18/10/2021 12:21 GMT+7

Bước đi cao tay của ASEAN

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - 9 tháng rưỡi sau cuộc chính biến của phe tướng lĩnh Myanmar, cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar và mối quan hệ giữa chính quyền quân sự Myanmar với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... vẫn chưa có tiến triển đáng kể.

Bước đi cao tay của ASEAN - Ảnh 1.

Một cậu bé bán hoa cạnh một trạm kiểm soát của cảnh sát ở thành phố Mandalay, Myanmar ngày 11-10 - Ảnh: AFP

Thế nhưng, ASEAN đã lần đầu tiên thống nhất không mời thống tướng Min Aung Hlaing, hiện đứng đầu lãnh đạo chính quyền quân sự ở Myanmar, dự cuộc họp cấp cao cuối tháng này sau cuộc họp khẩn giữa các ngoại trưởng ngày 15-10.

Tính đến trước khi có tuyên bố ngày 15-10, ASEAN chỉ đưa ra được "Đồng thuận 5 điểm" công bố hôm 24-4 sau cuộc họp cấp cao ở Indonesia, gồm: 1/ Ngưng ngay bạo lực tại Myanmar, mọi bên tự kiềm chế. 2/ Đối thoại xây dựng. 3/ Một đặc phái viên của ASEAN sẽ tạo điều kiện cho hòa giải. 4/ ASEAN sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo. 5/ Đặc phái viên của ASEAN sẽ thăm Myanmar và gặp các bên liên quan.

Tuy nhiên, 5 điểm trên đã không được thực hiện đầy đủ, đặc biệt là điểm thứ 5: cử đặc phái viên của ASEAN (ông Erywan Yusof, thứ trưởng Ngoại giao của Brunei) "gặp các bên liên quan". Hôm 14-10, quân đội Myanmar nói sẽ không ngăn chuyến thăm của đặc phái viên ASEAN nhưng sẽ không cho phép ông này gặp cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi đang bị giam giữ vì bà bị buộc tội. 

Trước sự việc này, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho rằng "uy tín của ASEAN bị đe dọa". Và hôm sau, các ngoại trưởng ASEAN họp khẩn để tìm giải pháp. Bài toán đặt ra là làm sao trên bề nổi ASEAN vẫn trung thành với con đường không can thiệp của mình song trong chiều sâu, vẫn gửi thông điệp mạnh mẽ đến chính quyền quân sự Myanmar.

Thế là qua hôm sau (16-10), Brunei, chủ tịch luân phiên ASEAN, công bố kết quả cuộc họp hôm 15-10 bằng một văn bản có nội dung rất hòa nhã, ngoại giao song cũng rất "thâm sâu". 

Tuyên bố nhẹ nhàng tự giới thiệu đây là một hội nghị qua video để bàn về việc chuẩn bị các thượng đỉnh 38 và 39 liên quan, sẽ diễn ra từ ngày 26 tới 28-10 và chủ tọa Brunei nêu ý kiến: "...Ghi nhận tầm quan trọng của chuyến thăm của đặc phái viên tới Myanmar, các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tiếp cận tất cả các bên liên quan và duy trì Đồng thuận 5 điểm".

Rõ ràng phát biểu trên là "ngôi thứ ba số nhiều" và cũng không nêu là phát biểu với ai, tức rất gián tiếp không mang tính đối đầu trực tiếp kiểu "chúng tôi/quý vị", song ai cũng hiểu rằng phát biểu trên là gửi tới chính quyền quân sự ở Myanmar vừa mới "bác đơn" gặp bà Suu Kyi của đặc phái viên ASEAN.

Tuyên bố của chủ tọa còn "mưu trí" ở chỗ đã lắng nghe "hai chiều": nghe báo cáo của đặc phái viên cáo buộc quân đội Myanmar, đồng thời dành thời giờ nghe phía Myanmar trình bày rồi mới nêu.

"Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã cẩn thận lắng nghe giải thích của Myanmar về việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm, trong đó có quan điểm rằng đặc phái viên nên tránh giao kết với các bên hiện đang tiến hành tố tụng như (Cố vấn nhà nước) Aung San Suu Kyi và (Tổng thống) U Win Myint, cũng như những người được tuyên bố là thực thể bất hợp pháp và bất hợp pháp, chẳng hạn như Ủy ban đại diện cho Pyidaungsu Hluttaw (CRPH), Chính phủ Thống nhất quốc gia (NUG) và Lực lượng Phòng vệ nhân dân (PDF)..." - tuyên bố nêu.

Quả thật là "cao tay ấn" khi ASEAN ra kết luận sau cuộc họp cấp ngoại trưởng ngày 15-10: "Do chưa có đủ tiến bộ trong việc thực hiện kế hoạch 5 điểm mà các lãnh đạo ASEAN đã nhất trí để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar cũng như những quan ngại về cam kết của Myanmar, đặc biệt là về việc thiết lập cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, một số quốc gia thành viên ASEAN khuyến nghị ASEAN dành không gian cho Myanmar để xử lý các vấn đề nội bộ và trở lại tình trạng bình thường".

Tuyên bố trên cho thấy ASEAN tạm "gác sang một bên" vấn đề Myanmar và mời một đại diện phi chính trị dự Thượng đỉnh ASEAN sắp tới.

Myanmar nói thất vọng

Trong tuyên bố phát ngày 16-10, Bộ Ngoại giao Myanmar cáo buộc ASEAN vi phạm chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên.

"Myanmar vô cùng thất vọng và phản đối mạnh mẽ kết quả của cuộc họp khẩn cấp giữa các ngoại trưởng ASEAN, vì các cuộc thảo luận và quyết định về vấn đề người đại diện của Myanmar đã được thực hiện mà không có sự đồng thuận và đi ngược lại các mục tiêu của ASEAN, Hiến chương của ASEAN" - Bộ Ngoại giao Myanmar ra tuyên bố.

BÌNH AN

ASEAN mất kiên nhẫn với Myanmar ASEAN mất kiên nhẫn với Myanmar

TTO - 4 quốc gia sáng lập ASEAN kêu gọi không mời thống tướng Min Aung Hlaing đến hội nghị cấp cao của khối vào cuối tháng 10 nếu Myanmar tiếp tục trì hoãn thực hiện 'Đồng thuận 5 điểm' để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên