29/11/2021 06:32 GMT+7

Cả thế giới hợp lực chống biến thể Omicron

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Các nhà khoa học và hãng dược đang chạy đua với thời gian để tìm cách đối phó với biến thể 'siêu đột biến' Omicron, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn biến thể xâm nhập và lan rộng.

Cả thế giới hợp lực chống biến thể Omicron - Ảnh 1.

Nhân viên làm việc trong một phòng thí nghiệm ở Nam Phi, quốc gia đang bị nhiều nước cấm nhập cảnh, sau khi phát cảnh báo về biến thể Omicron - Ảnh: NYT

Omicron xuất hiện trong bối cảnh nhân loại tin rằng đại dịch COVID-19 dần trở thành một căn bệnh đặc hữu mà con người sẽ phải chung sống. Nó là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Ngay lúc này đây một biến thể đáng quan ngại đang trỗi dậy... Tuy chưa chắc chắn nhưng chúng ta có thể buộc phải lùi vài bước trước khi tiếp tục tiến về phía trước.

Thủ tướng Singapore LÝ HIỂN LONG báo cáo tại hội nghị của Đảng Hành động nhân dân (PAP) ngày 28-11.

Các hãng dược khẩn trương

Các nhà khoa học vắc xin cũng đã vào cuộc nghiên cứu Omicron. Hãng dược BioNTech (Đức) đã tuyên bố sẽ có dữ liệu nghiên cứu hiệu quả của vắc xin hợp tác với Pfizer (Mỹ) đối với biến thể mới trong vòng hai tuần. BioNTech cho biết việc điều chỉnh vắc xin (nếu cần) sẽ rất nhanh chóng.

Trong khi đó, Hãng dược Moderna đang thử nghiệm giải pháp tiêm liều tăng cường cao hơn và Hãng dược AstraZeneca xác nhận đã bắt đầu thử nghiệm liệu pháp kết hợp kháng thể để chống Omicron.

Các biến thể là điều đã được giới khoa học cảnh báo từ trước. "Virus sẽ liên tục tạo ra các biến thể mới. Hầu hết các biến thể không đáng kể, nhưng điều quan trọng vẫn là xác định và theo dõi các biến thể mới để đánh giá mức độ nghiêm trọng của nó" - Đài CNN dẫn lời chuyên gia Amesh Adalja, thuộc Trung tâm An ninh y tế của Đại học Johns Hopkins, nói.

Theo ông Adalja, mối đe dọa từ COVID-19 vẫn luôn còn đó khi nó trở thành dịch bệnh. "Một khi virus được "thuần hóa", tức mất khả năng đe dọa năng lực các bệnh viện nhờ mức độ miễn dịch của người dân và năng lực điều trị cao, tôi nghĩ rằng các khuyến nghị về y tế cộng đồng sẽ được nới lỏng hơn" - ông nói.

Về Omicron, nhóm nghiên cứu của Đại học Bambino Gesu, tại Rome, đã công bố hình ảnh đầu tiên so sánh các đột biến của biến thể mới với Delta, cho thấy biến thể mới đã biến đổi để thích ứng với cơ thể người. Hình ảnh cho thấy các đột biến trên phần gai protein của Omicron nhiều hơn hẳn so với Delta, đặc biệt là tại những vị trí tiếp xúc trực tiếp với tế bào trong cơ thể người.

Dù vậy, nhóm này cho biết cần nghiên cứu thêm để xác định biến thể mới có nguy hiểm hơn hay không. Tổ chức Y tế thế giới, dù coi Omicron là biến thể đáng lo ngại, đến nay trấn an rằng hệ thống theo dõi dịch bệnh hiện tại có khả năng phát hiện các biến thể từ sớm giúp thế giới nhanh chóng hành động.

Chặn đi lại: đừng hoảng loạn

Sau khi hai quốc gia châu Phi xác nhận có ca nhiễm Omicron là Nam Phi (hôm 25-11) và Botswana, biến thể mới cũng nhanh chóng được phát hiện tại Hong Kong, Israel. Tại châu Âu, Bỉ là nước đầu tiên ghi nhận biến thể này, tiếp đến là Anh, Ý, Đức, CH Czech. Áo cũng cho biết đã có ca nghi nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.

Mới nhất, ngày 28-11, chính quyền Úc xác nhận phát hiện 2 du khách từ Nam Phi mang biến thể mới. "Điều rõ ràng là nó cho thấy đại dịch chưa kết thúc" - lãnh đạo bang New South Wales, ông Dominic Perrottet, nói và cho rằng việc Omicron xâm nhập vào Úc là điều "không thể tránh khỏi".

Do lo ngại Omicron là biến thể có khả năng lây lan mạnh và kháng vắc xin, hàng loạt quốc gia đã nhanh chóng siết chặt biên giới với người từ khu vực phía nam châu Phi. Châu Âu và Mỹ đều đã hạn chế du khách từ Nam Phi và các nước lân cận.

Nhà dịch tễ học người Mỹ Anthony Fauci nói rằng ông không ngạc nhiên nếu biến thể này đã xâm nhập vào Mỹ và đang lây lan. "Việc chặn đi lại từ một quốc gia nhất định sẽ cho phép chúng ta có thêm thời gian đánh giá tốt hơn. Đó không phải là lý do để hoảng loạn" - ông giải thích việc Washington đóng biên giới và phát cảnh báo du lịch với một số nước châu Phi.

Tiếp đó, nhiều nước Trung Đông và châu Á cũng có biện pháp tương tự. Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới đóng cửa hoàn toàn biên giới vì Omicron, bắt đầu từ 28-11 và kéo dài hai tuần. Nước này cũng sẽ dùng công nghệ theo dõi khủng bố (theo dõi điện thoại) để xác định sự lây lan của biến thể sau khi phát hiện ba ca nghi nhiễm không phải là du khách. Các quan chức Israel hy vọng khoảng thời gian đó sẽ đủ để đánh giá hiệu quả của vắc xin với biến thể mới.

Bộ Y tế Việt Nam đề xuất dừng chuyến bay đến/đi từ 7 nước châu Phi

Theo Bộ Y tế, đến nay qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam.

Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.

Bộ Y tế báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

LAN ANH

Moderna nói năm 2022 mới có vắc xin mới chống biến thể Omicron Moderna nói năm 2022 mới có vắc xin mới chống biến thể Omicron

TTO - Giám đốc Y tế Moderna - Paul Burton lo ngại các loại vắc xin hiện tại có thể giảm hiệu quả trước biến thể Omicron và nếu cần phát triển vắc xin mới chống biến thể này thì chúng ta có thể phải chờ tới 2022.


TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên