09/12/2021 18:05 GMT+7

Các nhà khoa học vẫn trái chiều về mức độ nghiêm trọng của Omicron, vì sao?

GIA MINH
GIA MINH

TTO - Sau khi một số nhà khoa học uy tín hàng đầu thế giới đưa ra những nhận định mang hơi hướng tích cực về biến thể Omicron, thì một số nhà khoa học khác kêu gọi thận trọng và đừng nên kết luận quá sớm.

Các nhà khoa học vẫn trái chiều về mức độ nghiêm trọng của Omicron, vì sao? - Ảnh 1.

Một y tá đang chuẩn bị mũi tiêm ngừa COVID-19 ở Mỹ - Ảnh: REUTERS

Tiến sĩ Anthony Fauci (chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ) chia sẻ trên Đài CNN: "Bằng chứng cho thấy khả năng Omicron lây truyền nhanh có sức thuyết phục hơn là mức độ nghiêm trọng giảm".

Theo ông Fauci, các ý kiến gần đây nói biến thể Omicron giảm mức độ nghiêm trọng là tín hiệu đáng khích lệ. 

Tiến sĩ David Dowdy, nhà dịch tễ học của Đại học Y Johns Hopkins (Mỹ), có nhận định tương tự. "Với các báo cáo thực tế từ tâm chấn Tshwane ở Nam Phi, tôi nghĩ rằng các dấu hiệu thực sự rất lạc quan", ông Dowdy nói với báo The New York Times

Theo chuyên gia Dowdy, các ca bệnh ở Nam Phi đang tăng vọt, hầu hết là từ chủng Omicron nhưng số ca tử vong không tăng.

Tuy nhiên, tiến sĩ Fareed Abdullah tại Hội đồng Nghiên cứu y khoa Nam Phi lại lên tiếng cảnh báo trong một báo cáo mới đây: "Thực tế, biến chủng Omicron có dấu hiệu giảm nhẹ bệnh ở Nam Phi chưa đủ để kết luận điều gì. Vì dấu hiệu này có thể là do độ trễ thông thường giữa các trường hợp mắc bệnh và tử vong". 

Ông Abdullah giải thích thêm rằng bệnh COVID-19 nghiêm trọng thường mất một tuần hoặc hơn để phát triển. Do thế giới biết đến Omicron trong vòng chưa đầy hai tuần, thời gian chưa đủ để có nhận định chính xác. 

"Các nghiên cứu ban đầu về bệnh nhân Omicron cũng đến từ Nam Phi, nơi dân số có xu hướng trẻ và nhiều người trước đây đã bị nhiễm biến thể Delta. Cả hai nhóm đều không có khả năng bị bệnh nặng" - tiến sĩ Fareed Abdullah giải thích thêm. 

Tiến sĩ Maria van Kerkhove, chuyên gia về dịch COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhận định rằng điều đáng lo ngại là mắc COVID-19 ngay cả khi có triệu chứng nhẹ cũng có thể gây tử vong cho những người dễ bị tổn thương, như người già. 

"Cúm giết chết một số lượng lớn người cao tuổi vì lý do tương tự" - bà Kerkhove lưu ý. 

Trong diễn biến liên quan, hôm 8-12, Tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, cảnh báo về đợt tăng nhanh các ca mắc biến thể Omicron. "Nếu các quốc gia chờ đợi cho đến khi bệnh viện của họ bắt đầu lấp đầy thì đã quá muộn" - lãnh đạo WHO nói. 

WHO cũng cảnh báo rằng: "Vẫn còn quá sớm để có thể kết luận chính xác về việc Omicron có nhẹ hơn Delta hay không".

Theo thống kê của sở y tế địa phương, các ca bệnh ở Nam Phi đã tăng vọt hơn 1.400% trong hai tuần kể từ khi Omicron lần đầu tiên được xác định ở đó. Chẳng hạn tại Anh, các ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng và các ca bệnh được báo cáo là tăng gấp đôi trong 2-3 ngày.

Biến thể Omicron hiện đã được phát hiện ở 20 bang của Mỹ. Quốc gia này vẫn dẫn đầu thế giới với tổng số ca nhiễm dịch COVID-19 là 49,4 triệu người và số người chết là 791.514 người.

Hiện nay toàn cầu, đã có 57 quốc gia ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron.

COVID-19 thế giới ngày 9-12: Hai liều Pfizer không đủ chống biến thể Omicron? COVID-19 thế giới ngày 9-12: Hai liều Pfizer không đủ chống biến thể Omicron?

TTO - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các chính phủ cần đánh giá lại cách phản ứng trước COVID-19 và tăng tốc tiêm chủng để đối phó với biến thể Omicron.

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên