03/10/2019 09:30 GMT+7

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ 2: Phải giữ Sài Gòn

NGUYỄN HỮU HẠNH
NGUYỄN HỮU HẠNH

TTO - Chính quyền Sài Gòn ngày một suy sụp về chính trị và quân sự. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đề nghị Mỹ viện trợ thêm 300 triệu USD nhưng Mỹ từ chối. Chính quyền và quân đội thấy không còn hậu thuẫn.

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ 2: Phải giữ Sài Gòn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters và các phóng viên trong ngoài nước - Ảnh: Tư liệu Tuổi Trẻ Online

Hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ngày càng hiệu quả.

Ngày 6-1-1975, Phước Long thất thủ. Ngày 11-3-1975, Buôn Mê Thuột thất thủ. Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh "di tản chiến thuật" khỏi Pleiku - KonTum và đã phạm sai lầm lớn. Tinh thần sĩ quan, binh sĩ hoang mang tột độ, thất bại đến liên tiếp. 

Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết và cuối cùng là Xuân Lộc…

Từ Cần Thơ, tôi thấy đã đến thời cơ của mình…

"Rất tiếc! Đã quá trễ…"

Chiều 27-4-1975, từ Cần Thơ, tôi gọi điện thoại lên Sài Gòn xin gặp ông Dương Văn Minh. Trung tá Đẩu, chánh văn phòng, trả lời máy và yêu cầu tôi sáng 29 hãy lên vì quốc lộ 4 bị cắt đứt đoạn Long An. Nhưng vì nhiệm vụ, sáng hôm sau tôi cấp tốc đi Sài Gòn bằng ngả Mỹ Tho - Gò Công - Sài Gòn.

Tôi cùng người thân đi xe riêng với chiếc vali đựng quần áo và thẻ cấp tướng về hưu. Ở đoạn Cai Lậy - Cái Bè, ngồi trong xe tôi nhìn thấy những lá cờ giải phóng bay phấp phới rất gần. Thỉnh thoảng một loạt pháo bắn dọc hai bên lộ.

Đến Mỹ Tho, tôi rẽ qua Gò Công. Chiếc xe phải lách qua một đoạn đường dài 2km đông nghẹt xe quân sự và dân sự. Mấy lần tôi phải trình thẻ cấp tướng về hưu mới đi lọt.

Trời mưa tầm tã, 18h chiều tôi mới qua được bắc Gò Công, và khi đến Sài Gòn trời đã tối. Sài Gòn ban lệnh giới nghiêm.

Đêm 28-4, chưa vào gặp ông Dương Văn Minh được, tôi đứng trên sân thượng nhìn thành phố Sài Gòn, lòng xúc động. Lần đầu tiên mới thấy cảnh lệnh giới nghiêm không còn hiệu lực.

Ở ngoại ô về phía Củ Chi, những chớp bom, chớp pháo lớn đỏ rực. Phía Tân Sơn Nhứt, máy bay lên xuống dồn dập, tiếng động cơ nhức óc…

Sáng 29-4, tôi đến gặp ông Minh tại nhà riêng (văn phòng chưa dọn về dinh Độc Lập, vẫn còn tại số 3 Trần Quí Cáp (dinh Hoa Lan, nằm trên đường Võ Văn Tần hiện nay - PV)).

Trung tướng Mai Hữu Xuân phụ trách sự vụ nói với tôi: "Đại tướng bận họp. Chuẩn tướng chờ một chút".

Tôi ngồi đợi ở phòng khách, một lát sau mới gặp ông Minh. Chúng tôi đang hỏi thăm sức khỏe nhau thì Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền đến. Câu chuyện xoay quanh vấn đề chiến sự đang tiếp diễn.

Ông Dương Văn Minh là một người kín đáo, trầm lặng nhưng lúc này trên gương mặt lộ rõ vẻ suy nghĩ, lo âu.

Một sĩ quan tùy viên vào trình có J.M.Mérillon, đại sứ Pháp, đến. Tôi lánh sang phòng bên cạnh để ông Minh và ông Huyền tiếp Mérillon.

Tôi nghe Mérillon thông báo Tổng trưởng ngoại giao Pháp đã liên lạc với Hà Nội về vấn đề thương thuyết nhưng Hà Nội trả lời: "Rất tiếc! Đã quá trễ rồi".

Nghe tới đó, thêm những chỉ thị mà tôi đã được nhận từ Binh vận Trung ương Cục miền Nam, tôi thấy mình cần có những hành động khẩn trương kịp thời trước tình thế mới.

Hai ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu tiếp tục trao đổi sau khi Mérillon ra về. Họ quyết định tuyên bố thả tù chính trị và đuổi Mỹ "DAO" (Cơ quan viện trợ quân sự Mỹ - PV) ra khỏi miền Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ.

Thực ra trước sức tấn công như vũ bão của quân giải phóng, Mỹ phải tháo chạy là điều tất nhiên. Hành động trên của ông Minh và Mẫu, theo tôi nghĩ chỉ nhằm vớt vát chút ít hi vọng về một giải pháp chính trị đã quá muộn màng.

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ 2: Phải giữ Sài Gòn - Ảnh 2.

Bản chụp bút ký của ông Nguyễn Hữu Hạnh - Ảnh: PHẠM VŨ

Chuẩn tướng không mũ, không giày

Tôi hỏi ông Dương Văn Minh: "Thưa đại tướng, còn tình hình quân sự ra sao?". Ông Minh nói: "Toa (anh - PV) là quân sự, không đi xem mà hỏi gì?".

Là tổng tư lệnh quân đội, nhưng lúc bấy giờ ông Minh cũng không nắm nổi tình hình mà còn phó thác cho trung tướng Đồng Văn Khuyên phụ trách mọi việc ở Bộ tổng tham mưu.

Tôi thấy lúc này cần phải nắm lấy quyền chỉ huy quân đội, và đoán rằng thế nào ông Minh cũng giao việc này cho mình nên nói: "Tôi về hưu rồi, đi coi sao được. Đại tướng có cho quyền thì tôi mới dám đi".

Ngay lúc đó, ông Minh phái tôi đến Bộ tổng tham mưu xem xét tình hình quân sự. Tôi chưa kịp tới Bộ tổng tham mưu thì có tin tướng Đồng Văn Khuyên, tổng tham mưu trưởng và tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Biệt khu thủ đô rời bỏ chức vụ đào tẩu ra nước ngoài.

Tình hình ở Bộ tổng tham mưu rối ren, bế tắc. Ông Minh gọi trung tướng Vĩnh Lộc tới nhà, cử Vĩnh Lộc làm tổng tham mưu trưởng nhưng Lộc từ chối: "Đại tướng giao cho Ngô Quang Trưởng đi. Sớm mai tôi còn thấy hắn ở Bộ tổng tham mưu".

Ông Dương Văn Minh không đồng ý với đề nghị này vì theo ông Quân đoàn 1 vừa bị tan nát ở Huế và Đà Nẵng, Ngô Quang Trưởng mới chạy vào Sài Gòn không thể đảm đương trách nhiệm này.

Ông Minh rời khỏi phòng khách 15 phút, tôi cố thuyết phục mãi Vĩnh Lộc mới chấp nhận và lắc đầu buông một câu chửi thề: "Bây giờ chúng nó chạy như chuột".

Trung tướng Vĩnh Lộc giữ chức tổng tham mưu trưởng nhưng vẫn sắp xếp cho gia đình chuẩn bị di tản.

Tôi thầm nghĩ cái chức vụ này bao năm qua bao nhiêu kẻ giành giật nhau, vậy mà bây giờ không ai muốn nhận nữa. Trong Bộ tổng tham mưu chỉ còn lại một số rất ít tướng lãnh và sĩ quan mà sự lo lắng, mệt mỏi đã hiện rõ trên nét mặt.

Trung tướng Vĩnh Lộc gọi những người còn lại ở Bộ tổng tham mưu đến trình diện và bổ nhiệm một cách vội vã.

Thiếu tướng Lâm Văn Phát giữ chức tư lệnh Biệt khu thủ đô. Chuẩn tướng Nguyễn Văn Chức, trước là cục trưởng Cục công binh, được chỉ định làm tổng cục trưởng Cục tiếp vận. Trung tướng Trần Văn Trung vẫn phụ trách Chiến tranh chính trị.

Ngày 28-4, từ Cần Thơ lên Sài Gòn tôi vẫn mặc thường phục. Tướng Vĩnh Lộc trao cho tôi một bộ quân phục đại úy và cho tôi một cặp sao cấp bậc chuẩn tướng. Chân tôi còn đi giày dân sự và đầu không có mũ để đội.

Đại tá Hồ Ngọc Nhân giữ quyền tham mưu trưởng liên quân, còn tôi Nguyễn Hữu Hạnh, làm phụ tá tổng tham mưu trưởng. Trung tướng Nguyễn Hữu Có đến Bộ tổng tham mưu vào tối 29-4, chưa có nhiệm vụ cụ thể.

Chức nói với tôi dứt khoát không di tản, quyết ở lại chiến đấu đến cùng. Tôi hỏi Chức: "Tình hình nhiên liệu còn đến đâu?". Chức trả lời: "Tôi không nắm chắc lắm nhưng có lẽ cũng chỉ dùng được một tuần lễ nữa".

Bút ký Nguyễn Hữu Hạnh - Kỳ 2: Phải giữ Sài Gòn - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh ôn lại chuyện xưa dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng - Ảnh: LAM ĐIỀN

Vòng vây thít chặt

15h chiều 29-4, tôi được báo cáo tình hình quân sự các hướng:

+ Hướng Củ Chi, sư đoàn 25 của chuẩn tướng Lý Tòng Bá đã thất thủ chiều 28-4 sau khi căn cứ Đồng Dù bị mất.

+ Quân đoàn 3 ở Biên Hòa, trung tướng Nguyễn Văn Toàn cho biết trong ngày 28-4, lúc 18h10, Việt cộng dùng xe tăng đánh chiếm Chi khu Long Thành; 18h50 mất tỉnh lỵ Bà Rịa; 19h30 kho Long Bình bị pháo kích.

Đường 15 bị cắt, Vũng Tàu cũng sẽ mất. Biên Hòa bị bao vây ba mặt. Toàn đề nghị cho rút bộ chỉ huy về căn cứ thiết giáp ở Gò Vấp. Tôi ngầm hiểu viên trung tướng thiết giáp này muốn về gần sân bay, tìm cách tẩu thoát.

Tối 29, liên lạc đến sư đoàn 18, thiếu tướng Lê Minh Đảo hết sức bi quan, nói đang bị bọc hậu và xin rút về bên này sông Đồng Nai cố thủ. Giọng Lê Minh Đảo lạc đi.

Tôi không tin Đảo cố thủ nổi vì mới cách đây hơn một tuần, Đảo tuyên bố cố thủ Xuân Lộc nhưng rồi sư đoàn 18 đã rút chạy.

Còn sư đoàn 22 ở Tân An, chuẩn tướng Phan Đình Niệm đã bỏ trốn. Tham mưu trưởng báo cáo: "Chúng tôi bị áp đảo mạnh hướng chính diện. Một sư đoàn Việt cộng sẵn sàng tấn công. Quốc lộ 4 bị cắt đứt hoàn toàn".

7h sáng 30-4, thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân đoàn 4, báo cáo bằng điện thoại: "Tôi bị tấn công mạnh ở ba nơi: Vĩnh Bình, Bạc Liêu và một điểm cách sân bay Trà Nóc 3km".

Hướng Thủ Dầu Một do sư đoàn 5 trấn giữ đã bị quân giải phóng chọc thủng trong đêm 29. Liên lạc bị cắt đứt, Bộ tổng tham mưu không được tin tức gì từ sư đoàn này nữa. Thế là hướng này trống.

Quân giải phóng đã tiến tràn đến Hố Nai. Sư đoàn 18 và lữ đoàn 5 thiết giáp đã lập tuyến phòng thủ bên này sông Đồng Nai.

Riêng Biệt khu thủ đô, ngoài lực lượng phòng thủ, lực lượng xung kích gồm các lữ đoàn dù, sư đoàn biệt động quân và khoảng 20 xe tăng mà trung tướng Vĩnh Lộc vừa chỉ thị cho Bộ chỉ huy thiết giáp tăng cường vào, tuy chưa chạm trán với quân giải phóng nhưng tinh thần vẫn hoang mang.

Tin tức còn cho biết trong đêm 29, nhiều đoàn xe của quân giải phóng phía Hóc Môn đã tiến về hướng Sài Gòn. Tư lệnh Biệt khu thủ đô cho biết đã lập xong kế hoạch phản công…

Tôi nghĩ nếu muốn kéo dài sự phòng thủ của Sài Gòn thì cần chỉ thị sắp xếp quân lại, nhưng không đưa vấn đề này ra bàn với tướng Vĩnh Lộc. Hơn nữa, dựa vào chỉ thị của ông Dương Văn Minh khi chúng tôi mới nhậm chức là không được di chuyển quân, chờ ông thương thuyết.

Tình hình rất hỗn loạn, muốn giữ Sài Gòn được nguyên vẹn nên từ chiều 29-4 tôi đã ra lệnh: "Không được phá cầu. Đơn vị nào muốn phá cầu phải có lệnh của Bộ tổng tham mưu".

Ngoài ra, tôi cho Bộ chỉ huy quân cảnh tung hết các lực lượng quân cảnh để giữ an ninh trật tự cho thành phố, thu hồi và đưa về quân vụ thị trấn súng ống của các quân nhân đi lẻ tẻ ngoài phố…

Ngày 29-4, cả Sài Gòn đã chứng kiến sự rút chạy vội vã của các phái bộ Mỹ và một số sĩ quan Việt Nam cộng hòa hấp tấp di tản. Trực thăng lên xuống ầm ĩ ở sân bay Tân Sơn Nhứt.

Những binh sĩ từ dưới đất bắn súng lên đỏ trời, có lẽ họ tức giận vì những người cầm đầu đã coi họ như vật hi sinh…

Tiếng pháo quân giải phóng bắn vào sân bay làm nhiều đám cháy bùng lên đỏ rực một vùng…

* Tít và tít nhỏ do Tuổi Trẻ Online đặt.

>> Kỳ cuối: Ngày lịch sử

Người anh hùng thầm lặng Người anh hùng thầm lặng

TTO - "Kính viếng tướng Nguyễn Hữu Hạnh - Người anh hùng nhân dân thầm lặng trong trái tim chúng tôi".

NGUYỄN HỮU HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên