03/01/2018 12:55 GMT+7

Bớt nhọc nhằn cho các lao công

Q.KHẢI - MAI HOA ghi
Q.KHẢI - MAI HOA ghi

TTO - Câu chuyện phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) tràn ngập rác sau thời điểm đón Năm mới 2018 cho thấy nhiều người vẫn chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống, gây thêm nhọc nhằn cho các công nhân vệ sinh.

Bớt nhọc nhằn cho các lao công - Ảnh 1.

Rác trên đường Nguyễn Huệ, Q.1, TP.HCM sau thời điểm đón năm mới 2018 - Ảnh: THANH VÂN

Bạn Dung My (20 tuổi, sinh viên):

Thấy bất lực trước "biển rác"

Bớt nhọc nhằn cho các lao công - Ảnh 2.

Tôi tới phố đi bộ lúc 23h45. Trên đường đi lại gần sân khấu chính, tôi thấy có rất nhiều nhóm người ngồi bày đồ ăn ngay trên đường. Tới gần sân khấu, người đông như nêm nên không thấy ai ngồi bày đồ ăn nữa, nhưng trong lúc đang đi giữa biển người, tôi đạp trúng một hộp xốp đựng đồ ăn thừa ai đó vứt lại giữa đường, tương ớt bắn tung tóe lên.

Khi dòng người đã ra về bớt, tôi thấy con đường lúc này thật thảm hại với đồ ăn thừa, túi nilông, vỏ chai bia, nước suối... vương vãi khắp nơi. Đồ ăn, thức uống còn chảy dính ra đường, bốc mùi rất khó chịu. Nhóm bạn của tôi định ở lại dọn rác nhưng khi nhìn thấy thùng rác hai bên đường đã đầy ứ, còn xung quanh như một "biển rác" và dòng người cứ đạp lên rác mà đi, chúng tôi thấy thực sự bất lực. Khi về, tôi cứ day dứt mãi là mình không ở lại khuya hơn để phụ dọn dẹp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân (công nhân vệ sinh Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Q.1): Dọn rác bở hơi tai

Bớt nhọc nhằn cho các lao công - Ảnh 3.

Là người trực tiếp thu dọn vệ sinh trên đường Nguyễn Huệ, tôi thấy từ khi đường này được cải tạo thành phố đi bộ, không chỉ vào dịp lễ tết hay khi tổ chức các sự kiện ngoài trời, mà ngay cả những ngày cuối tuần nơi đây cũng tràn ngập rác.

Dọc theo tuyến đường này đã được bố trí gần 100 thùng rác công cộng loại 95 lít. Những dịp lễ tết chúng tôi tăng cường thêm thùng rác di động, đồng thời liên tục lấy rác trong thùng để có chỗ trống cho mọi người bỏ rác vào, nhưng tình trạng rác thải vẫn tràn ngập trên đường khi kết thúc sự kiện, lễ hội khiến công nhân chúng tôi dọn bở hơi tai.

Ngay như đêm giao thừa Tết dương lịch vừa rồi, công ty chúng tôi biết tình trạng xả rác sẽ tái diễn nên đã huy động 50 công nhân làm việc liên tục, chỉ gián đoạn khoảng 30-45 phút thời điểm bắt đầu bắn pháo hoa do dòng người ken đặc, nhưng mãi đến hơn 5h sáng chúng tôi mới thu dọn hết rác trên đường Nguyễn Huệ. Không chỉ có túi nilông, hộp xốp, giấy báo, chai lọ..., những thực phẩm thừa như tương đen, tương ớt vấy bẩn khắp mặt đường nên sau khi quét dọn và thu gom rác, còn phải xịt rửa thì đường mới sạch được.

Tôi quan sát thấy người xả rác ở đây đủ độ tuổi, thành phần, nhưng phần lớn trong số đó vẫn là các bạn trẻ. Cứ tầm 6h-7h tối là nhiều nhóm bạn trẻ ra đây trải bạt, lót báo ngồi rồi bày ăn ngay trên phố. Điều đáng buồn là nhiều nhóm ăn uống rồi để nguyên vậy chẳng thèm dọn dẹp. Anh em công nhân có góp ý nên bỏ rác đúng nơi thì nhận được những câu nói cay nghiệt: "Không xả rác thì sao mấy người có việc làm...".

Phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc, TP.HCM mới tạo ra được không gian mở như phố đi bộ Nguyễn Huệ. Để giữ được không gian công cộng văn minh, đẹp đẽ như thế, tôi nghĩ những người đã từng xả rác ở đây phải nhìn lại, không tái diễn tình trạng này nữa. Việc dọn vệ sinh ở đây là trách nhiệm của chúng tôi nhưng đừng lấy đó là lý do để xả rác bừa bãi làm xấu bộ mặt của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường (phó chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM):

Khó giữ vệ sinh môi trường

Q.1 là đơn vị lo vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh trong sự kiện đón giao thừa ở khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ. Chúng tôi đã họp để tìm phương án giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường, nhưng thực sự cũng hơi khó. Công nhân vệ sinh đi dọn rất vất vả, Đoàn thanh niên cũng cử một tổ đi vận động người dân nhặt rác bỏ vào thùng nhưng vẫn không xuể. Thực sự có một số người ý thức còn kém, lực lượng vệ sinh vừa làm sạch xong là họ lại quăng rác lung tung ra ngay. Lực lượng chức năng cũng đã thấy những cảnh tượng chưa đẹp như vậy nhưng không thể xử lý kịp thời vì phải tập trung cho công tác an ninh trật tự.

M.H. ghi

Hãy lắng nghe tiếng chổi khuya

thai hoang

Đêm Giáng sinh đã đi qua, tưởng chừng "làn sóng bẩn" về việc xả rác ở phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ khép lại. Ngờ đâu, chỉ mấy ngày sau, phố đi bộ Nguyễn Huệ lại trở thành bãi rác sau đêm bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2018. Hình ảnh này quả là đáng buồn với một đô thị đang hướng đến sự văn minh và trở thành nơi đáng sống như TP.HCM. Càng buồn, càng bực tức, thậm chí lên án những người xả rác bừa bãi, lại càng thương những người lao công vất vả dọn dẹp những bãi rác này.

Có lẽ, bao thế hệ học trò vẫn còn nhớ những vần thơ viết về chị lao công trong bài Tiếng chổi tre của cố nhà thơ Tố Hữu. Hình ảnh người lao công trên các nẻo đường Sài Gòn cũng vậy, họ cống hiến thầm lặng để đem đến sự sạch đẹp cho phố phường. Thời điểm mà họ vất vả nhất, cực nhọc nhất vẫn là giữa đêm khuya. Khi đường phố thưa người, những cô chú lao công khoác trên mình chiếc áo phản quang lặng thầm trên các con đường quét dọn. Người người, nhà nhà chìm vào giấc ngủ thì họ thức trắng đêm để làm công việc của mình.

Tôi thỉnh thoảng đi vào đêm khuya để "lắng nghe cuộc sống". Mỗi lần đi như thế, hình ảnh bắt gặp rõ nét nhất là những cô chú lao công làm việc vào thời điểm khuya khoắt này. Lắng nghe tiếng chổi của họ, nhìn hình ảnh họ miệt mài làm việc trong đêm, càng thấy yêu thương và trân trọng họ nhiều hơn. Chuyện rác bủa vây phố đi bộ Nguyễn Huệ sau đêm Giáng sinh và sau khoảnh khắc ngắm pháo hoa đón chào năm 2018 rồi sẽ khép lại. Song, liệu chuyện xả rác bừa bãi như thế có lặp lại?

Tôi mong rằng mọi người hãy lắng nghe âm thanh cuộc sống, lắng nghe tiếng chổi khuya để thấu hiểu và thấu cảm với nhọc nhằn của các cô chú lao công. Hãy hành động thiết thực bằng việc không xả rác bừa bãi để những người lao động thầm lặng này bớt nhọc nhằn mỗi ngày.

Thái Hoàng

Q.KHẢI - MAI HOA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên