30/07/2023 09:33 GMT+7

Bóng đá cho công nhân: Ra sân tập, tránh được cái xấu

A LỘC
và 1 tác giả khác

Những năm qua, dù sân chơi thể thao dành cho công nhân ngày càng được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế.

Bóng đá - một trong những môn thi đấu thu hút được người lao động -  Ảnh: H.TÙNG

Bóng đá - một trong những môn thi đấu thu hút được người lao động - Ảnh: H.TÙNG

Đồng Nai là một trong các địa phương có đông công nhân nhất cả nước với hơn 1,2 triệu lao động. Trong đó, khoảng 700.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp (KCN).

Những năm qua, dù sân chơi thể thao dành cho công nhân ngày càng được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế.

Sau 8 tiếng làm việc ở nhà máy, người lao động chỉ có thể về phòng trọ nấu ăn, chăm con, làm việc nhà, gọi điện thoại cho người thân... Việc giải trí hầu như chỉ quanh quẩn với chiếc điện thoại.

Các sân chơi giúp góp phần tái tạo sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là uy tín của công đoàn. Tránh được những suy nghĩ tiêu cực, công nhân sẽ gắn bó với công ty hơn.

Ông Lê Nhật Trường (chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam)

Có sân bóng thì quá tốt!

Anh Phan Thanh Hải, 35 tuổi, công nhân làm việc trong KCN Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành), cho biết mọi năm công đoàn có tổ chức các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh... Nhưng các hoạt động này mỗi năm chỉ tổ chức 1-2 lần và phải thuê mặt bằng ở bên ngoài. Công ty không có các sân tập, sân thi đấu cho người lao động tập luyện, vui chơi sau những giờ làm việc cực nhọc.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng không có sân chơi thể thao cho công nhân nên tan ca là anh về nhà hoặc tụ tập với bạn bè. Chỉ một số công nhân tự rủ nhau thuê sân bóng đá, bóng chuyền để chơi. Nhưng số này cũng không nhiều.

"Nếu có sân bóng thì quá tốt, vừa khỏe mà cũng tránh được tình trạng ăn nhậu", anh Hải chia sẻ. TP Biên Hòa, nơi tập trung nhiều KCN với hàng trăm ngàn lao động. Sau giờ tan ca, dòng người lũ lượt đổ về các khu chợ hay dãy trọ. Rất ít người tìm đến các sân thể thao. "Không có sân chơi, làm cả ngày cũng mệt nên chỉ muốn về nhà nghỉ ngơi" - anh Phạm Bá Thuyên, công nhân ở KCN Amata, nói.

Nâng cao uy tín công đoàn

Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 1.600 cơ sở kinh doanh hoạt động thể dục thể thao, gần 800 công trình thể thao (gồm 260 sân bóng đá mini, hơn 160 hồ bơi, 215 sân bóng chuyền và sân quần vợt, 62 phòng gym và bida...).

Ngoài ra, trên địa bàn còn trang bị hơn 1.200 dụng cụ thể thao ngoài trời, tạo điều kiện cho người dân, công nhân tham gia luyện tập, nâng cao sức khỏe.

Dù vậy, theo một cán bộ công đoàn, ở Đồng Nai hiện vẫn rất thiếu thiết chế văn hóa dành cho công nhân. Nhiều doanh nghiệp dù muốn xây dựng các khu vui chơi, thể dục thể thao nhưng không có không gian hoặc kinh phí.

Dù vậy, ở Đồng Nai vẫn có một số doanh nghiệp làm tốt như các công ty Pousung, Pouchen hay Tập đoàn Phong Thái... Trong đó, Tập đoàn Phong Thái vừa đầu tư xây dựng nhà thi đấu với vốn đầu tư lên đến 30 tỉ đồng.

Ông Lê Nhật Trường, chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (KCN Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), cho hay nhu cầu rèn luyện thể thao của công nhân rất lớn và rất cần thiết. Riêng Pousung mỗi năm tổ chức cả chục giải đấu như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... trong khuôn viên công ty.

"Các sân chơi không chỉ giúp công nhân giảm stress sau một ngày làm việc căng thẳng mà còn gắn kết họ với nhau. Nó góp phần tái tạo sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, đặc biệt là uy tín của công đoàn. Tránh được những suy nghĩ tiêu cực, công nhân sẽ gắn bó với công ty hơn" - ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, việc xây dựng sân chơi cho công nhân không tốn quá nhiều chi phí. Nếu quan tâm, các chủ doanh nghiệp hay công đoàn có thể làm được. "Vấn đề là sự quan tâm, thấu hiểu của ban giám đốc, công đoàn công ty với nhu cầu chính đáng này của người lao động", ông Trường cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát động Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc chiều 28-7 tại Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát động Giải vô địch Bóng đá Công nhân toàn quốc chiều 28-7 tại Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Bình Dương: nhiều sân chơi thể thao cho người lao động

Các sân chơi thể thao cho công nhân, người lao động tại Bình Dương được tổ chức phong phú không chỉ tại các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn mà còn có những giải thể thao phong trào được tổ chức bài bản, thuộc quy mô lớn nhất cả nước.

Ông Lưu Thế Thuận, trưởng Ban tuyên giáo - nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết các công đoàn viên trong tỉnh có riêng một trung tâm văn hóa lao động được đầu tư bài bản đặt liền kề khu công nghiệp tại thành phố Thuận An. Đây là điểm đến luyện tập thể thao, giải trí của người lao động.

Ngoài ra, các trung tâm văn hóa công đoàn tại các địa bàn tập trung đông công nhân của Bình Dương cũng đang được tổ chức công đoàn nghiên cứu, xây dựng thêm để tạo ra các sân chơi mới cho người lao động.

Ông Cao Văn Chóng - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Bình Dương - cho biết ngoài các hoạt động thể thao quy mô nhỏ tại các doanh nghiệp, Bình Dương còn có những giải thể thao phong trào được tổ chức thường niên quy mô lớn và bài bản.

Giải bóng đá thành phố mới Bình Dương đã được tổ chức thường niên 16 lần, trở thành giải thể thao phong trào không chỉ cho người lao động của tỉnh mà còn có sự tham dự của người lao động tại TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh…

Mong một sân chơi thể thao học đường trong sángMong một sân chơi thể thao học đường trong sáng

TTO - Vòng chung kết Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần 9 năm 2016 sẽ khai mạc vào tối 1- 8 tại SVĐ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên