08/04/2021 11:30 GMT+7

'Bông hồng thép' cứu hộ giao thông đêm

CHÂU TUẤN
CHÂU TUẤN

TTO - Suốt 4 năm nay, hình ảnh người phụ nữ với chiếc túi cứu thương, rong ruổi trên những cung đường để hỗ trợ người bị hư xe, bị tai nạn giao thông đã trở nên quen thuộc với người dân phường Linh Tây, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Bông hồng thép cứu hộ giao thông đêm - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân cùng đội sơ cứu người bị tai nạn giao thông đêm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Người phụ nữ ấy là chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân (25 tuổi, TP Thủ Đức) - đội trưởng Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911.

Xuyên đêm cứu nạn

Hơn 7 năm trước, chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân từng đau khổ do chị ruột của mình qua đời vì bị tai nạn giao thông mà không được hỗ trợ kịp thời. Vì vậy, chị Ngân cùng những người bạn của mình đã thành lập Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 với mong muốn hỗ trợ người gặp tai nạn giao thông giữa đêm. Tính từ thời điểm thành lập, đội đã hoạt động được 4 năm, giúp đỡ cho hàng ngàn trường hợp bị hư xe, bị tai nạn giao thông.

Đều đặn mỗi ngày, những thành viên của đội sẽ đi quanh khu vực TP Thủ Đức và hỗ trợ cho những người bị tai nạn hoặc thủng lốp xe. Thời gian đầu làm công tác cứu hộ, chị Ngân thường rụt rè, không dám chạm vào nạn nhân. Dần dần, chị nhận ra “nếu cứ sợ thì sẽ không thể cứu được người khác” nên nỗi sợ ấy vơi dần trong chị.

Từng có một khoảng thời gian, các thành viên trong đội xảy ra mâu thuẫn. Lúc ấy, chị Ngân phải làm công việc cứu hộ một mình trong vòng 6 tháng. Thời điểm đó, số ca gặp tai nạn rất nhiều, một mình chị phải làm công tác cứu hộ gấp 3 lần so với bình thường. Khúc mắc được giải quyết, sự trở lại của các đội viên như thắp lên lại ngọn lửa của niềm tin trong lòng chị. Lúc khó khăn nhất, chị Ngân từng tính chuyện từ bỏ nhưng nghĩ đến những trường hợp bị tai nạn cần được hỗ trợ nên chị quyết tiếp tục với công việc.

Có nhiều hôm sau 0h, khi các thành viên trong đội trở về nhà, chị Ngân lại rong ruổi một mình trên những nẻo đường. Nếu gặp ca tai nạn, chị cũng tự xử lý để không làm phiền đến các thành viên trong đội. “Mẹ mình vừa mất. Hiện tại, mình ở một mình nên cố gắng tự lực để mọi người được trở về với gia đình sau nhiều tiếng làm việc vất vả” - chị Ngân trải lòng.

Theo lời kể của chị, đội thỉnh thoảng nhận được những cuộc gọi báo tai nạn giả. Nhiều lúc đang làm công tác cứu hộ, rất đông người tập trung livestream gây cản trở nhiều cho đội. Thậm chí, chị từng bị chính người mình cứu chữa hành hung vì họ quá say.

Vất vả là thế nhưng trong suốt ca trực của mình, chị Ngân luôn tràn đầy năng lượng. Khi hỗ trợ nạn nhân, chị rất quả quyết và nhanh nhẹn. Ban đầu, chị tự học các phương pháp sơ cứu. Sau đó, chị tham gia các khóa học sơ cứu nhanh và chỉ lại cho các thành viên trong đội. Khi đưa nạn nhân vào viện, chị chịu khó quan sát cách bác sĩ băng bó cho nạn nhân.

Bông hồng thép cứu hộ giao thông đêm - Ảnh 2.

Chị Ngân ân cần đưa người bị nạn đi bệnh viện - Ảnh: CHÂU TUẤN

Còn sức, còn làm

Mải mê với công việc cứu hộ mỗi ngày, chị Ngân ít có thời gian để ngủ. Ban ngày, chị đi làm công nhân từ 7h đến 17h. Chị Ngân chia sẻ: “Trước đây mình từng làm nhiều nghề để mưu sinh. Nhưng sau một thời gian mình nhận thấy tính chất của những công việc ấy sẽ gây ảnh hưởng cho công tác cứu hộ ban đêm của mình. Vì vậy, mình thay đổi công việc liên tục, mình ưu tiên chọn công việc nào phù hợp để đến tối có thời gian hỗ trợ mọi người”. 

Chị Ngân đã dùng phần tiền lương công nhân mỗi tháng để mua vật dụng y tế cho đội.

Nhìn cách chị Ngân liên tục kiểm tra điện thoại vì sợ bỏ lỡ cuộc gọi báo tai nạn cũng đủ cho người khác hiểu chị trân trọng công việc này nhiều như thế nào. Bản đồ của TP Thủ Đức như thu nhỏ trong đầu chị. Chị thuộc đến từng chi tiết những ca tai nạn mình đã từng cứu chữa.

Khi có cuộc gọi đến, hình ảnh cô gái trẻ với tính cách vui vẻ bỗng dưng biến mất. Trong công tác cứu nạn, chị rất nghiêm túc, các thành viên trong đội phải tuân thủ các quy tắc mà chị đặt ra. “Với mình, mạng người tính bằng phút. Nhận được tin báo tai nạn, tụi mình di chuyển đến địa điểm ấy và sơ cứu cho nạn nhân rất nhanh. Có những bước sơ cứu, mình đặt ra quy tắc cho các thành viên phải suy nghĩ quyết định nhanh trong vòng 30 giây” - chị Ngân tâm sự.

Sau khi sơ cứu cho nạn nhân, chị Ngân cùng các thành viên trong đội đưa nạn nhân vào viện và chờ đến khi nào người nhà bệnh nhân đến. Có lúc, chị Ngân chỉ tình cờ đi ngang qua chỗ có tai nạn giao thông, nạn nhân đã được đưa đi viện nhưng chị vẫn hỏi người dân xung quanh thông tin để vào viện với bệnh nhân.

Thức đêm, hỗ trợ miễn phí chỉ để đổi lấy những cái bắt tay và nụ cười. Sau những giờ cứu hộ căng thẳng, điều mà chị Ngân nhận lại là sự tin tưởng và yêu quý của người dân vào đội cứu hộ của mình. Bây giờ, nhiều cô lao công, chú bảo vệ cứ gặp tai nạn là báo liền cho đội.

Sau tất cả, điều mà chị mong muốn nhất là có thể tạo tâm lý cho mọi người sẵn sàng giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông. “Bây giờ gặp người bị nạn, nhiều người đi đường cũng dần dần đỡ rụt rè và phân vân hơn trước. Điều đó làm mình cảm thấy rất vui”.

Khi được hỏi sẽ tiếp tục công việc này đến khi nào?, chị mỉm cười nói: “Mình còn sức là mình còn làm. Bây giờ, đối với chuyện tình cảm cá nhân mình cũng khắt khe hơn. Người bạn đời của mình sau này chắc chắn phải thông cảm và ủng hộ công việc này của mình”. 

Chương trình "10 thói quen văn minh giao thông" cần được lan tỏa

Là người đi đường khi chứng kiến những tai nạn giao thông, bạn có thói quen gọi cho đội cứu hộ? Việc làm tình nguyện với "Bông hồng thép" Nguyễn Hoàng Kim Ngân, theo bạn có là văn minh trong giao thông?

Cùng lan tỏa những hành vi giao thông văn minh như "Bông hồng thép" Nguyễn Hoàng Kim Ngân qua chương trình "10 thói quen văn minh giao thông" do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Grab Việt Nam.

Đồng thời, bạn cũng có thể chia sẻ những thói quen giao thông kém văn minh để cải thiện tình trạng giao thông hiện nay.
Bạn chỉ cần truy cập vào https://tuoitre.vn/chuyenxevanminh và lần lượt thực hiện 3 bước sau:
Bước 1: Đề xuất 1 thói quen nhỏ mà bạn nghĩ là sẽ ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của mọi người khi tham gia giao thông (Ví dụ: quên gạt chân chống, bóp kèn xe inh ỏi, sử dụng điện thoại khi đang lái xe…)

Bước 2: Nhập đầy đủ các thông tin được yêu cầu trong phần bảng hiện ra sau khi bạn ấn nút "Gửi".

Bước 3: Chia sẻ đường link thói quen mà bạn vừa đề xuất lên trang Facebook cá nhân ở chế độ "Công khai" và kêu gọi người thân, bạn bè vào bình chọn.

Ban tổ chức sẽ trao 10 phần thưởng (1 triệu đồng/người) từ đơn vị đồng hành Grab Việt Nam đến 10 người tham gia có bài viết được bình chọn nhiều nhất tính đến ngày 07-5-2021.

Cùng va chạm, ứng xử khác - kết quả rất khác Cùng va chạm, ứng xử khác - kết quả rất khác

TTO - Những ứng xử văn minh, đúng pháp luật khi lái xe không chỉ giúp giảm thiểu tai nạn, mà còn tạo cơ sở cho một nền văn hóa giao thông tốt đẹp và an toàn.


CHÂU TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên