19/01/2020 14:10 GMT+7

Bồi đắp thêm tư liệu về Hoàng Sa

TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ
TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ

TTO - Bồi đắp thêm những tư liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu vào “cột mốc chủ quyền” là thông điệp được truyền đi từ buổi phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức chiều 18-1.

Bồi đắp thêm tư liệu về Hoàng Sa - Ảnh 1.

Người dân và học sinh tìm hiểu tư liệu về biển đảo tại nhà trưng bày Hoàng Sa - Ảnh: TR.TRUNG

Buổi phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa có rất đông học sinh Trường THCS Hoàng Sa (quận Sơn Trà) tới tham dự. Nhà trường hi vọng khi Thư viện Hoàng Sa hình thành sẽ phục vụ công tác học tập cho học sinh. 

Em Nguyễn Văn Đức Tài, học sinh lớp 8/2, nói: "Hiện nay con biết ngôi trường con đang học mang tên quần đảo của nước ta, quần đảo gần Đà Nẵng nhưng mình không thể lên đó được nên trước mắt con mong muốn được nhìn thấy quần đảo trên sách, ảnh".

Chính đáng và có ý nghĩa

Chiều cuối năm, lá cờ trên tàu cá ĐNa 90152 bị đâm chìm vào năm 2014 trong đợt Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam hừng hực đón gió Biển Đông. Đây là một trong những hiện vật mới nhất được đặt trong khuôn viên nhà trưng bày Hoàng Sa (nằm trên đường Hoàng Sa, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng), một biểu tượng trong hoạt động bảo vệ chủ quyền của nước ta ở Hoàng Sa.

Trước khi được xây cất để trở thành nơi lưu giữ các tư liệu lịch sử về chủ quyền của nước ta đối với quần đảo này, Đà Nẵng cũng đã "đi từng bước" để kêu gọi đóng góp hiện vật, tư liệu để làm phần "ruột" cho nơi đây. 

Từ lá cờ tung bay ở thành Điện Hải (nơi vừa là biểu tượng thời kỳ đầu kháng Pháp vừa là Bảo tàng Đà Nẵng) trong buổi chiều kêu gọi đóng góp hiện vật năm 2016 cho đến hôm nay, khi có thêm một buổi phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa ngay bên bờ biển, là một chặng đường dài.

"Đó là những nghĩa cử hết sức cao đẹp của nhân dân ta và bạn bè quốc tế" - ông Võ Ngọc Đồng, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, nói. Không chỉ ở trong nước, cuộc phát động hiến tặng tư liệu, hiện vật còn lan tỏa đến người dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài và bạn bè quốc tế.

"Tư liệu về Hoàng Sa mà chúng tôi đang có vẫn còn rất ít so với lượng sách rất lớn được xuất bản. Vẫn còn rất nhiều tư liệu quý còn phân tán theo từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Chúng tôi mong có Thư viện Hoàng Sa để tổ chức thu thập và hệ thống hóa sách, tư liệu để hoàn thiện hệ thống pháp lý phục vụ mặt trận học thuật" - ông Đồng mong mỏi.

Nhà nghiên cứu trẻ Võ Hà, người dành gần 10 năm qua để nghiên cứu về các vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cho rằng việc phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa là một bước đi và cách làm chính đáng, có ý nghĩa. Ông Hà cho rằng kế hoạch xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số (thư viện số) về Hoàng Sa để đảm bảo phục vụ tuyên truyền và nghiên cứu nhanh chóng... là những việc làm bắt đầu từ hôm nay.

Đưa Hoàng Sa ra thế giới

Với việc Đà Nẵng công nhận nhà trưng bày Hoàng Sa là điểm đến du lịch, nhiều nhà nghiên cứu kỳ vọng đây sẽ là cánh cửa đưa Hoàng Sa ra với thế giới. Ông Nguyễn Kim Huy, tổng biên tập NXB Đà Nẵng, kỳ vọng có thể tận dụng triệt để việc mở cửa chào đón khách thập phương để thế giới được hiểu hơn về lịch sử chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa.

"Con em chúng ta đã được tường tận nhiều vấn đề về chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo. Bây giờ là lúc đưa vấn đề chủ quyền của đất nước ra với thế giới. Tôi mong trong thời gian tới chúng ta sẽ dịch và xuất bản thêm những cuốn sách về chủ quyền biển đảo ở nước ta để người dân, để thế giới nhìn thấy được tình hình" - ông Huy kỳ vọng.

Đà Nẵng đã đứng đầu trong nhóm "Top 10 thành phố xu hướng du lịch năm 2020" toàn cầu, nhiều năm nay có thể nói người dân bên sông Hàn mở cửa là gặp cả thế giới. "Những người Việt chúng ta đều mang trong mình nhiều xúc cảm khi đến với nơi đây. Bằng cách nào đó, tôi mong bạn bè quốc tế cũng có được cảm giác ấy khi đến với Đà Nẵng" - ông Huy nói.

Ông Võ Hà nhắc lại con số cần lưu ý: "Phía Trung Quốc rất quan tâm đầu tư nghiên cứu khoa học về Biển Đông, các xuất bản phẩm mà các nhà khoa học Trung Quốc công bố đa dạng; theo thống kê đến năm 2016, có 3.042 luận văn thạc sĩ, 1.003 luận án tiến sĩ. 

Do vậy, một lần nữa tôi mong muốn Thư viện Hoàng Sa sớm trở thành hiện thực, là nơi vừa lưu giữ, cung cấp tài liệu Hoàng Sa vừa là nơi nuôi dưỡng ý chí giành lại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chúng ta phải nhắc đi nhắc lại: Hoàng Sa là của Việt Nam" - ông Hà nói.

Ngoài những tư liệu từ cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, buổi phát động xây dựng Thư viện Hoàng Sa còn tiếp nhận bản đồ “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ”. Đây là một văn bản giấy dó còn nguyên vẹn, khổ 30x17cm, gồm 40 trang, chữ Hán được viết theo thể chữ Khải. Văn bản này được sưu tầm từ Thư viện Đại học Keio, Tokyo, Nhật Bản.

Trang 31b trong “Hoàng Lê Cảnh Hưng bản đồ” mô tả về Bãi Cát Vàng (tức quần đảo Hoàng Sa) kéo dài ngoài biển, tương ứng với khu vực từ cửa Đại cho đến khoảng giữa núi Sa Huỳnh trong đất liền. Đồng thời, một tấm bản đồ Tourane (Đà Nẵng) được Sở Địa dư Đông Dương phát hành vào tháng 11-1898 tại Hà Nội cũng được trao tặng thể hiện rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này...

Thư viện Hoàng Sa & trái tim người Việt Thư viện Hoàng Sa & trái tim người Việt

TTO - Sáng nay 19-1-2020, hàng triệu trái tim người Việt sẽ hướng về một quần đảo Hoàng Sa thân yêu của Tổ quốc.

TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên