11/02/2024 08:03 GMT+7

Bùi Công Duy chơi nhạc cổ điển tại quê hương Mozart

Ngày xuân, nhìn lại chuyến lưu diễn đặc biệt mà anh làm trưởng đoàn, Bùi Công Duy có dịp trải lòng với Tuổi Trẻ.

Đoàn nghệ sĩ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tại phòng hòa nhạc Haydn Saal, lâu đài Esterhazy, Áo - Ảnh: NVCC

Đoàn nghệ sĩ Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tại phòng hòa nhạc Haydn Saal, lâu đài Esterhazy, Áo - Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy - một trong những gương mặt trẻ vừa được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân - nói chuyến biểu diễn tháp tùng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ở Áo và Ý hồi tháng 7-2023 thực sự là một cuộc cách mạng, gieo vào xã hội lòng tin đẹp đẽ rằng những gì là giá trị thực sự vẫn luôn được ghi nhận trong xã hội mình.

Các bạn ở Áo, Ý đã nhìn con người Việt Nam ở một góc độ rất khác, những con người rất có văn hóa, mặc đuôi tôm chơi Mozart trong những khán phòng sang trọng nhất, chơi sòng phẳng trước bạn bè quốc tế. Đó là một hình ảnh rất đẹp về Việt Nam mà âm nhạc đã giúp chúng ta mang đến cho các bạn.

Nghệ sĩ BÙI CÔNG DUY

Cuộc cách mạng lớn

Bùi Công Duy và tượng vàng Johann Strauss ở Áo  - Ảnh: NVCC

Bùi Công Duy và tượng vàng Johann Strauss ở Áo - Ảnh: NVCC

- Trước đây chúng ta thường mang các đoàn nhà hát đi, biểu diễn các chương trình mang tính tạp kỹ, có cả ca, múa, một chút nhạc cổ điển…

Tôi từng tham gia những chuyến như vậy, có một hai tiết mục cho nhạc cổ điển.

Nhưng lần này là mang cả một dàn nhạc đi và toàn bộ chương trình là nhạc cổ điển, chỉ có một chút ca nhạc nhẹ từ khách mời là ca sĩ Tấn Minh.

Đây có thể nói là một cuộc cách mạng lớn. Trước đây chúng ta thường chọn phương án an toàn là biểu diễn nhạc cụ truyền thống, âm nhạc truyền thống của ta, thế mạnh của ta, đơn giản hơn.

Lần này, chúng ta chọn chơi ngôn ngữ âm nhạc quốc tế, lại biểu diễn ở Áo - trái tim của châu Âu, quê hương của dòng nhạc cổ điển, quê hương của những thiên tài âm nhạc Mozart, Beethoven, và ở Ý cũng vậy.

Sự kiện có thể coi là một dấu ấn về văn hóa của năm 2023. Không vô cớ mà dư âm của chuyến lưu diễn tháp tùng này rất lâu. Từ tháng 7-2023 mà tới nay vẫn được người ta nhắc tới.

* Anh vừa nói đây là một cuộc cách mạng, vì sao?

- Đó là sự tự tin của một quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé như Việt Nam dám bình đẳng trong âm nhạc cổ điển với các nước phương Tây, dám khoe biểu diễn âm nhạc cổ điển của mình ở cái nôi của thứ âm nhạc ấy.

Chúng ta đã có mong muốn vươn khỏi vùng an toàn. Những bước đi đầu tiên này rất khó khăn, cần lòng dũng cảm. Và chúng ta đã làm được.

* Còn với các nghệ sĩ biểu diễn tháp tùng lần này, đây có phải là một cuộc cách mạng không?

- Nó cũng là một cuộc cách mạng với các nghệ sĩ tham gia bởi chúng tôi phải vượt qua áp lực rất lớn khi mà bản thân âm nhạc cổ điển rất khó.

Nếu tổ chức một chương trình tạp kỹ thì dễ hơn.

Chương trình này chỉ có nghe, chỉ có âm nhạc thuần túy nên chỉ có thể dựa vào tài năng của nghệ sĩ. Các nghệ sĩ phải đánh live, không có chỗ để sửa sai.

Lại chơi cho công chúng mà hằng ngày họ đã nghe thứ âm nhạc ấy, những khán giả chắc chắn là khó tính, với chuẩn mực cao. Tham vọng của chúng tôi muốn phải thuyết phục được họ.

Và chúng tôi đã chơi đúng như tinh thần mà Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã phát biểu trong buổi diễn kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Ý tại khán phòng Cappella Paolina trong cung điện Phủ Tổng thống Ý, thành phố Rome tối 26-7-2023, đại ý:

"Chúng tôi sang đây không phải để thi đấu mà muốn chơi âm nhạc bằng cả trái tim, để mọi người cảm nhận, hiểu được là người Việt Nam cũng trân trọng, yêu nghệ thuật và đánh giá những di sản này như thế nào, cảm nhận nghệ thuật của những nghệ sĩ vĩ đại như Mozart, Johann Strauss bằng trái tim người Việt Nam…".

* Đã diễn ở nhiều sân khấu lớn, trong nước và quốc tế, lần biểu diễn tháp tùng Chủ tịch nước ấy cho anh cảm giác thế nào?

- Với một nghệ sĩ như tôi thì được lên sân khấu là sướng nhất. Mặc dù nhiều lúc cũng chưa hài lòng với phần trình diễn của mình thì vẫn sướng.

Sân khấu cho người nghệ sĩ nguồn năng lượng bất tận. Nhưng biểu diễn tháp tùng tính chất cũng khác, đó là trách nhiệm quốc gia, không sơ sẩy được, thần kinh phải rất chắc.

Nhưng chúng tôi có sự tự tin vì chúng tôi biết mình chơi thế nào, các bạn chơi thế nào, chúng tôi có kiến thức lẫn kinh nghiệm, có lỗ tai tinh nhạy của người nghệ sĩ ở giai đoạn lao động miệt mài, thường xuyên tiếp xúc với những luồng tư tưởng đang thịnh hành trên thế giới.

Tất cả chúng tôi đã chơi tốt nhất trong điều kiện chúng tôi có thể làm được, không có gì xấu hổ trước các bạn, có thể tự hào mình là người Việt Nam chơi nhạc cổ điển tại quê hương của nhạc cổ điển một cách sòng phẳng cho các bạn nghe.

Nhìn vào ánh mắt, nghe tiếng vỗ tay của khán giả, tôi hiểu họ có những lời khen cho nghệ sĩ mình và họ cũng bất ngờ trước trình độ nghệ sĩ Việt Nam, một trình độ chuẩn mực quốc tế, rất cứng cáp. Họ còn bất ngờ về ý tưởng mình đưa ra, một chương trình thuần túy cổ điển, vẫn kết hợp một chút yếu tố dân tộc trong đó.

Chương trình hòa nhạc đặc biệt chiêu đãi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân trong lâu đài Esterhazy, phòng Haydn Saal, bang Burgenland (Áo) ngày 25-7, các nghệ sĩ Việt Nam còn gây bất ngờ lớn cho các bạn khi ngay lập tức kéo dài chương trình thêm 40 phút để đáp lại lòng mến mộ của khán giả.

Chương trình một tiếng nhưng đã kéo dài gần hai tiếng. Nhưng người Việt rất linh hoạt.

Con người Việt Nam hay lắm, cứ vào thế khó là rất đoàn kết và trở nên thông minh khác thường, xử lý tình huống rất tốt, xoay chuyển tình thế rất nhanh. Phẩm chất này chính các bạn Tây cũng rất ngợi khen người Việt.

* Anh cảm thấy thế nào khi âm nhạc cổ điển đã được quan tâm hơn từ các lãnh đạo cấp cao?

- Đó là một may mắn lớn, rất cần thiết và đúng lúc. Gần đây tôi thấy cán bộ cấp cao đi nghe hòa nhạc cổ điển khá nhiều, chúng ta có thêm Nhà hát Hồ Gươm đạt chuẩn mực quốc tế cho hòa nhạc cổ điển, các nghệ sĩ được biểu diễn nhiều hơn…

Khi âm nhạc cổ điển được sự quan tâm của các lãnh đạo cấp cao, nó không chỉ là niềm vui riêng cho âm nhạc, mà nó cho thấy những điều rộng lớn hơn: các giá trị đích thực bắt đầu được nhận rõ giá trị, được nuôi dưỡng, nâng niu.

Điều này có ý nghĩa rất lớn khi tạo niềm tin cho thế hệ trẻ rằng những việc làm tử tế, những nỗ lực thầm lặng, những giá trị đích thực, dù không phải là những thứ "ăn khách" trong một xã hội đang có nhiều luồng hay dở khác nhau thì vẫn được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Xã hội nào cũng cần những giá trị cốt lõi này để giữ được văn hóa.

Muốn dạy những người giỏi hơn mình

* Vừa là trưởng đoàn vừa trực tiếp biểu diễn trong chuyến ấy hẳn là anh cũng rất vất vả, như anh hiện nay vừa là một nghệ sĩ biểu diễn nổi tiếng vừa làm phó giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Anh đã làm thế nào để gánh hai trọng trách cùng lúc?

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ sĩ Bùi Công Duy và nhạc trưởng Trần Nhật Minh sau buổi biểu diễn tại cung điện Phủ Tổng thống Ý - Ảnh: NVCC

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh lưu niệm cùng nghệ sĩ Bùi Công Duy và nhạc trưởng Trần Nhật Minh sau buổi biểu diễn tại cung điện Phủ Tổng thống Ý - Ảnh: NVCC

- Xã hội ngày nay đòi hỏi con người phải rất đa năng cho nên nghệ sĩ dù muốn hay không cũng phải thích nghi. Các bậc tiền bối của tôi cũng đa năng như thế. Việc tổ chức chương trình, dẫn đoàn thì Học viện Âm nhạc quốc gia có truyền thống từ lâu.

Về cơ bản tôi được thừa hưởng nền tảng đó, nên cũng không quá khó khăn. Tất nhiên cũng có nhiều thử thách vì điều kiện của mình còn hạn chế không thể đưa một đoàn đông đủ đi biểu diễn tháp tùng Chủ tịch nước.

Nhưng tôi luôn coi những khó khăn là cơ hội để thử thách bản thân, cho mình được học hỏi rất nhiều.

Tôi không có nhiều thời gian nên rất thích được trải nghiệm để học. Trường lớp là một chuyện, nhưng tôi học nhiều ở trường đời. Cuộc sống hấp dẫn vì có nhiều thứ để mình va vấp. Tất nhiên cũng phải chấp nhận nhiều lúc va phải đá.

Thực ra tôi cũng bị hạn chế nhiều khi làm thêm công việc quản lý. Tôi phải từ chối nhiều lời mời biểu diễn, chấm thi. Thực sự cũng mệt, nhiều lúc cũng điên đầu. Nhưng với tôi, sự bận rộn thực sự là niềm vui, tôi khỏe ra vì mình được làm việc, được thấy mình có ích hơn.

Nhờ công việc quản lý tôi nạp được nhiều vốn sống, hiểu hơn về hệ thống ở Việt Nam, có cái nhìn bao quát hơn. Khi hiểu hơn thì sẽ bớt bức xúc, biết đồng cảm nhiều hơn là trách móc. Từ đó biết tìm ra những cái hợp lý để giải quyết mọi tình huống có thể là rất phức tạp.

* Anh thấy người Việt có năng khiếu học âm nhạc không?

- Người Việt rất có năng khiếu học âm nhạc nhưng người Việt thiếu sự kiên trì. Thế hệ ngày nay nôn nóng nhiều hơn trong một thế giới sống nhanh hơn.

Trong một thế giới biến đổi nhanh chóng như hiện nay thì quốc gia phải có văn hóa, phải có truyền thống vững chắc mới giữ được sự khác biệt. Nhìn chung học trò người Việt Nam có cảm nhận âm nhạc khá tốt so với các nước, gu thưởng thức khá Tây.

* Khi xưa anh quyết định về nước là vì nghe lời thuyết phục của vợ (nghệ sĩ piano Trinh Hương, con gái nhạc sĩ Phú Quang) hay đối với anh Việt Nam là thiên đường?

- Thực ra một trong những lý do rất thật khiến tôi quyết định trở về Việt Nam đó là ở Việt Nam món ăn rất ngon, tôi rất thích ăn ngon. Đó là lý do rất chính đáng để về Việt Nam. Đương nhiên khi quyết định trở về thì tôi cũng phải trả giá, nhưng cái được là tôi đa năng hơn, làm nhiều hơn, khám phá nhiều hơn.

Nếu ở nước ngoài, chỉ là nghệ sĩ thôi thì với tôi sẽ hơi nhàm chán thật. Còn hiện nay tôi làm cùng lúc việc dạy học, biểu diễn, quản lý… khiến cuộc sống nhiều màu sắc. Còn những cái khó thì lại giúp mình rèn luyện, học hỏi được nhiều hơn. Đương nhiên không thể đạt được hài lòng tất thảy nhưng chấp nhận được với những thứ tôi đang có, một đời sống phong phú.

* Còn cái trả giá là gì?

- Cái trả giá lớn nhất là không có cơ hội được gần những người giỏi trong lĩnh vực của mình. Tôi sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để được ở gần những người giỏi. Nếu ở nước ngoài tôi sẽ có cơ hội gặp người giỏi nhiều hơn, chuẩn mực nghề nghiệp cao hơn.

* Cho đến bây giờ thì anh có nghĩ sự trả giá ấy là xứng đáng không?

- Tôi không nghĩ nhiều đến việc xứng đáng hay không. Hiện tại tôi cảm thấy vui vì mình sống có ích. Tôi có rất nhiều ước mơ. Muốn phải dạy được những học sinh giỏi hơn tôi, muốn hoạt động biểu diễn của trường tiến ra thế giới. Tôi muốn phấn đấu cho những ước mơ ấy.

* Ai là nghệ sĩ thần tượng của anh?

- Bố tôi là tấm gương lớn nhất trong cuộc đời tôi. Bố là tất cả, là thầy dạy, người cha, người hy sinh rất nhiều cho tôi. Giáo dục thời xưa rất hay ở chỗ đã tạo ra những con người như bố tôi, rất hy sinh vì người khác, không ích kỷ.

* Rất bận rộn nhưng hằng ngày đều bố trí thời gian đưa đón con, anh là ông bố hy sinh vì con cái?

- Tôi không cho đó là hy sinh mà đó là niềm vui của tôi. Chuyện hy sinh cho con cái thì tôi chỉ làm được một phần rất nhỏ của bố tôi. Bố dồn cho tôi rất nhiều, nếu không bố tôi cũng hoành tráng đấy.

* Còn bố vợ nổi tiếng của anh, nhạc sĩ Phú Quang, thì thế nào?

- Bố vợ tôi là người phóng thoáng, rất Tây, không xét nét. Ông cũng là một nghệ sĩ đặc biệt khi rất thông minh, nhạy cảm với thời thế, thị trường, làm kinh tế rất giỏi. Nhưng âm nhạc của cụ rất đau khổ, rất buồn. Đó là góc khuất con người ông không giấu được trong âm nhạc.

Tổng thống Ý tìm hiểu đàn bầu, đàn t'rưng

NSƯT Hoa Đăng biểu diễn giới thiệu về cây đàn t'rưng trước Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ý Sergio Mattarella sau đêm diễn tại cung điện Phủ Tổng thống Ý - Ảnh: NVCC

NSƯT Hoa Đăng biểu diễn giới thiệu về cây đàn t'rưng trước Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Ý Sergio Mattarella sau đêm diễn tại cung điện Phủ Tổng thống Ý - Ảnh: NVCC

Ấn tượng nhất với tôi trong chuyến đi này là hình ảnh Tổng thống Ý Sergio Mattarella thích thú tìm hiểu đàn bầu và đàn t'rưng sau khi chúc mừng buổi biểu diễn rất ấn tượng của các nghệ sĩ Việt Nam trong buổi hòa nhạc kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam - Ý tại cung điện Phủ Tổng thống Ý, thành phố Rome tối 26-7-2023.

Hình ảnh ấy khiến tôi rất xúc động về sức mạnh của âm nhạc, của nghệ thuật. Nó khiến cho những ranh giới, những hình thức đôi khi bị xóa nhòa để những người dù ở địa vị lãnh đạo cao nhất cũng có thể trở về với bản tính tự nhiên của mình, những tâm hồn yêu nghệ thuật và tò mò trước cái mới, thích khám phá.

Chuyến lưu diễn tháp tùng cũng cho tôi thấy sức mạnh của ngoại giao văn hóa và tự hào về tài năng và bản lĩnh của các nghệ sĩ Việt khi họ có thể tự tin biểu diễn trên chính quê hương của âm nhạc cổ điển.

Nghệ sĩ Phạm Trường Sơn (bè trưởng của Dàn nhạc thính phòng Hà Nội tham gia chuyến lưu diễn tại Áo và Ý)

Ngoại giao văn hóa của Việt Nam là trụ cột của nền ngoại giao hiện đạiNgoại giao văn hóa của Việt Nam là trụ cột của nền ngoại giao hiện đại

TTO - Năm 2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức sử dụng khái niệm ngoại giao văn hóa và coi đây là một trong 3 trụ cột của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên