27/07/2023 18:24 GMT+7

Các cựu quan chức nhận hối lộ vụ chuyến bay giải cứu đối diện mức án nào?

Hầu hết cựu quan chức trong nhóm nhận hối lộ vụ chuyến bay giải cứu đều được đề nghị mức án dưới khung hình phạt, duy nhất cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị án kịch khung - tử hình.

Các bị cáo trong phiên tòa xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: NAM ANH

Các bị cáo trong phiên tòa xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: NAM ANH

Tuy nhiên trong một tuần qua tòa nghỉ nghị án, diễn biến vụ án chuyến bay giải cứu xuất hiện một số tình tiết mới và những tình tiết này có được hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình?

Theo thông báo từ chủ tọa, dự kiến chiều mai (28-7) hội đồng xét xử vụ án chuyến bay giải cứu sẽ đưa ra phán quyết mức hình phạt đối với cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu thư ký Phạm Trung Kiên, cựu trưởng phòng an ninh Hoàng Văn Hưng cùng 51 bị cáo.

Mức án đề nghị cho các cựu quan chức nhận hối lộ vụ 'chuyến bay giải cứu' ra sao?

Phiên tòa này dự kiến xét xử trong 1 tháng, song quá trình xét xử đã diễn ra nhanh hơn, chỉ mất 12 ngày để thẩm vấn và tranh luận, 6 ngày nghị án.

Hành vi các bị cáo vụ chuyến bay giải cứu "chính xác là nhận hối lộ"

Trước đó, đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án với 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu.

Ở nhóm tội nhận hối lộ, bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) bị đề nghị mức án tử hình. Kiên là bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án này, với 253 lần, nhận tổng số tiền 42,6 tỉ đồng. Trong phần luận tội, viện kiểm sát đánh giá cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ với "thủ đoạn trắng trợn nhất".

Các cựu quan chức còn lại ở nhóm tội danh này bị đề nghị mức án từ 2 - 20 năm tù. Trong đó, cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị đề nghị 12 - 13 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng. Thuộc cấp của ông Dũng, cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan bị đề nghị 18 - 19 năm tù với cáo buộc nhận hối lộ 25 tỉ đồng.

Bị cáo bị đề nghị mức án cao thứ 2 trong nhóm tội này là Vũ Anh Tuấn, cựu phó trưởng phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an, với mức 19 - 20 năm tù. Ông Tuấn bị cáo buộc nhận hối lộ 27 tỉ đồng, nhiều thứ hai trong vụ chuyến bay giải cứu, sau Phạm Trung Kiên.

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: NAM ANH

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: NAM ANH

Trong 24 bị cáo ở nhóm tội đưa hối lộ, người bị đề nghị án phạt cao nhất là Lê Hồng Sơn (tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh) với 11 - 12 năm tù, người thấp nhất là Đào Thị Chung Thúy, lao động tự do: 12 - 18 tháng tù cho hưởng án treo. 22 trường hợp còn lại bị đề nghị từ 18 tháng tù đến 11 năm tù.

Ở nhóm "chạy án", ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu phó giám đốc Công an Hà Nội, bị đề nghị 6 - 7 năm tù về tội môi giới hối lộ; Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng 5, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an: 19 - 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình thẩm vấn, tranh luận và cả khi nói lời sau cùng tại tòa, hầu hết các cựu quan chức đều có lời biện hộ phổ biến cho hành vi nhận hối lộ là do "nhận thức đơn giản" hoặc nghĩ rằng tiền doanh nghiệp "bôi trơn" chỉ là "quà cảm ơn".

Biện minh cho hành vi nhận hối lộ 4,2 tỉ đồng, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý phó thủ tướng, phân trần do "nhận thức đơn giản", được doanh nghiệp "nhớ đến mình thì cảm ơn" vì đã giúp đỡ họ tận tâm, nhiệt tình, chu đáo. Ông Linh bị đề nghị 7 - 8 năm tù.

Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng cũng nói khi nhận tiền từ doanh nghiệp chỉ nhận thức là "quà cảm ơn". "Không có mưu đồ", "không đòi hỏi", "không nhận thức được vi phạm" là những câu ông Dũng đưa ra để biện minh.

Chung lời biện minh trên, Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế) cũng nói không đòi hỏi, doanh nghiệp tự đưa tiền và nhận thức là "quà cảm ơn". Trong khi Kiên có đến 253 lần nhận tổng số 42,6 tỉ đồng, trong đó 228 lần qua chuyển khoản.

Ở thái cực ngược lại, trong phần luận tội và đối đáp, viện kiểm sát nhiều lần khẳng định dù các bị cáo đưa ra nhiều lý do để biện minh nhưng hành vi của họ "chính xác là nhận hối lộ". Lý do "quà cảm ơn" là cách mà các bị cáo "lập lờ đánh lận con đen" và "đánh tráo khái niệm".

Viện kiểm sát đưa ra lập luận các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là quà cảm ơn "khi số tiền là bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước, không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa".

Viện kiểm sát cáo buộc sự nhũng nhiễu, sự thỏa thuận, mặc cả "chung chi" đã tạo ra "luật bất thành văn" buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.

Bị đề nghị án tử, cựu thư ký Phạm Trung Kiên khắc phục hơn 42 tỉ nhận hối lộ

Một trong những diễn biến mới phát sinh khi tòa nghỉ nghị án là ngày 24-7, chị gái của cựu thư ký Phạm Trung Kiên đã nộp thêm 7 tỉ đồng để khắc phục hậu quả hành vi nhận hối lộ trong vụ án chuyến bay giải cứu.

Theo đó, trong quá trình xét xử phiên tòa chuyến bay giải cứu, hội đồng xét xử nhận được đơn của chị gái bị cáo muốn xin nộp 7 tỉ đồng và đã được đồng ý.

Trong số hơn 42,6 tỉ đồng nhận hối lộ, Phạm Trung Kiên đã chuyển trả lại khoảng 12,2 tỉ đồng cho các doanh nghiệp trước khi bị khởi tố. Quá trình điều tra, truy tố, đưa vụ án ra xét xử, Phạm Trung Kiên cùng gia đình nộp khắc phục thêm 15 tỉ đồng.

Tại phiên tòa ngày 18-7, sau khi viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình, gia đình bị cáo đã nộp thêm 8 tỉ đồng.

Tính cả số tiền 7 tỉ đồng mà chị gái của Phạm Trung Kiên nộp thêm thì tổng số tiền mà bị cáo đã trả lại và nộp khắc phục hậu quả là hơn 42,2 tỉ đồng trong tổng số 42,6 tỉ nhận hối lộ.

Cựu thư ký Phạm Trung Kiên bị đề nghị mức án tử hình, cao nhất trong các bị cáo vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

Cựu thư ký Phạm Trung Kiên bị đề nghị mức án tử hình, cao nhất trong các bị cáo vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

Điều 5 nghị quyết 03 năm 2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có quy định ba nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ.

Trong số này, trường hợp người phạm tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt.

Theo phân tích từ một số chuyên gia pháp lý, trước khi tuyên án, nếu Phạm Trung Kiên nộp lại 3/4 số tài sản đã nhận hối lộ và được tòa ghi nhận một trong hai tình tiết là "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" hoặc "lập công lớn" thì về nguyên tắc bị cáo này sẽ thoát án tử hình.

Trong trường hợp bị cáo Kiên không hội đủ các điều kiện nêu tại nghị quyết số 03, dù bị cáo đã nộp lại số tiền nhận hối lộ nhưng không được tòa ghi nhận tình tiết "hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm" và "lập công lớn" thì "cũng không chắc chắn" thoát mức án cao nhất.

Những quan điểm đối đáp xung quanh kế hoạch "chạy án" hơn 2 triệu USD

Quá trình xét xử vụ án chuyến bay giải cứu, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận tội danh bị truy tố, có hai bị cáo không thừa nhận là cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng và Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông vận tải).

Tuy nhiên trong phần đối đáp, ông Tuấn đã "quay xe" thừa nhận có nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay. Ông Tuấn bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng để giúp doanh nghiệp sớm có văn bản gửi Bộ Ngoại giao và bị đề nghị 5 - 6 năm tù.

Còn Hoàng Văn Hưng vẫn một mực kêu oan, khi nói lời sau cùng còn nói "đánh đổi cả mạng sống để tìm lại sự trong sạch cho bản thân".

Hưng đề nghị viện kiểm sát đưa ra chứng cứ chứng minh trong chiếc cặp số bị cáo nhận từ cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đựng 450.000 USD như cáo buộc. Hưng liên tục khai bên trong chiếc cặp chỉ là 4 chai rượu vang.

"Việc anh Tuấn đưa 450.000 USD cho bị cáo không có bất kỳ nhân chứng nào, không có hình ảnh nào. Bởi thế không thể khẳng định trong cặp có tiền", Hưng trình bày trong phần tranh luận.

Viện kiểm sát trình chiếu clip Hoàng Văn Hưng nhận chiếc cặp số nghi đựng 450.000 USD - Ảnh: DANH TRỌNG

Viện kiểm sát trình chiếu clip Hoàng Văn Hưng nhận chiếc cặp số nghi đựng 450.000 USD - Ảnh: DANH TRỌNG

Về số tiền 350.000 USD viện kiểm sát cáo buộc ông Tuấn đã chuyển Hưng, cựu điều tra viên đề nghị làm rõ "bị cáo yêu cầu anh Tuấn đưa tiền vào ngày nào, giờ nào, cách nào, nội dung yêu cầu chuyển tiền là gì". "Bị cáo nhận 350.000 USD vào giờ nào, ngày nào, cách nào", lời của Hưng tại tòa.

Ở bên buộc tội, trong phần đối đáp, cơ quan công tố cho trình chiếu video ghi lại hình ảnh Hoàng Văn Hưng nhận cặp số và cáo buộc bên trong đựng 450.000 USD. Kiểm sát viên hơn hai lần dùng từ "tráo trở", "gian dối" để đánh giá về lời khai, lời bào chữa của ông Hưng khi đưa ra nhiều thông tin không trung thực về hành vi phạm tội.

Viện kiểm sát cũng đưa ra dữ liệu điện tử trích xuất từ điện thoại của các bị cáo cho thấy trước ngày nhận tiền, ông Hưng và ông Tuấn có 8 cuộc liên lạc. Buổi sáng hôm giao nhận chiếc cặp, giữa ông Hưng và ông Tuấn phát sinh 7 cuộc gọi. 

Theo viện kiểm sát, dữ liệu này phù hợp lời khai của ông Tuấn và xác nhận của chính ông Hưng về việc đã nhận được cặp da.

"Nếu Tuấn chỉ tặng 4 chai rượu vang thì không cần thiết phải gọi cho nhau 15 lần liên tục từ hôm trước đến hôm sau", viện kiểm sát nêu lập luận.

Theo viện kiểm sát, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn đều khai đã đưa cho Hưng hơn 2,2 triệu USD. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định chỉ đủ căn cứ kết luận Hưng nhận 800.000 USD, còn lại hơn 1,4 triệu USD chưa đủ kết luận Hưng nhận số tiền này.

Kiểm sát viên đưa ra nhiều phân tích và khẳng định đã thận trọng, khách quan, áp dụng tối đa nguyên tắc suy đoán vô tội với số tiền hơn 1,4 triệu USD, còn số tiền 800.000 USD Hưng bị cáo buộc chiếm đoạt thì "không có căn cứ để áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội".

Chuyến bay giải cứu: Hoàng Văn Hưng đề nghị viện kiểm sát đưa chứng cứ trong cặp số có 450.000 đôChuyến bay giải cứu: Hoàng Văn Hưng đề nghị viện kiểm sát đưa chứng cứ trong cặp số có 450.000 đô

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tiếp tục kêu oan trong phần đối đáp chiều nay (21-7). Hưng nêu hàng loạt đề nghị viện kiểm sát đưa ra căn cứ xác định trong chiếc cặp số có 450.000 USD? Số tiền 43 tỉ không chứng minh được Hưng nhận trong vụ chạy án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên