17/01/2020 18:19 GMT+7

Các ngoại trưởng ASEAN lo ngại về những bất ổn trên Biển Đông

DUY THANH ghi
DUY THANH ghi

TTO - Vấn đề Biển Đông được nhiều báo đặt câu hỏi với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị hẹp bộ trưởng ngoại giao ASEAN chiều 17-1.

Các ngoại trưởng ASEAN lo ngại về những bất ổn trên Biển Đông - Ảnh 1.

Các ngoại trưởng ASEAN tại hội nghị hẹp bộ trưởng ngoại giao ASEAN tổ chức ngày 17-1 tại TP Nha Trang - Ảnh: MINH PHAN

Trong hai ngày 16 và 17-1, Hội nghị hẹp bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã diễn ra TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) với sự tham gia của bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi. Đây là hội nghị đầu tiên của Năm ASEAN 2020 mà Việt Nam giữ vai trò chủ tịch. 

Sau khi kết thúc hội nghị, chiều 17-1 Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì họp báo thông tin những nội dung chính của hội nghị. Phó thủ tướng cho hay các ngoại trưởng ASEAN dành nhiều thời gian trao đổi về tình hình Biển Đông.

Các nước ghi nhận tiến triển trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, bày tỏ quan ngại về tình trạng tôn tạo, bồi đắp trên biển, nhất là những diễn biến gần đây, trong đó có các sự cố nghiêm trọng vi phạm quyền chủ quyền vùng biển một số thành viên ASEAN, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin và không tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC.

Các bộ trưởng tái khẳng định cần tăng cường lòng tin, kiềm chế và tránh các hành động làm phức tạp thêm tình hình, hướng tới giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và coi luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) là cơ sở, thước đo cho những đòi hỏi về chủ quyền và quyền chủ quyền trên các vùng biển.

"Các bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC) để tạo lập môi trường tin cậy lẫn nhau, tích cực thúc đẩy thương lượng để hướng tới sớm đạt được COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982", Phó thủ tướng nói.

Các ngoại trưởng ASEAN lo ngại về những bất ổn trên Biển Đông - Ảnh 2.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (giữa) chủ trì họp báo - Ảnh: DUY THANH

* Vấn đề Biển Đông luôn được các nước trong và ngoài khu vực quan tâm theo dõi. Vậy không khí thảo luận tại hội nghị hẹp bộ trưởng ngoại giao ASEAN về vấn đề Biển Đông như thế nào và định hướng thúc đẩy tiến trình đàm phán COC trong năm 2020?

- Phó thủ tướng Phạm Bình Minh: Vấn đề Biển Đông luôn có sự quan tâm chung của các nước ASEAN cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới vì Biển Đông là tuyến hàng hải hết sức quan trọng, khoảng 50% lượng hàng hóa trên thế giới vận chuyển qua khu vực này. 

Biển Đông cũng có sự tham gia của nhiều nước trong vấn đề chủ quyền. Hiện Biển Đông có những phức tạp, diễn biến, đặc biệt là những vi phạm vào các khu vực đặc quyền kinh tế của các nước.

Tại Hội nghị hẹp bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần này, các bộ trưởng đã trao đổi hết sức thẳng thắn về tình hình ở Biển Đông, cũng như các biện pháp cần thúc đẩy, đặc biệt là nêu cao vai trò thống nhất, trung tâm của ASEAN để giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình. 

Các ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh tất cả các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Việc xây dựng COC đang được tiến hành trao đổi giữa ASEAN và Trung Quốc. Quá trình này đang tiếp tục thực hiện trong năm 2020, thông qua các đàm phán xây dựng văn kiện.

Các ngoại trưởng ASEAN lo ngại về những bất ổn trên Biển Đông - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời báo chí - Ảnh: DUY THANH

* Chúng tôi quan sát hội nghị này và thấy rằng quan điểm, lập trường một số nước ASEAN về thúc đẩy COC với Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức. Việt Nam làm thế nào để tạo ra tính đồng thuận giữa các nước thành viên ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc và các nước ASEAN còn những khác biệt về ứng xử COC?

- Về vấn đề lập trường có thể đồng thuận COC, tất cả các cuộc họp ASEAN các cấp đều trao đổi và đạt đồng thuận lớn, được nêu trong các văn kiện của ASEAN, là phải đảm bảo nguyên tắc giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đảm bảo tự do hàng hải, tự do hàng không trên Biển Đông. 

Các nước ASEAN cũng thông báo tình hình diễn biến mới ở Biển Đông và đều lo ngại về diễn biến phức tạp. Biển Đông có liên quan đến lợi ích các nước, không chỉ các nước có chủ quyền, mà các nước trong khu vực đều có ảnh hưởng.

* Chúng ta có thể kỳ vọng gì ở các nước không thành viên ASEAN có tiếng nói hoặc tham gia vào các vấn đề của Biển Đông?

- Quan điểm của ASEAN là vấn đề Biển Đông có lợi ích chung không chỉ của khu vực mà còn có các nước bên ngoài. ASEAN hoan nghênh các nước bên ngoài có những đóng góp vào việc xây dựng hòa bình ổn định, tôn trọng luật pháp, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông.

Khả năng ký kết Hiệp định RCEP vào năm 2020?

Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng ký kết Hiệp định RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand) năm 2020, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 3, diễn ra bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok (Thái Lan) vào tháng 11-2019, các nước trong RCEP nhất trí ra tuyên bố ghi nhận 15 trong 16 nước tham gia đàm phán Hiệp định RECP, cơ bản thống nhất về tiếp cận thị trường, bắt đầu rà soát pháp lý để ký hiệp định này trong năm 2020 tại Việt Nam.

Hiện nay các nước bắt đầu trao đổi về vấn đề này. RCEP được ký kết với đầy đủ 16 nước sẽ mang lại lợi ích về kinh tế thương mại cho tất cả các thành viên. Trong quá trình thương lượng, Việt Nam luôn phối hợp tích cực với các nước và luôn mong muốn hướng đến một hiệp định chất lượng cao, đảm bảo lợi ích thành viên.

Nước lớn phải tuân thủ Hiến chương LHQ Nước lớn phải tuân thủ Hiến chương LHQ

TTO - Trong 30 phút gặp gỡ báo chí cuối năm Kỷ Hợi sáng 14-1, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ về phiên thảo luận mở tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) ông vừa chủ trì, qua đó gửi gắm nhiều thông điệp quan trọng.

DUY THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên