15/09/2019 13:01 GMT+7

Bury FC và nợ nần trong bóng đá

TRẦN UY (từ Manchester)
TRẦN UY (từ Manchester)

TTO - Nổi tiếng với ngành công nghiệp dệt may nhưng giờ đây, cái tên Bury nổi lên vì nó gắn liền với những trang u ám của lịch sử bóng đá Anh.

Bury FC và nợ nần trong bóng đá - Ảnh 1.

Nỗi buồn của một CĐV khi Bury bị loại khỏi hệ thống các giải đấu của bóng đá Anh - Ảnh: Daily Mail

Thành Manchester có hai đội bóng quá nổi tiếng nhưng không nhiều người biết cách đó 13km cũng có một thành phố khác gắn liền với lịch sử bóng đá Anh: thành phố Bury.

Bi kịch của Bury FC

Cuối tháng 8 vừa qua, hàng trăm người dân TP Bury tập trung tại sân Gigg Lane lau dọn khán đài, dọn dẹp nhà vệ sinh... với hi vọng đội nhà sẽ được cứu. 

Nhưng hi vọng của các CĐV đã kết thúc trong thất vọng khi thỏa thuận về việc bán lại CLB Bury đã thất bại. Thế là Bury - CLB được thành lập từ năm 1885 - chính thức bị loại khỏi hệ thống các giải đấu của Anh (EFL).

Tình hình tài chính khó khăn trong suốt 5 năm qua là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến kết cục buồn này. Cuối năm ngoái, CLB đã được bán với giá... 1 bảng Anh và ông chủ mới đã không đủ năng lực tài chính để nuôi đội bóng. 

Khoảng cách giữa các đội bóng lớn và các đội bóng nhỏ ngày càng khổng lồ. Nhà báo Mark Sagger giận dữ nói rằng việc chi tiêu quá mức của những đội bóng lớn, đặc biệt là Manchester United, đã làm hại các đội bóng nhỏ: "Những ông chủ (của MU) chỉ biết kinh doanh... Họ sử dụng CLB giống như một ngân hàng".

Ông James Frith, nghị sĩ đại diện cho Bury, nói: "Cơ chế quản lý bóng đá hiện nay tại Anh không ổn. TP Bury chỉ như một cái bóng của Manchester. Nó đã phải thắt lưng buộc bụng từ 10 năm nay và không được quan tâm. Bury không còn sức hấp dẫn, nó cũng mất đi những nguồn lực tài chính và văn hóa".

Chủ tịch Hội đồng TP, ông David Jones cho rằng kết cục của CLB Bury chỉ là "cái đinh cuối cùng đóng vào chiếc quan tài". Kể từ năm 2010, ngân sách hằng năm của Bury bị cắt giảm 61%. CLB Bury có lẽ không phải là hiện tượng cá biệt. Cách Bury 13 dặm, CLB Bolton Wanderers đã ở trong tình trạng tương tự và chỉ được cứu vào phút cuối.

Cả Bury và Bolton Wanderers đều nằm trong vùng Greater Manchester và đã tham gia giải đấu của bóng đá Anh Football League hơn 100 năm nay. Nếu một trong hai đội bóng này mất đi, đó sẽ là "một bi kịch thực sự", theo cách nói của ông Andy Burnham - thị trưởng vùng Greater Manchester.

Báo chí Anh nhấn mạnh vấn đề, các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào những dự án lớn và luôn sẵn sàng thu lợi trên những vụ đổ vỡ. Trong khi đó, nguồn vốn xã hội và văn hóa ẩn chứa bên trong các CLB không được bảo vệ. Vụ đổ vỡ của Bury FC nằm trong xu hướng đó.

Bất ổn trong nền kinh tế bóng đá

Những kỷ lục chuyển nhượng bị xô đổ, những khoản lương khổng lồ được chi trả cho các cầu thủ... có vẻ như đã vượt quá giới hạn của sự hợp lý và đang làm xáo trộn bức tranh bóng đá của nhiều quốc gia châu Âu.

Kể từ khi Luật Bosman được áp dụng, thị trường bóng đá trở nên hoàn hảo. Có rất đông người mua, kẻ bán và các vụ chuyển nhượng diễn ra liên tục ở quy mô toàn cầu. Các cầu thủ tìm cách thay đổi nhiều CLB vì mỗi lần thay đổi, họ có thể được định giá cao hơn. Điển hình là Anelka, cầu thủ đã thi đấu cho 12 CLB.

Đối với nhiều CLB, khoản lương trả cho các cầu thủ chiếm hơn 65% doanh số và vượt quá ngưỡng chịu đựng. Hậu quả là cảnh nợ nần thường xuyên. 

Tình trạng này đã được quan sát từ những năm 2010 - 2011, khi đó, một nghiên cứu của UEFA đã chỉ ra rằng có 63% CLB ở các giải cao nhất của các quốc gia châu Âu bị thâm hụt ngân sách và nợ nần. Xu hướng này vẫn tiếp tục cho đến nay.

Theo một số liệu được Deloitte thu thập gần đây, trong số 6 CLB ở tốp đầu của Giải ngoại hạng Anh, 4 CLB nằm trong nhóm nợ nhiều nhất là: MU (nợ 496 triệu bảng), Arsenal (205 triệu), Liverpool (201 triệu), Tottenham Hotspurs (180 triệu).

Tương lai buồn của những CLB nhỏ

Để tăng nguồn thu, các CLB chỉ còn biết trông chờ vào tiền bản quyền truyền hình. Và bản quyền truyền hình của những giải đấu lớn ngày càng đắt đỏ, nhất là tại Premier League với gần 3,5 tỉ euro, tiếp đó là La Liga với hơn 2 tỉ euro.

Nhưng miếng bánh này được chia không đều. Một nhóm nhỏ các CLB lớn ở tốp đầu chia nhau phần lớn miếng bánh. Những trận đấu có sự góp mặt của các đội bóng lớn được quan tâm nhiều hơn và đương nhiên, những CLB lớn thu về rất nhiều tiền từ bản quyền truyền hình.

Trong bối cảnh đó, tương lai của các CLB nhỏ sẽ không dễ dàng, nhất là đối mặt với những khó khăn về tài chính. Họ sẽ rơi vào tay những ông chủ giàu có, bị xuống hạng và tệ hơn là bị loại hẳn khỏi cuộc chơi như trường hợp của CLB Bury.

Video "bàn thắng kỳ lạ" ở bóng đá nữ Anh Video 'bàn thắng kỳ lạ' ở bóng đá nữ Anh

TTO - Trong trận đấu bóng đá nữ ở Anh gần đây giữa Maidstone United với Prince of Wales, người hâm mộ trên sân Gallagher đã được chứng kiến một bàn thắng được đánh giá là "kỳ lạ nhất" hoặc "may mắn nhất".

TRẦN UY (từ Manchester)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên