14/04/2020 13:01 GMT+7

Các nước xét nghiệm kháng thể trong máu để truy bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Giữa mùa dịch COVID-19, hàng triệu người mắc các triệu chứng đường hô hấp đều có cùng câu hỏi: Tôi bị cảm cúm hay nhiễm virus corona? Để giải đáp câu hỏi này, các nhà khoa học đang phát triển phương pháp xét nghiệm chính xác hơn.

Các nước xét nghiệm kháng thể trong máu để truy bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng - Ảnh 1.

Nhân viên y tế trích máu để xét nghiệm kháng thể virus corona - Ảnh: NYT

Nhiều hãng dược và các nhà khoa học đang chạy đua phát triển các phương pháp xét nghiệm chính xác hơn, có thể nhanh chóng phát hiện kháng thể virus corona trong máu người. Đây là một kỹ thuật mang nhiều ý nghĩa trong cuộc chiến với dịch COVID-19 giai đoạn tới.

Khác với kỹ thuật xét nghiệm virus bằng dịch hầu họng, xét nghiệm máu tìm kiếm những kháng thể do hệ miễn dịch tạo ra chống lại virus. 

Từ đó, con người sẽ có câu trả lời chính xác hơn về tỉ lệ người nhiễm không triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ, trong cộng đồng; hoặc liệu một người đã bình phục có thể an toàn quay lại với cuộc sống bình thường chưa.

Theo báo New York Times, các quốc gia như Hàn Quốc, Đức, Ý... đã xét nghiệm kháng thể trong nhiều tuần qua, trong khi đầu tháng này Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) mới thông qua một kỹ thuật xét nghiệm kháng thể, và phải mất thêm ít nhất 1 tuần nữa trước khi nó được áp dụng rộng rãi.

Các chuyên gia lưu ý, một người có kháng thể chưa chắc đã miễn dịch với virus, lý do là cơ chế miễn dịch rất phức tạp, và không phải tất cả kháng thể đều giống nhau.

Giáo sư - bác sĩ Thomas Tuschl, Đại học Rockefeller (Mỹ) giải thích rằng các kháng thể khác nhau bám vào các vị trí khác nhau trên virus corona sẽ tạo ra hiệu ứng khác nhau.

"Kháng thể bám vào gai virus (sợi protein) có thể giúp làm chậm sự xâm nhập của chúng, nhưng loại này không hiệu quả như kháng thể vô hiệu hoá. Loại sau có thể làm tê liệt virus, ngăn chúng xâm nhập vào tế bào nhờ khoá chặt một vị trí đặc biệt trên gai virus", GS Tuschl giải thích.

Kỹ thuật xét nghiệm FDA mới thông qua không thể phân biệt giữa các loại kháng thể nói trên, và nó cũng không đo được hàm lượng kháng thể trong máu.

"Kỹ thuật này chỉ giúp chúng ta biết được một người đã bị phơi nhiễm với virus chưa, không chứng minh được người đó đã có miễn dịch. Thế hệ xét nghiệm tiếp theo, vốn tập trung vào kháng thể vô hiệu hoá, có thể cung cấp thông tin này", bác sĩ Angela Rasmussen, nhà virus học thuộc Đại học Columbia, bổ sung.

Một ưu điểm của xét nghiệm kháng thể so với xét nghiệm dịch hầu họng là nó có thể áp dụng cho tất cả mọi người, dù họ chỉ mới biểu hiện triệu chứng nhẹ (sau đó cần khẳng định lại), theo bác sĩ Rasmussen. Hiện nay xét nghiệm corona ở Mỹ chỉ ưu tiên cho những bệnh nhân nặng.

Nó cũng hữu dụng để phát hiện những người nhiễm virus không triệu chứng. Đây là nhóm có thể lây cho người khác một cách không ý thức. Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính tỉ lệ người không triệu chứng là 25%.

Ngoài ra, khoa học hiện đang thử nghiệm cách điều trị COVID-19 bằng huyết tương của người đã khỏi bệnh (có kháng thể trong máu). Đây cũng là một giải pháp hứa hẹn trong khi thế giới chưa tìm ra thuốc hoặc vaccine đặc trị loại bệnh này.

Các nước thống kê số ca tử vong do COVID-19 như thế nào? Các nước thống kê số ca tử vong do COVID-19 như thế nào?

TTO - Kể từ đầu mùa dịch bệnh đến nay, mỗi ngày đều có thông tin cập nhật về số ca tử vong từ các nước trên thế giới, song phương pháp tính toán của mỗi quốc gia khác nhau và rất khó có thể so sánh được với nhau.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên