24/08/2023 09:16 GMT+7

BRICS muốn mở rộng hơn

Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15, nhóm các nền kinh tế BRICS tập trung vào những giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế trong khi vẫn đảm bảo không sa vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị.

Nguồn: AP - Dữ liệu: Nhật Đăng - Đồ họa: TUẤN ANH

Nguồn: AP - Dữ liệu: Nhật Đăng - Đồ họa: TUẤN ANH

Giữa lúc chiến sự Ukraine căng thẳng, Tổng thống Nga Vladimir Putin trở thành tâm điểm tại hội nghị BRICS năm nay (diễn ra ở Nam Phi từ ngày 22 đến 24-8). Trong phát biểu bằng băng ghi hình ngày 22-8, ông Putin dành 17 phút nói về BRICS và đề cập tới "các lệnh trừng phạt không hợp pháp" của phương Tây với Nga.

Đồng đô la "vẽ lại" thế giới

Khối BRICS được thành lập năm 2009, lấy tên từ việc ghép chữ cái đầu trong tên của năm nước thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Năm nay ông Putin không thể dự trực tiếp hội nghị ở Johannesburg vì một số lý do, trong đó có việc tránh rắc rối từ lệnh bắt của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).

Lệnh bắt của ICC phản ánh mối quan hệ rất tệ giữa Nga và phương Tây sau khi Matxcơva khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine vào đầu năm 2022. Đáp lại, Nga đã rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Động thái này gây khó khăn lớn cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và được cho là gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu, nhất là tại các nước nghèo ở châu Phi.

Trong phát biểu trên, ông Putin khẳng định không quay lại thỏa thuận ngũ cốc trừ phi các điều kiện của ông được đáp ứng, bao gồm việc nới các quy định hạn chế xuất khẩu lương thực và sản phẩm nông nghiệp của Nga.

Thực tế các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây không trực tiếp nhắm vào xuất khẩu nông sản Nga, nhưng lại gây khó khăn trong việc hạn chế khả năng tiếp cận hệ thống thanh toán quốc tế của Nga. Vấn đề này phần nào lý giải vì sao một trong những chủ đề nóng nhất tại thượng đỉnh BRICS năm nay là tìm cách giảm lệ thuộc vào thanh toán bằng đồng USD, hay tìm kiếm một lộ trình "phi đô la hóa".

Sau Thế chiến II, đồng USD thống trị trong các thanh toán quốc tế. Điều này tạo nên sức mạnh của Mỹ trong các lệnh trừng phạt như phong tỏa tài sản, loại các đối tượng trừng phạt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Không ngạc nhiên khi Nga và Trung Quốc, hai trong số các nước có nhiều đối tượng bị Mỹ trừng phạt theo cách này, đã thúc đẩy việc giảm lệ thuộc vào đồng USD.

Theo Đài Al Jazeera, kể cả các nước khác trong BRICS có quan hệ tốt hơn với Mỹ như Nam Phi, Brazil và Ấn Độ cũng nhận thấy việc giảm vai trò của USD sẽ giúp ích cho tiềm năng phát triển kinh tế và thương mại của họ. Gần đây, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva từng nói: "Mỗi đêm tôi thường tự hỏi tại sao mọi quốc gia đều phải giao dịch bằng đồng USD".

BRICS từng được lập ra nhằm làm đối trọng với G7 và các tổ chức tài chính phương Tây. Vì vậy trong bối cảnh quan hệ giữa Nga - Trung với phương Tây căng thẳng, việc "phi đô la hóa" cũng phản ánh thực tế về nhu cầu đa dạng hóa hợp tác quốc tế.

Mở rộng BRICS nhưng tránh đối đầu

Theo đánh giá của giới quan sát, các thảo luận về khả năng mở rộng BRICS là tâm điểm trong cuộc họp tại Nam Phi lần này và là vấn đề then chốt cho tương lai của BRICS cũng như hợp tác toàn cầu.

Các quan chức Nam Phi khẳng định đã có hơn 40 nước muốn gia nhập BRICS, trong đó 22 nước đã chính thức nộp đơn cho tư cách thành viên. Hôm 20-8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết một BRICS quy mô lớn hơn sẽ "đại diện cho một nhóm các quốc gia đa dạng hơn", chia sẻ một "khát khao chung về một trật tự thế giới cân bằng hơn".

Mặc dù vậy sẽ có nhiều trở ngại đợi chờ kế hoạch mở rộng của BRICS. Đầu tiên, khối này cần thống nhất bộ tiêu chuẩn để kết nạp thành viên mới. Khá nhiều nước đang phát triển muốn gia nhập BRICS nhưng không hẳn họ đáp ứng yêu cầu "dân chủ" như Ấn Độ nêu ra. 

Thêm vào đó, việc mở rộng BRICS một mặt có thể giúp cơ chế hợp tác này có tiếng nói hơn, nhưng mặt khác cũng tiềm ẩn khả năng pha loãng tầm ảnh hưởng cũng như làm phức tạp thêm chương trình nghị sự. BRICS vốn đã là tập hợp của các nước có trình độ phát triển không quá tương đồng.

Quan trọng hơn, các nước BRICS cũng có sự đa dạng trong các mối quan tâm và hợp tác quốc tế. Nam Phi và Ấn Độ vẫn có quan hệ tốt với Mỹ và các nước phương Tây trong nhiều mặt, họ chắc chắn không sẵn sàng vào vai "đối trọng" với phương Tây. 

Nói cách khác các nước BRICS và những thành viên mới tiềm năng cũng không muốn phải chọn phe. Họ muốn BRICS mở ra cơ hội hợp tác đa dạng hơn, bao gồm cả việc thanh toán ngoài đồng USD. Thậm chí trong phát biểu mới nhất hôm 22-8, Tổng thống Brazil Lula cũng nói thẳng vào vấn đề: "Chúng tôi không muốn là đối trọng của G7, G20 hay Mỹ".

Ông Tập vắng mặt ở sự kiện tại BRICS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Nam Phi dự cuộc họp thượng đỉnh của BRICS nhưng lại vắng mặt trong một diễn đàn doanh nghiệp tại sự kiện này, một việc được báo chí quốc tế mô tả là "bất ngờ".

Theo kế hoạch, ông Tập có bài phát biểu mở đầu hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Johannesburg, nhưng bài phát biểu đó đã được Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đọc thay.

Ông Tập Cận Bình bỏ một sự kiện của BRICS, bộ trưởng đọc phát biểu thayÔng Tập Cận Bình bỏ một sự kiện của BRICS, bộ trưởng đọc phát biểu thay

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không xuất hiện tại Diễn đàn doanh nghiệp nhóm BRICS ngày 22-8. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào thay ông đọc bài phát biểu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên