạc và âm thanh trong nhiều phim Việt thường bị cưỡng ép với hình ảnh, nó không phải một cuộc hôn phối để tạo ra nhạc tính và nhịp điệu cho phim mà gợi nhắc một cuộc hôn nhân hờ hững, không hạnh phúc.

Quan điểm của tôi là phải cảm được nhạc tính trong câu chuyện và dựng phim để tôn lên điều đó, thay vì chỉ chạy theo. Cái này rất khó để dạy, người làm phim sẽ phải tự tìm lấy bằng bản năng nhưng khi tìm được nó, anh ta sẽ chạm được tự do trong sáng tạo.

Một số nhà làm phim Việt mà tôi được làm việc cùng có lẽ đã kết nối được với thế giới chính bằng cảm giác này. Ngay tại khóa học này, Nỗi buồn trên cây của Hoàng Trần Minh Đức đã đi theo một lối dựng rất riêng, và đó là điều tôi luôn tìm kiếm ở các nhà làm phim.

* Các phim chị dựng đa số đến các liên hoan phim và khá kén khán giả. Đây là thông lệ của phim nghệ thuật, phim thể nghiệm ở bất cứ đâu, hay là ở VN có gì đó chuyên biệt hơn?

- Ở chỗ nào cũng vậy cả và VN không đến nỗi là môi trường quá tệ với phim nghệ thuật đâu. Các bạn biết rằng ở nhiều nước, có một số phim chỉ được chiếu ở các liên hoan phim xong thì biến mất vì chẳng bao giờ có cơ hội ra rạp.

Việc phim của Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Thị Thắm ra được rạp ở VN là đáng mừng. Phim Cha và con và... của Di sắp tới còn được Memento - một hãng phát hành phim nghệ thuật hàng đầu - phát hành ở Pháp là điều mà nhiều phim nghệ thuật nước ngoài phải ao ước.

CÁT KHUÊ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên